(Congannghean.vn)-Đổi mới một cách linh hoạt, phù hợp, hiệu quả nhất là nhiệm vụ của năm học mới 2016 - 2017. Để thực hiện nhiệm vụ này, các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xây dựng, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học cho cả giáo viên và học sinh.
Tính đến thời điểm này, học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tựu trường. Cũng giống như mọi năm, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị dạy học luôn được các nhà trường quan tâm, đặt lên hàng đầu.
Buổi học Tin học của học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú số 2 |
Tại Trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh, thầy Hoàng Xuân Lương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhà trường cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên những nội dung liên quan đến nhiệm vụ năm học mới, những đổi mới của Bộ GD&ĐT, khai thác sử dụng CNTT trong dạy học, thực hiện mô hình trường học kết nối…
Về phía học sinh, nhà trường một mặt tổ chức rà soát, ôn tập kiến thức năm học cũ; mặt khác tư vấn, hướng nghiệp cho phụ huynh và học sinh để các em lựa chọn phân ban phù hợp với năng khiếu và lực học của bản thân.
Với đặc thù là trường dành cho học sinh dân tộc thiểu số, Trường THPT DTNT số 2, tỉnh Nghệ An rất quan tâm đến tâm tư, tình cảm của học sinh, nhất là các em mới bước vào lớp 10.
Thầy Nguyễn Đậu Trương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Các em học sinh đầu cấp mới xuống TP Vinh nhập học còn nhiều bỡ ngỡ, vì vậy, ngay từ đầu năm học nhà trường xác định phải làm sao gây thiện cảm cho các em, từ thái độ của các thầy cô giáo, các anh chị khóa trên đến cơ sở vật chất, ăn ở nội trú để động viên các em yên tâm học tập.
Sau đó là dạy cho các em kỹ năng sống, cách sinh hoạt nội trú, giao tiếp ứng xử với thầy cô, bạn bè. Đối với học sinh nữ sẽ có các buổi tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính.
Nhà trường cũng giao cho Đoàn thanh niên tổ chức sinh hoạt mỗi tháng 1 chủ đề. Trong đó, những chủ đề cần phải có dịp đầu năm là: Phương pháp tự học để đạt hiệu quả, xây dựng các CLB Toán học, Văn học, Vật lý…
Năm học 2016 - 2017 cũng là năm học kết thúc nhiều chương trình và dự án giáo dục, mô hình trường học như: VNEN, SEQAP…; đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đang lấy ý kiến từ cơ sở để chuẩn bị cho thay đổi chương trình sách giáo khoa dự kiến vào năm học 2017 - 2018. Vì vậy, chuẩn bị tâm thế cho đổi mới là nhiệm vụ quan trọng của thầy và trò các trường.
Trường Tiểu học Phúc Thọ là 1 trong 4 trường thí điểm thực hiện mô hình VNEN tại huyện Nghi Lộc. Cô Dương Thị Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường Tiểu học Phúc Thọ triển khai VNEN từ năm 2011. Thời gian gần đây đã có nhiều ý kiến trái chiều về mô hình này. Tuy nhiên, từ thực tế 5 năm học qua, Trường đã tổ chức lớp học và tiết dạy rất tốt, các em học sinh mạnh dạn, tự tin hơn.
Việc áp dụng VNEN vào dạy học không thể cứng nhắc, rập khuôn mà phải dựa trên cơ sở mô hình để tổ chức hoạt động linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của học sinh. Quan trọng là giáo viên phải có niềm tin và quyết tâm đổi mới. Trong thời gian tới, Trường vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chương trình VNEN.
Ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Đổi mới một cách linh hoạt, phù hợp, hiệu quả nhất trước hết cần phải chuẩn bị tâm thế cho đổi mới toàn diện giáo dục. Cụ thể là đổi mới chương trình sách giáo khoa, đổi mới chương trình dạy học phổ thông và nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy các cháu mầm mon. Trong đó, tập trung trước hết là đổi mới quản lý, phương pháp dạy học, xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên.
Tiểu học triển khai nhân rộng những mặt nổi trội của VNEN, tiếng Việt công nghệ lớp 1… Mầm non triển khai chương trình mầm non mới, phổ cập mầm non 5 tuổi.
Đối với trung học, tiến hành tích hợp liên môn, xây dựng trường hợp mở trường học kết nối, đổi mới sinh hoạt nhóm tổ chuyên môn… từng bước thực hiện theo mô hình mở: Học sinh tự quản tự chủ.
Giáo viên đổi mới phương pháp dạy trên cơ sở khuyến khích kỹ năng để phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Soạn bài theo hướng nghiên cứu bài học, gắn những điều đã học với vận dụng, giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống ở các mức độ: Thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao…
Ngoài ra, tập trung xây dựng trường chuẩn quốc gia, coi đó là biện pháp tổng hợp để huy động mọi nguồn lực nhằm nâng cấp giáo dục của các cơ sở. Bên cạnh đó, đổi mới phương pháp quản lý; tổ chức phân luồng, hướng nghiệp sau THCS và THPT…
Một năm học mới với nhiều đổi mới hiệu quả là tư tưởng chỉ đạo của Sở GD&ĐT. Muốn làm được điều đó, ngoài việc tự thân, tự nguyện của mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh là sự vào cuộc của toàn xã hội.