Văn hóa - Giáo dục

Sinh viên chật vật hoàn trả vốn vay sau khi ra trường

15:18, 30/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nhằm tạo điều kiện để hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) có thêm kinh phí học tập, từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg. Theo đó, gia đình HSSV có hoàn cảnh khó khăn sẽ được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi để trang trải cuộc sống, phần nào giảm bớt áp lực, gánh nặng đối với các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng HSSV sau khi ra trường không có việc làm nên việc hoàn trả vốn gặp nhiều khó khăn.

HSSV vay tiền để học tập sẽ phải đối mặt với khoản nợ ngân hàng sau khi ra trường
HSSV vay tiền để học tập sẽ phải đối mặt với khoản nợ ngân hàng sau khi ra trường

Tiếp sức cho HSSV

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007, cùng với cả nước, Nghệ An đã tiến hành rà soát, lập danh sách để trình các cấp phê duyệt nguồn tín dụng cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải học phí cũng như cuộc sống.

Theo đó, việc cho vay đối với HSSV được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Cũng theo Quyết định này thì mức vay vốn tối đa 800.000 đồng/tháng/HSSV.

Ngay sau khi Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành, các địa phương trên địa bàn Nghệ An đã nhanh chóng phối hợp với Ngân hàng CSXH triển khai việc giải ngân vốn vay nhằm kịp thời hỗ trợ HSSV trang trải học phí, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, việc ban hành chính sách nguồn tín dụng ưu đãi cho HSSV đã phần nào tiếp sức cho các em yên tâm học hành, giảm bớt gánh nặng về tài chính hàng tháng cho các bậc phụ huynh.

Tiếp đó, vào ngày 5/1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 07/QĐ-TTg về việc điều chỉnh mức vay dành cho HSSV lên mức tối đa là 1.250.000 đồng/tháng/HSSV.

Em Trần Thị Duyên quê ở xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, hiện đang là sinh viên năm thứ 2 ĐH Y khoa Vinh tâm sự: “Vì gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, ban đầu khi thi đậu vào ĐH Y khoa Vinh, thấy nhà trường gửi thông báo về các khoản học phí phải nộp, bản thân em và gia đình rất lo lắng vì không biết xoay xở đâu ra tiền. Nhưng khi tìm hiểu có nguồn hỗ trợ cho HSSV vay vốn để đóng học phí, gia đình em đã phần nào giảm bớt khó khăn. Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi như vậy thì nguy cơ em phải bỏ học là điều sẽ xảy ra”.

Trường hợp của em Trần Thị Duyên là một trong số hàng nghìn HSSV trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp để chắp thêm ước mơ tới giảng đường.

Theo thống kê của Ngân hàng CSXH chi nhánh Nghệ An, đến thời điểm hiện nay, tổng dư nợ dành cho HSSV trên địa bàn hơn 1.360 tỉ đồng. Con số này đồng nghĩa với việc, hiện tại có khoảng gần 1.100 HSSV đang theo học tại các trường ĐH, CĐ… trên địa bàn cả nước đã được giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi.

Qua đánh giá, với việc nâng mức cho vay tối đa lên tới 1.250.000 đồng/tháng/HSSV thay vì 800.000 đồng như trước kia, nhiều hộ gia đình đã giảm bớt gánh nặng về tài chính trong thời gian phải nuôi con cái ăn học. Đặc biệt, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng có tới 2 - 3 người con học ĐH, CĐ thì nỗi lo tài chính đã được giải toả phần nào.

Chật vật trả nợ ngân hàng sau khi ra trường

Với những quy định cụ thể tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 07/QĐ-TTg, sau khi ra trường, ngoài việc phải nộp lãi suất hàng tháng cho Ngân hàng CSXH thì hộ gia đình HSSV sẽ phải có nghĩa vụ hoàn trả cả gốc lẫn lãi sau khi ra trường. Do vậy, nếu hộ gia đình HSSV không thực hiện theo đúng cam kết ban đầu, lãi suất cho vay bắt buộc phải điều chỉnh theo các ngân hàng thương mại khác.

Tuy nhiên, thực trạng HSSV sau khi ra trường không tìm được việc làm đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và khiến không ít gia đình rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu.

“Thuộc diện hộ nghèo nên 4 năm học ĐH, gia đình đã đăng ký để được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH nhằm trang trải học phí cho em. Với số tiền đó, hy vọng sau khi ra trường em sẽ tìm được một công việc ổn định, có thu nhập để trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, tốt nghiệp ĐH đã 3 năm nhưng em vẫn chưa tìm được việc làm ổn định. Vì vậy, để có tiền trả lãi suất ngân hàng, em phải đi làm phụ hồ ở miền Nam, với thu nhập ít ỏi tích cóp gửi về cho gia đình trả nợ. Không biết bao giờ em mới tìm được công việc ổn định để có tiền trả nợ ngân hàng”, em Sầm Văn Tình ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu cho biết.

Nỗi lo của em Tình cũng là thực trạng chung của không ít HSSV ra trường trong thời gian qua. Việc làm không có, tấm bằng cử nhân sau 4 năm ĐH đành phải tạm cất để tìm kiếm công việc tạm bợ, nhiều trường hợp đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.

Theo ông Hoàng Sơn Lam, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ Ngân hàng CSXH chi nhánh Nghệ An cho biết, thực trạng HSSV chật vật lo trả nợ ngân hàng sau khi ra trường là có trong những năm qua. Tuy nhiên, trên địa bàn Nghệ An đã thực hiện rất tốt trong việc thu hồi nguồn vốn vay. Nhiều địa phương do làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nên việc hộ gia đình HSSV trả lãi, thậm chí nhiều trường hợp hoàn trả gốc trước thời hạn. Đến thời điểm hiện nay, tổng số dư nợ của Nghệ An đang nằm ở ngưỡng an toàn, không đến mức phải báo động.

Cũng theo con số mà Ngân hàng CSXH đưa ra, thì trung bình mỗi năm, Nghệ An giải ngân khoảng hơn 200 tỉ đồng cho gói vay tín dụng HSSV, đồng thời có khoảng 300 tỉ đồng tiền nợ đến hạn mà hộ HSSV phải trả. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 3,6/1.360 tỉ đồng nợ quá hạn phải trả.

Tuy nhiên, trên thực tế đã có không ít trường hợp HSSV sau khi ra trường đã phải chật vật làm đủ thứ nghề để có tiền trả nợ ngân hàng. Trước tình hình đó, công tác giải quyết việc làm cho HSSV sau khi ra trường cần phải được sự quan tâm của các cấp, ngành hơn nữa.

Ngọc Thái

Các tin khác