(Congannghean.vn)-Dãy nhà dựng bằng gỗ ván đóng lại được làm từ lâu với những căn phòng chật chội, ẩm thấp, các tấm ván làm tường chắn đã cong vênh nhiều chỗ. Mái ngói lợp bằng prôximăng bị hư hỏng nặng, trời mưa nước chảy xuống giường, xuống bàn làm ướt cả giáo án. Đó là thực trạng đang diễn ra tại dãy nhà nội trú của giáo viên Trường THCS dân tộc bán trú Tri Lễ, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Phải tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của các giáo viên, nghe họ kể về những khó khăn, vất vả trong hành trình mang con chữ đến với các em học sinh mới thấu hiểu được phần nào sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của những giáo viên vùng cao.
Các thầy, cô của Trường THCS dân tộc bán trú Tri Lễ chia sẻ, người ở nội trú trong Trường cũng đã được 17 năm, còn phần lớn là các thầy cô ở khoảng 3 - 4 năm. Do mỗi người đến từ một nơi khác nhau, đường sá đi lại xa xôi, vất vả nên các thầy cô phải ở nội trú tại Trường để thuận tiện cho việc dạy học.
Dãy nhà nội trú đang xuống cấp từng ngày |
Dạy nhà gỗ có 9 phòng, mỗi phòng rộng khoảng 10 m2, với 2 - 3 thầy, cô ở cùng nhau và tất cả mọi sinh hoạt đều diễn ra trong đó. Do khu nội trú được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Mùa đông gió lùa vào lạnh ngắt, khi mưa xuống, nước chảy thẳng vào nhà, các thầy cô không có chỗ để ngủ cũng như soạn bài vở; mùa hè thì nóng nực, oi bức rất khó chịu. Tuy điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn, vất vả nhưng các thầy cô vẫn cố gắng bám trụ để gieo chữ cho các em học sinh nơi đây.
Thầy Lê Văn Thắng, quê ở huyện Yên Thành chia sẻ: “Vợ chồng tôi ở hai huyện khác nhau nhưng dạy cùng trường. Các thầy cô ở xa được ở nội trú tại Trường nên rất thuận tiện cho việc dạy học. Tuy nhiên, mọi sinh hoạt đều diễn ra trong căn phòng nhỏ nên cuộc sống của 2 vợ chồng và 2 đứa con như gia đình chúng tôi rất bất tiện”.
Thầy Hoàng Ngọc Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS dân tộc bán trú Tri Lễ cho biết: “Trường có 3 dãy nhà nội trú cho thầy cô ở. 2 dãy được xây dựng theo chương trình phòng công vụ cho giáo viên, còn 1 dãy 9 phòng được dựng bằng gỗ ván tạm bợ, lợp prôximăng. Dãy nhà này được xây dựng từ năm 1998, hiện đã xuống cấp nhưng nhà trường không có kinh phí để sửa chữa”.
Bằng tình yêu nghề, yêu trò, các thầy cô vẫn từng ngày khắc phục khó khăn, gian khổ để gieo chữ cho học sinh nghèo vùng cao, chắp cánh cho ước mơ của các em được bay cao, bay xa. Tâm nguyện của các giáo viên cũng như người dân nơi đây là Trường sẽ được hỗ trợ nguồn kinh phí để sửa chữa dãy nhà nội trú, giúp các thầy cô có chỗ ở đảm bảo để họ cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người nơi miền biên viễn.