Tính đến hết ngày 30-8, cả nước mới có khoảng hơn 42.632 thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, khoảng gần 2/3 chỉ tiêu ĐH còn lại của năm 2016 vẫn đang bị “ế”
Ngày 31-8, ngày cuối cùng của đợt xét tuyển bổ sung đợt 1, trong số 163 trường ĐH trên cả nước phải xét tuyển bổ sung, chỉ có một số trường ĐH top trên như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương cơ sở Quảng Ninh, ĐH Bách Khoa Hà Nội, Học viện Ngoại giao... nhiều khả năng là tuyển đủ chỉ tiêu vì số lượng thí sinh đăng ký đã vượt xa rất nhiều so với số chỉ tiêu tuyển bổ sung của nhà trường. Đa phần các trường còn lại đều rơi vào tình trạng “vỡ trận” vì số thí sinh đến nộp hồ sơ mới chỉ đạt 50-70% so với chỉ tiêu dự kiến.
Trước thực trạng các trường thiếu chỉ tiêu trầm trọng mà không biết thí sinh trúng tuyển đi đâu, Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã chỉ ra rằng: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu là do số lượng thí sinh đăng ký thi/xét tuyển vào ĐH tương đối ổn định, thậm chí là giảm nhẹ trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ngày càng tăng đã làm cho nguồn tuyển giảm đi.
Việc các trường vẫn còn đang dư thừa hàng chục nghìn chỉ tiêu cho thấy, vào ĐH không còn là sự lựa chọn duy nhất của thí sinh. |
“Hiện nay chỉ tiêu do các trường tự xác định thực chất là năng lực đào tạo tối đa mà các trường được phép tuyển, để đảm bảo chất lượng ở mức chấp nhận được theo quy định. Việc xác định chỉ tiêu cũng chưa dựa vào thực tế nhu cầu học của xã hội, chưa dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng của thị trường lao động đối với ngành nghề đào tạo… mà chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo tối đa của mình và kinh nghiệm tuyển sinh của năm trước nên so với thực tế, số “ảo” có thể nằm ngay trong số chỉ tiêu được xác định”- Bà Phụng nhấn mạnh.
PGS. TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông cũng cho rằng: Tỷ lệ cử nhân thất nghiệp trong những năm gần đây đang có dấu hiệu tăng đã khiến cho chính các thí sinh và gia đình phải tính toán nhiều hơn về con đường tương lai của mình. Với nhiều thí sinh, nhiều gia đình, ĐH không còn là con đường duy nhất mà các em đã có thêm nhiều sự lựa chọn khác. Trong đó, có một xu hướng đang nổi lên hiện nay là nhiều thí sinh không lựa chọn ĐH mà chuyển hướng sang học nghề, điều này thể hiện ngay trong số lượng thí sinh đăng ký thi THPT chỉ để lấy kết quả tốt nghiệp tăng mạnh trong năm nay. Ngoài ra, còn khá nhiều thí sinh có đăng ký để lấy kết quả ĐH nhưng cũng chỉ dùng kết quả đó để học nghề. Lí do là học nghề thời gian ngắn, ít tốn kém, ra trường dễ kiếm việc làm.
“Tôi đã nghe một số học sinh chia sẻ rằng, nếu không đủ điểm để đỗ vào các trường Công an, quân đội (không mất học phí, không phải lo đầu ra) hoặc các trường ĐH tốp đầu, có thương hiệu, có uy tín, ra trường dễ có cơ hội kiếm việc làm thì sẽ học nghề chứ nhất định không vào học tại các trường làng nhàng, không có mấy tên tuổi để rồi ra trường thất nghiệp. Điều này cho thấy sự tính toán của các thí sinh ngày càng tinh tường và thực tế hơn rất nhiều”- Ông Lập chia sẻ.
Còn ông Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ thì nhấn mạnh: Kết quả tuyển sinh năm 2016 với việc dư thừa hàng chục nghìn chỉ tiêu cũng là cơ hội để các trường xem xét, nhìn nhận lại chính mình. Trong đó, các trường muốn tuyển sinh tốt thì không còn cách nào khác ngoài việc nâng cao chất lượng và gắn kết đào tạo với thực tiễn để sinh viên ra trường dễ dàng có cơ hội việc làm mà không cần phải qua “đào tạo lại”.