Văn hóa - Giáo dục

Phụ huynh trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh) phản đối học VNEN

Đừng đổ lỗi cho VNEN!

09:52, 30/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sự việc một số phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh) kéo đến Trường phản đối, kiến nghị dừng chương trình học VNEN trong những ngày vừa qua đã gây ra những ý kiến trái chiều xung quanh dự án mô hình trường học mới. Sau hơn 4 năm triển khai tại 73 trường học trên địa bàn Nghệ An, mô hình trường học mới đã tạo sự chuyển biến, hiệu quả tích cực trong dạy và học.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình VNEN vẫn còn bộc lộ một số bất cập dẫn đến việc phụ huynh nghi ngại và băn khoăn về hiệu quả của chương trình này. Trước thềm năm học mới, khi dự án VNEN đã kết thúc, chúng ta cùng nhìn lại những ưu điểm và hạn chế của mô hình.

 Một giờ học VNEN của Trường THCS Lê Lợi, TP Vinh
Một giờ học VNEN của Trường THCS Lê Lợi, TP Vinh

Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) khởi nguồn từ Colombia theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Điểm nổi bật của mô hình này là đổi mới về cách thức tổ chức lớp học.

Ở đó học sinh là chủ thể trung tâm của hoạt động dạy và học, giáo viên có vai trò dẫn dắt, tổ chức lớp học và đồng hành trong quá trình giải quyết vấn đề, tiếp thu và thực hành kiến thức của học sinh. Đây được xem là mô hình học tập nhân văn, có tính thiết thực cao để học sinh chủ động, mạnh dạn, tự tin trong học tập lẫn giao tiếp.

Từ tháng 1/2013 - 5/2016, dự án mô hình VNEN đã triển khai ở hơn 4 nghìn trường tiểu học của các địa phương trên cả nước, trong đó có Nghệ An. Không chỉ được áp dụng ở bậc tiểu học, năm học 2015 - 2016, VNEN còn được triển khai ở cấp THCS.

Phụ huynh không muốn cho con học VNEN

Tại Nghệ An, mô hình VNEN được triển khai từ đầu năm học 2012 - 2013 ở 73 trường tiểu học trong toàn tỉnh (chiếm tỉ lệ 14,1%) với 1.047 lớp và 27.030 học sinh tham gia (trong đó, học sinh vùng dân tộc miền núi chiếm 70%). Ở bậc tiểu học đã triển khai được 4 năm học, còn bậc THCS bắt đầu thực hiện từ năm học 2015 - 2016.

Ông Thái Khắc Tân, Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh cho biết: Phải thừa nhận rằng, mô hình trường học mới có những ưu điểm nổi bật. Thay vì phương pháp dạy học truyền thống thầy đọc, trò chép, giáo viên tổ chức, hướng dẫn học sinh cách học và theo dõi kiểm soát học sinh tự học.

Theo đó, học sinh tự quản, tự chủ hơn trong học tập, phát huy tối đa sự hiểu biết, năng lực của bản thân cũng như kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn như cơ sở vật chất chưa đảm bảo, sĩ số lớp quá đông ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Trường Tiểu học Nguyễn Trãi là 1 trong 2 trường của TP Vinh được chọn thí điểm dạy học theo mô hình VNEN. Mô hình được áp dụng cho lớp 2 và lớp 5. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện mô hình VNEN thì nhà trường nhận được nhiều phản hồi không tốt nếu không muốn nói là tiêu cực từ phía phụ huynh.

Theo đó, từ hai năm trở lại đây, nhiều phụ huynh đã làm đơn xin chuyển trường cho con vì không muốn con học mô hình này. Đỉnh điểm là sự việc ngày 23/8 vừa qua, một số phụ huynh đã kéo đến trường phản đối, yêu cầu nhà trường dừng chương trình này.

Sự việc đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của giáo viên và học sinh cũng như gây ra cái nhìn sai lệch về mô hình VNEN.

Chị Trương Thị Thu trú tại khối 9, phường Quán Bàu, TP Vinh có con gái đang học lớp 3B, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho biết: “Mặc dù con gái học lực khá nhưng tôi không muốn cho cháu học theo mô hình này vì tôi thấy con không nắm được công thức cũng như phương pháp làm bài tập. Nói là tự thảo luận nhưng cô không dạy thì trò làm sao nắm được kiến thức cơ bản, nhỡ đâu con lại chỉ lo nói chuyện riêng”.

Còn với chị Nguyễn Thị Hương thì ngay từ đầu năm học, chị đã kiên quyết làm đơn xin chuyển trường cho con. “So với các bạn trong lớp, con tôi bị “hụt hơi” hẳn. Tôi nghĩ là mô hình này chỉ hợp với học sinh có năng lực, học lực khá, giỏi thôi. Hiện, tôi đã làm đơn chuyển trường cho cháu nhưng vẫn chưa được giải quyết”, chị Hương cho hay.

Sau khi phụ huynh kéo đến Trường phản đối, Phòng GD&ĐT thành phố đã chủ trì làm việc với phụ huynh để lắng nghe nguyện vọng từ phía phụ huynh. Trong buổi làm việc, một số ý kiến được đưa ra như: Tư thế ngồi học không đúng với quy định, ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống, vai và thị lực; học sinh tiếp thu chương trình học mới chậm, kết quả không khả quan; bài tập ở lớp ít, học sinh chưa biết tự học hay tự thảo luận.

Ngoài ra hiện nay, phường Quán Bàu vẫn chưa có trường THCS nên khi chuyển cấp, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi học lên Trường THCS Lê Lợi nên bị tách biệt, chất lượng không đồng đều...

Trước thềm năm học mới 2016 - 2017, một số địa phương đã chấm dứt thực hiện mô hình VNEN.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu rõ việc áp dụng mô hình này chưa phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương nên gặp khó khăn. Bộ nghiêm túc rút kinh nghiệm những ưu điểm và bất cập. Từ đó, đề nghị các địa phương đang triển khai mô hình VNEN tiếp tục làm trên cơ sở tự nguyện.

Với các cơ sở giáo dục không áp dụng VNEN thì có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình để bổ sung vào phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.

Cần có sự gắn kết giữa phụ huynh và nhà trường

Ông Thái Khắc Tân, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Vinh cho biết: Khi thực hiện một mô hình mới nào cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi nếp dạy học truyền thống vốn đã ăn sâu trong tư tưởng của nhiều giáo viên và phụ huynh. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh luôn mong muốn con mình đạt thành tích cao trong học tập nên vô tình tạo ra áp lực đối với học sinh.

Để phụ huynh có cái nhìn đúng đắn về mô hình VNEN không phải chỉ trong một sớm một chiều mà phải có thời gian. Trong đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất cũng như bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên để phụ huynh tin vào hiệu quả của mô hình này.

Nét nổi bật của mô hình VNEN là cách thức tổ chức lớp học, học sinh ngồi theo nhóm để  thuận tiện trao đổi. Tuy nhiên hiện nay, sĩ số các lớp học đều đông, chưa kể tình trạng quá tải ở các trường khiến việc bố trí lớp học gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nếu học theo mô hình mới thì phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất mà ngành giáo dục Nghệ An gặp phải.

Dự án mô hình VNEN được Bộ GD&ĐT thí điểm triển khai trong 3 năm từ năm học 2012 - 2013 đến tháng 5/2016 với tổng kinh phí được cấp cho địa phương là hơn 47,8 tỉ đồng. Năm học 2015 - 2016, chương trình được triển khai ở bậc THCS với 26 trường nhưng không có thêm kinh phí hỗ trợ. Trong khi đó, chi phí mua sắm sách giáo khoa theo mô hình này gấp đôi so với bộ sách giáo khoa thông thường.

Tổng kết thực hiện chương trình dự án VNEN sau 3 năm học, ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD&ĐT cho biết: “Có đến 80% các trường triển khai hiệu quả. Sở đã báo cáo UBND tỉnh và hướng dẫn các cơ sở giáo dục lựa chọn 4 yếu tố được cho là thành công ở địa phương để áp dụng vào chương trình đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà. Đó là đổi mới cách tổ chức lớp học, đổi mới cách dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, đổi mới cách sinh hoạt chuyên môn để nâng cao nghiệp vụ giáo viên và đổi mới cách huy động cộng đồng tham gia vào công tác giáo dục. Theo đó, Sở yêu cầu các trường tùy vào điều kiện, khả năng thực tế để áp dụng một trong các tiêu chí sao cho phù hợp, linh hoạt, không rập khuôn, máy móc”.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, để phụ huynh kéo đến trường phản đối việc học VNEN là một sự việc đáng tiếc, điều này chứng tỏ phía nhà trường và phụ huynh chưa có sự gắn kết, tương tác khiến phụ huynh chưa an tâm, tin tưởng ở giáo viên.

“Chúng tôi đã làm việc với nhà trường, yêu cầu giáo viên mạnh dạn bổ sung, điều chỉnh những bất cập trong việc tổ chức dạy học, có thể kết hợp dạy cá nhân, theo nhóm hoặc cả lớp để bổ sung, củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Giáo viên phải hết sức làm chủ trong quá trình dạy học để biết được học sinh mạnh, yếu chỗ nào để điều chỉnh chứ không rập khuôn theo tài liệu dự án; đồng thời phải tăng cường trao đổi sinh hoạt chuyên môn để thống nhất điều chỉnh trong nhà trường”, ông Sơn cho hay.

 Tâm sự với chúng tôi, một giáo viên lâu năm của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho biết: Tôi dạy lớp 1 không áp dụng chương trình VNEN nhưng các con của tôi đều học mô hình này. Tôi thấy cháu tiến bộ, chủ động hơn trong việc trao đổi, tích lũy và chiếm lĩnh tri thức, huy động bố mẹ trao đổi kiến thức, cởi mở, tự tin trong giao tiếp. Đó là điều mà tôi thấy được từ khi con được học VNEN. Nếu phụ huynh cho rằng, học VNEN không hiệu quả thì bao nhiêu công sức, cố gắng của giáo viên chúng tôi coi như đổ sông đổ bể.

Rõ ràng, ưu điểm mà VNEN mang lại là rất lớn. Tuy nhiên, để việc thực hiện VNEN phát huy hiệu quả thì cần có một lộ trình phù hợp, trong đó phải đảm bảo các yếu tố cần và đủ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhận thức của phụ huynh... Có như vậy, mô hình VNEN mới tạo được sự đồng thuận của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Huyền Thương

Các tin khác