Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201610/nha-van-nguyen-the-quang-viet-lich-su-de-soi-chieu-hien-tai-702592/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201610/nha-van-nguyen-the-quang-viet-lich-su-de-soi-chieu-hien-tai-702592/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
'Viết lịch sử để soi chiếu hiện tại' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 06/10/2016, 09:23 [GMT+7]
Nhà văn Nguyễn Thế Quang

'Viết lịch sử để soi chiếu hiện tại'

(Congannghean.vn)-Mặc dù mới bắt đầu sự nghiệp viết văn được hơn chục năm nhưng cả 3 tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thế Quang đã gây được tiếng vang trong làng văn học Việt Nam và được công chúng đón nhận rất tích cực. Các tác phẩm của ông đều đạt giải cao trong các cuộc thi, đặc biệt là cuốn tiểu thuyết lịch sử “Thông reo ngàn Hống” viết về Uy viễn tướng công danh nhân văn hóa Nguyễn Công Trứ được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Xuất sắc Giải thưởng Văn học năm 2015.

Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thế Quang luôn dày công sưu tầm, nghiên cứu và lao động sáng tạo nghiêm túc trong mỗi tác phẩm của mình
Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thế Quang luôn dày công sưu tầm, nghiên cứu và lao động sáng tạo nghiêm túc trong mỗi tác phẩm của mình

Trước khi bắt tay vào sự nghiệp viết văn, nhà văn Nguyễn Thế Quang đã có hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ông từng là thầy giáo dạy văn của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh. Các thế hệ học sinh nơi đây luôn nhắc đến người thầy đáng kính bởi những bài giảng không đơn thuần là kiến thức văn học mà đó còn là bài học làm người, biết yêu thương, trân trọng giá trị cuộc sống.

Đam mê viết lách nhưng phải đến sau khi nghỉ hưu (năm 2003), nhà văn Nguyễn Thế Quang mới có thời gian để tập trung đầu tư cho đứa con tinh thần của mình. Niềm đam mê cùng với kiến thức tích lũy và quan trọng hơn đó là tinh thần lao động nghệ thuật hết sức nghiêm túc, dày công sưu tầm, thu thập tài liệu nên những tác phẩm của ông đã tạo được dấu ấn và tiếng vang không chỉ đối với độc giả xứ Nghệ.

Cả 3 tác phẩm của ông đều trung thành với tiểu thuyết lịch sử - thể loại được xem là khó viết và ít nhà văn thành công. Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Thế Quang lại cho rằng hợp với mình và ông đã thành công ở thể loại này. Cả 3 tác phẩm đều viết về danh nhân xứ Nghệ - những người ông ca ngợi là “làm đẹp cho giang sơn, gấm vóc ta”.

Tác phẩm “Nguyễn Du” viết về Đại thi hào Nguyễn Du giai đoạn ra làm quan triều đại vua Gia Long (1802); “Khúc hát những dòng sông” viết về bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ và cuốn tiểu thuyết mới được ông xuất bản vào năm 2015 “Thông reo ngàn Hống” dày hơn 600 trang, ca ngợi về danh nhân Nguyễn Công Trứ. Cuộc đời của 3 nhân vật này gắn liền với những bước ngoặt lịch sử; là những nhân cách lớn có đóng góp to lớn cho lịch sử nước nhà. Vì thế, để đảm bảo tính chân thực, kết tinh sự tinh túy như các tư liệu trước không phải là điều dễ.

Trong các tác phẩm của mình, nhà văn Nguyễn Thế Quang không chỉ khắc họa chân dung nhân vật một cách chân thực nhất mà còn khám phá thêm những điều mới lạ, thể hiện phong cách, dấu ấn riêng biệt trong mỗi tác phẩm. Cả 3 cuốn tiểu thuyết đều đạt giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương cấp tỉnh; trong đó cuốn “Khúc hát những dòng sông” đạt giải 3 cuộc thi Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức; “Thông reo ngàn Hống” đạt giải Xuất sắc Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015.

Với nhà văn Nguyễn Quang Thế, viết lịch sử không phải là viết chuyện cũ mà để soi chiếu những vấn đề hiện tại để gửi gắm ước muốn cho thế giới hiện thực. Đó là tư tưởng dấn thân, dám vượt lên, dám đi đến tận cùng ước vọng của một người trí thức chân chính.

Trong 2 cuốn “Nguyễn Du”“Thông reo ngàn Hống”, ông đề cập tới vấn đề quyền lực và trí thức, nêu lên trách nhiệm của kẻ sỹ đối với đất nước. Đó là câu chuyện về Nguyễn Du thời điểm ra làm quan đối diện với quyền lực nhưng vẫn giữ vững quan điểm, lập trường của mình để rồi sáng tác ra tác phẩm “Truyền Kiều” có sức lay động và giá trị đến muôn đời; là Nguyễn Công Trứ dù có bị hiểu lầm, bị hắt hủi, bị dìm xuống tận cùng khổ đau nhưng vẫn đem hết sức mình phục vụ dân tộc, đề cao trách nhiệm của kẻ sỹ khi đất nước hưng vong.

Đánh giá về tác phẩm này, tại lễ trao giải tiểu thuyết 2011 - 2015, Giải thưởng Văn học 2015, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Văn học Việt Nam nhấn mạnh: Trong mỗi tác phẩm của mình, nhà văn Nguyễn Thế Quang luôn đắm chìm với nhân vật lịch sử và thời đại lịch sử của nhân vật ông viết. Chính vì vậy, người đọc thấy ông như một nhân vật của thời đại đó, khóc cười cùng nhân vật; ông làm cho nhân vật lịch sử và thời đại của họ hiện lên như vừa mới hôm qua. Đây là nền tảng cơ bản để tác giả thành công trong thể loại này. Một điều quan trọng nữa đó là dù viết về câu chuyện lịch sử cách đây vài trăm năm nhưng nó vẫn mang đến những bài học giá trị cho cuộc sống hôm nay.

.

Huyền Thương

.