Văn hóa - Giáo dục

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên

Cần đảm bảo học thật, chứng chỉ thật

15:29, 20/07/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư liên tịch quy định danh mục các chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ở các bậc học. Tuy nhiên, Thông tư ra đời đã tạo ra tâm lý hoang mang, lo lắng cho những giáo viên chưa đạt chuẩn. Bởi theo quy định này, sau 5 năm, nếu không hoàn thiện đủ các tiêu chuẩn về Tin học và Ngoại ngữ thì nhiều giáo viên sẽ không còn được đứng trên bục giảng. Để đối phó với quy định này, thời gian qua, một số lớp cấp tốc bồi dưỡng Ngoại ngữ, Tin học đã được mở, thậm chí còn xảy ra tình trạng mua chứng chỉ...

Để đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp, giáo viên phải đáp ứng trình độ Ngoại ngữ, Tin học, tham gia thi xét thăng hạng (Trong ảnh: Cô và trò trường THCS Lê Lợi, TP Vinh trong giờ học)
Để đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp, giáo viên phải đáp ứng trình độ Ngoại ngữ, Tin học, tham gia thi xét thăng hạng (Trong ảnh: Cô và trò trường THCS Lê Lợi, TP Vinh trong giờ học)

Giáo viên hưởng lương theo hạng, bậc

Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh nghề nghiệp, đồng thời hướng dẫn việc bổ nhiệm hạng và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp.

Theo đó, về việc chuyển ngạch giáo viên sang hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại điều 8 của Thông tư. Tất cả giáo viên đang ở các ngạch giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đều được chuyển xếp vào các hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng, giữ nguyên bậc lương, thời điểm tăng lương, phần trăm và phụ cấp thâm niên, vượt khung (nếu có) như hiện tại và sẽ thực hiện các quyền lợi về lương theo hạng viên chức vừa được chuyển xếp.

Những viên chức có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công việc ở vị trí việc làm hạng cao hơn và có đủ yêu cầu về tiêu chuẩn quy định theo Thông tư có thể được tham gia thi xét thăng hạng.

Đối với những giáo viên chưa đạt các tiêu chuẩn trên thì được bảo lưu trong thời hạn 5 năm. Trong vòng 5 năm, cơ quan quản lý tổ chức cho giáo viên theo học các lớp bồi dưỡng để hoàn thiện các chứng chỉ về Ngoại ngữ, Tin học.

Trong thời gian này, nếu giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu chức danh nghề nghiệp của hạng mình được quy đổi thì cơ quan quản lý sẽ điều chuyển công tác hoặc đưa vào diện tinh giản biên chế.

Việc xây dựng Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23 của Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT là một trong các nhiệm vụ triển khai thực hiện Luật Viên chức của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ.

Thông tư nêu trên đã quy định rõ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên từng cấp theo từng hạng để đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên ở các mức độ khác nhau. Trong đó, ngoài quy định về trình độ đào tạo, còn có quy định về trình độ Ngoại ngữ, Tin học và chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên theo từng hạng.

Tính đến tháng 5/2016, TP Vinh có 3.485 giáo viên ở các bậc mầm non đến THPT. Thực hiện Thông tư này, Sở GD&ĐT Nghệ An đang tiến hành bổ nhiệm hạng viên chức tương ứng. Theo khảo sát sơ bộ thì phần lớn giáo viên chưa đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Bát nháo các lớp chứng chỉ cấp tốc

Căn cứ Thông tư này, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các đơn vị quán triệt nội dung Thông tư trong đội ngũ viên chức và chờ chủ trương của UBND tỉnh để thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, nắm bắt tâm lý của một bộ phận viên chức muốn nhanh chóng có chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học để bổ nhiệm và thăng hạng, một số tổ chức, cá nhân đã đến các cơ sở giáo dục để quảng cáo, vận động viên chức tham gia bồi dưỡng cấp tốc về Ngoại ngữ, Tin học.

Đơn cử như sự việc ở 2 huyện Tân Kỳ và Diễn Châu. Theo đó, Phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ đã tự ý thu tiền tuyển sinh ôn thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung tham chiếu châu Âu và khung năng lực Ngoại ngữ Việt Nam. Tại Phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu, UBND huyện cũng giao Phòng Nội vụ hợp đồng mở lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ... Tuy nhiên, Sở GD&ĐT đã kịp thời vào cuộc, chấn chỉnh tình trạng nói trên và yêu cầu phòng GD&ĐT kịp thời tham mưu UBND huyện chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực trong sử dụng chứng chỉ bất hợp pháp, dừng việc mở lớp cấp tốc bồi dưỡng cấp chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học.

Trước đó, từ đầu tháng 1/2016, Sở cũng đã ban hành Công văn 97 về việc chấn chỉnh việc học và cấp chứng chỉ. Công văn nêu rõ, trong quá trình thực hiện, giáo viên không phải nộp các chứng chỉ và chưa cần thiết tham gia ngay các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ; đồng thời yêu cầu, nếu viên chức tham gia bồi dưỡng, thi khảo sát lấy chứng chỉ thì lựa chọn các trường được sự cho phép của Bộ và sự giám sát của Sở.

Theo ông Nguyễn Huy Anh, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT thì nguyên nhân của việc giáo viên đổ xô đi học các lớp bồi dưỡng cấp tốc là do một số đơn vị chưa quán triệt nội dung Thông tư và hướng dẫn của Bộ, buộc phải nộp các chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học trong lúc viên chức chưa được bồi dưỡng dẫn đến một số viên chức đối phó bằng việc mua chứng chỉ, hoặc nộp nhiều tiền tham gia các lớp học. Tinh thần của Sở là muốn giáo viên phải học thực chất để tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ của mình, Sở cũng khuyến khích giáo viên tự học, tự nghiên cứu để có kết quả thực chất.

Để chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực nói trên, ngày 11/7, Giám đốc Sở GD&ĐT ban hành Công văn 1299 yêu cầu các đơn vị thực hiện nhanh gọn, có hiệu quả việc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp, tránh gây phiền hà, tốn kém đối với viên chức, sớm ổn định đội ngũ, chuẩn bị tốt cho năm học mới; đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân trong đơn vị tham gia môi giới mở các lớp bồi dưỡng cấp tốc để hưởng lợi bất chính.

Sở cũng yêu cầu các thủ trưởng đơn vị cần tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích viên chức tự học, tự bồi dưỡng để có trình độ thực chất, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định.

Rõ ràng, việc ban hành tiêu chuẩn để sàng lọc giáo viên là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ở các bậc học. Các chứng chỉ bắt buộc đối với giáo viên không chỉ là hình thức mà phải đi vào thực chất, áp dụng vào giảng dạy. Tuy nhiên, ngành GD&ĐT cần căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, có giải pháp nâng cao hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho phù hợp, tránh xảy ra sự chênh lệch trình độ quá lớn giữa khu vực đồng bằng và miền núi.

Huyền Thương

Các tin khác