Văn hóa - Giáo dục
Khôi phục đình làng Ông tổ đất Vinh: Mong muốn chính đáng
(Congannghean.vn)-Là một trong hai người tương truyền được cho là Ông tổ đất Vinh, có công khai phá, đặt nền tảng cho thành Vinh hôm nay, nhà thờ họ Nguyễn Viết của Thành hoàng làng Nguyễn Viết Nhung đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hậu duệ của dòng họ đang mong muốn khôi phục lại đình làng của cụ tổ và đây là một trong những tâm nguyện chính đáng.
Người khai phá ra đất Vinh
Đất Vinh xưa được gọi là Yên Trường, một địa danh xuất hiện cuối thế kỷ XVI gắn liền với bản cảnh Thành hoàng Đôn Ngưng tôn thần Nguyễn Viết Nhung, mà ngày nay nhân dân TP Vinh vẫn trân trọng tưởng nhớ với cái tên rất cổ kính là “Cụ Khỏe”. Tại nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Yên Trường, nay thuộc khối 6, phường Hồng Sơn, TP Vinh hiện còn lưu 5 bản sắc phong và tấm bia đá ghi công 2 vị Thành hoàng làng là Nguyễn Viết Nhung và Nguyễn Viết Phú.
Địa thế được cho là đình làng xưa, giờ trở thành phế tích giữa lòng phố |
Theo gia phả họ Nguyễn Yên Trường thì Nguyễn Viết Nhung sinh năm Mậu Dần (1578) ở Trang Gia Miêu, huyện Tống Sơn, nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Nguyễn Viết Nhung là cháu đời thứ 23 của khởi tổ Nguyễn Bặc, một công thần, danh tướng đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, rồi lên ngôi Hoàng đế là Đinh Tiên Hoàng (968).
Khi Nguyễn Viết Nhung cất tiếng khóc chào đời thì cuộc chiến Trịnh - Mạc nổ ra đã được 8 năm (1570 - 1578) và đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Cuộc chiến kết thúc, Lê Trịnh thắng khi Nguyễn Viết Nhung đã bước vào tuổi 16. Đến tuổi trưởng thành, mặc dù được theo đòi bút nghiên nhưng cụ không chọn con đường đèn sách mà đến lập nghiệp ở vùng đất mới.
Rời kinh đô Thăng Long, tạm biệt cố hương Gia Miêu, nơi chôn nhau cắt rốn thân yêu, Nguyễn Viết Nhung đi về phương Nam (khoảng từ năm 1593 - 1599). Khi đi đến đất Vinh, với con mắt tinh tường, cụ phát hiện ra nơi đây là miền đất hứa, hình thế rộng rãi, bằng phẳng, khí tượng tươi sáng nên quyết định dừng chân tại đây, tính kế lâu dài, chiêu dân, khai phá đất đai, xây dựng xóm làng.
Với trí tuệ hơn người, ý chí kiên cường và tài tổ chức, Nguyễn Viết Nhung đã khai phá được một vùng đất rộng lớn, xây dựng xóm làng đông vui, lập thành xã Yên Trường, gồm 5 làng: Trung Mỹ, Đông An, Yên Vinh, Yên Thịnh, Nam Khang.
Đến năm Minh Mạng thứ 6 (1826) địa danh Yên Trường lại được đặt cho một đơn vị hành chính cấp tổng là tổng Yên Trường gồm 26 xã, thôn, là một trong 4 tổng của huyện Chân Lộc, tỉnh Nghệ An.
Sau khi khai hoang, lập làng, Nguyễn Viết Nhung mong muốn mảnh đất mình khai phá sẽ trù phú như Yên Trường - thủ đô kháng chiến chống quân Mạc của vua Lê chúa Trịnh ở đất Vạn Lai, Thọ Xuân, Thanh Hóa nên đã lấy tên Yên Trường đặt cho mảnh đất mới của mình. Sau này, con cháu của Nguyễn Viết Nhung chép gia phả đã gọi dòng họ của mình là họ Nguyễn Yên Trường để ghi nhớ công lao của Nguyễn Viết Nhung, người đầu tiên khai phá vùng trung tâm TP Vinh.
Con trai của Nguyễn Viết Nhung là Nguyễn Viết Phú thi đậu Hương công, rồi đậu Tam trường lịch sĩ (tương đương với Phó bảng thời Nguyễn) được bổ làm quan ở Kinh Bắc, về hưu lại tiếp tục sự nghiệp của cha, củng cố, mở mang quê hương mới ngày càng thịnh vượng, đông vui hơn. Cả 2 ông Nguyễn Viết Nhung và Nguyễn Viết Phú đều được phong làm Thành hoàng. Các triều đại thời Lê cũng như Nguyễn đều có sắc phong thần.
Mong muốn khôi phục đình làng
Theo lời kể của các cụ cao niên ở phường Vinh Tân, TP Vinh thì trước đây, tọa lạc tại địa chỉ 219 Ngô Đức Kế, phường Vinh Tân là một đình làng cổ, tương truyền là nơi thờ tự hai Thành hoàng làng đất Vinh, nhưng trong những năm chiến tranh và cải cách ruộng đất, đình đã bị tàn phá. Con cháu của dòng họ Nguyễn Yên Trường đã lập bàn thờ hai cụ ở nhà thờ của dòng họ Nguyễn.
Ông Nguyễn Đức Dần, Tộc trưởng dòng họ Nguyễn Viết, một trong những hậu duệ của dòng họ Nguyễn Yên Trường cho biết thêm: Đến nay, những chứng tích còn sót lại tại mảnh đất được cho là dấu tích đình làng cổ xưa đã khẳng định, trước đây đã từng có một địa danh ghi dấu về cha ông tiên tổ đã được ghi nhận. Vì những lý do chủ quan và khách quan mà địa danh này đã bị mai một theo thời gian.
“Thể theo tâm nguyện của các thế hệ con cháu, chúng tôi nhận thấy sự cần thiết phải khôi phục lại đình làng, qua đó để có căn cứ và cơ sở lập hồ sơ công nhận nơi thờ tự dòng họ Nguyễn Yên Trường là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, để xứng tầm lịch sử”, ông Dần cho biết.
Qua tìm hiểu thực tế và những tư liệu từ các cụ cao niên cho thấy, địa thế mà các hậu duệ dòng họ Nguyễn Yên Trường muốn khôi phục lại đình làng hiện nay là có cơ sở. Địa điểm này cách nhà thờ họ khoảng 500 m, hiện nay đang thuộc quyền quản lý của UBND phường Vinh Tân.
Trước đây, địa điểm này là trụ sở UBND phường, sau khi chuyển vị trí mới, nơi này được sử dụng để làm trường mầm non nhưng nay cũng đã bỏ hoang. Hiện, một phần đất đang được Doanh nghiệp Hùng Cường sử dụng làm cơ sở sản xuất inox, phần còn lại do Hợp tác xã Vinh Tân đóng chân. Khuôn viên nơi này thể hiện rõ nét cổ kính, trang nghiêm bởi có những gốc cây đại thụ bao bọc.
Theo những người cao niên sống xung quanh thì hiện địa danh này vẫn còn lưu lại những dấu tích của Thành hoàng xưa. Tâm nguyện của các cụ là rất muốn được khôi phục Thành hoàng để tưởng nhớ công đức của Ông tổ đất Vinh. Bên cạnh đó, vừa giảm thiểu được tiếng ồn, mùi dầu máy nồng nặc bốc ra từ cơ sở sản xuất, sửa chữa máy móc nằm lọt thỏm giữa khu dân cư.
Trước tâm nguyện của cư dân và con cháu dòng họ Nguyễn Yên Trường ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Chủ tịch UBND phường Vinh Tân cho rằng, mảnh đất mà tương truyền ngày xưa là Thành hoàng làng cụ tổ thành Vinh, hiện đang thuộc quyền sở hữu của UBND phường Vinh Tân. Địa thế này nằm phía sau địa chỉ 219 Ngô Đức Kế, hiện không phát huy được hiệu quả.
Cụ thể, ngoài phần đất Hợp tác xã và cơ sở Hùng Cường đóng chân, ngôi nhà trước đây làm trường mầm non đang đóng cửa vì đã xuống cấp.
Nói về tâm nguyện của các bậc cao niên, ông Mạnh cho rằng, đó là mong muốn chính đáng, tuy nhiên, cấp phường không đủ thẩm quyền để xem xét và quyết định. “Muốn khôi phục đình làng nói riêng và các di tích lịch sử văn hóa nói chung, dòng họ phải có đơn kiến nghị lên UBND tỉnh và ngành văn hóa. Nếu các cấp thẩm quyền cho phép, phường sẽ tạo điều kiện hết sức để khôi phục, vì đó là mong muốn chính đáng”, ông Mạnh cho biết.
Phương Thủy