(Congannghean.vn)-Mặc dù chưa được UBND huyện cho phép nhưng nhiều trường học trên địa bàn huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh vẫn tự ý đề ra và tiến hành thu các khoản tiền đầu năm học hết sức vô lý, thậm chí có cả những khoản thu đã bị cấm từ lâu khiến phụ huynh, học sinh rất bức xúc.
Theo phản ánh của các phụ huynh trên địa bàn huyện Thạch Hà, một số trường học đã đề ra nhiều khoản thu vô lý đầu năm học mới. Tuy nhiên, vì không muốn con mình bị “ảnh hưởng” nên các phụ huynh đành “nhắm mắt” đóng cho “xong chuyện”.
Trường THCS Phan Huy Chú bị phản ánh lạm thu |
Tại Trường THCS Phan Huy Chú, các khoản thu đều được nhà trường lập thành một danh sách trích ngang ghi cụ thể, tính sơ sơ cũng hơn 14 khoản. Điều đáng nói là nhà trường tự đề ra các khoản thu vô lý và bằng nhiều phương thức khác nhau. Các khoản lạm thu từ “gợi ý” của nhà trường được gọi là “tự nguyện” và cụ thể hóa thông qua ban đại diện Hội phụ huynh học sinh.
Thống kê các khoản thu đầu năm học 2016 - 2017 của Trường THCS Phan Huy Chú cho thấy, ngoài tiền học phí, xây dựng, tiền bảo hiểm, quỹ lớp, quỹ đội, quần áo đồng phục…, học sinh còn phải đóng thêm các khoản như: Tiền phô tô giấy kiểm tra 50.000 đồng; tiền bảo hành máy tính 50.000 đồng; tiền gửi xe đạp thường 55.000 đồng/năm, xe đạp điện 72.000 đồng/năm; tiền duy tu, bảo dưỡng máy lọc nước 20.000 đồng; tiền sổ liên lạc điện tử 60.000 đồng; tiền học thêm 1.200.000 đồng; tiền lao động phụ huynh 50.000 đồng; tiền lao động học sinh 90.000 đồng; tiền ri đô cho học sinh lớp 6 là 50.000 đồng; tiền quỹ hội phụ huynh trường 80.000 đồng, tiền quỹ phụ huynh lớp 150.000 đồng. Tổng cộng các khoản thu, vào đầu năm học mới, trung bình mỗi học sinh phải nộp gần 4 triệu đồng.
Tương tự, tại Trường Mầm non Tượng Sơn, vào đầu năm học mới, mỗi cháu cũng phải đóng hơn 2 triệu đồng, chưa kể tiền ăn hàng tháng. Cụ thể tiền bồi dưỡng trẻ bán trú 300.000 đồng; tiền mua đồ dùng phục vụ cho trẻ 150.000 đồng; tiền mua dụng cụ vệ sinh 150.000 đồng, đồ dùng học tập từ 160.000 - 340.000 đồng tùy theo độ tuổi; tiền lễ tết 60.000 đồng, tiền tu sửa nhỏ 500.000 đồng, tiền trả cô nuôi 300.000 đồng, tiền bồi dưỡng trực ngoài giờ 300.000 đồng.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi với thầy Trần Đức Luyến, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Huy Chú. Thầy Luyến cho biết: Trong quá trình làm có những khoản thu rất linh hoạt, nhà trường có vận dụng chút ít. Nhưng đây mới chỉ linh động, vận dụng, nếu có nhiều ý kiến phản ánh của phụ huynh, nhà trường sẽ xem xét và nghiên cứu, điều chỉnh lại. Còn về các khoản thu quỹ thì trên tinh thần tự nguyện của các phụ huynh, có biên bản làm việc. Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu xem biên bản đóng góp tự nguyện của phụ huynh thì phía nhà trường không cung cấp được.
Qua tìm hiểu được biết, để đảm bảo các khoản thu được công khai và đúng luật, đầu năm học 2016 - 2017, UBND huyện Thạch Hà đã ban hành Quyết định số 1602, trong đó nêu rõ: Sau khi có văn bản của các cơ sở giáo dục về các khoản thu đầu năm, UBND huyện giao 2 Phòng Tài chính - Kế hoạch, Giáo dục và Đào tạo căn cứ điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh của từng vùng, từng địa phương thẩm định, rà soát cụ thể từng danh mục thu, chi để đề xuất UBND huyện, Thường trực HĐND xem xét, thống nhất. Trên cơ sở phương án thống nhất bằng văn bản của UBND huyện và Thường trực HĐND, các cơ sở mới được phép thu.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Tiến Đạt, Chánh văn phòng UBND huyện Thạch Hà, ông Đạt khẳng định: “Cho đến thời điểm này, huyện chưa có bất kỳ văn bản nào cho phép các trường thu các khoản đầu năm học. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra thực tế tại 2 trường trên. Nếu các trường tự ý thu như vậy là trái phép”.
Mặc dù là huyện gần kề TP Hà Tĩnh nhưng đời sống của đại đa số người dân còn rất khó khăn. Thiết nghĩ, việc xã hội hóa công tác giáo dục là một chủ trương đúng nhưng không nên vận dụng thái quá để tạo gánh nặng cho phụ huynh, học sinh và làm xấu đi hình ảnh trong sáng, tốt đẹp vốn có của ngành giáo dục.