(Congannghean.vn)-Mặc dù không có đủ các điều kiện để được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động nhưng hiện nay, trên địa bàn TP Vinh có hàng chục điểm trông giữ trẻ ngoài công lập vẫn lén lút hoạt động. Nhiều bậc phụ huynh vô tư gửi con ở đây mà không hề biết rằng, tại các cơ sở này, cơ sở vật chất không đảm bảo, giáo viên chưa có nghiệp vụ, bằng cấp sư phạm mầm non.
25 điểm trông giữ trẻ, nhóm trẻ ngoài công lập hoạt động “chui”
Hiện trên địa bàn TP Vinh có 27 trường mầm non ngoài công lập và hơn 60 nhóm trẻ độc lập. Mới đây, qua kiểm tra thực trạng giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn, Thanh tra Sở GD&ĐT phát hiện 25 điểm trông giữ trẻ, nhóm trẻ ngoài công lập (gọi tắt là nhóm trẻ) hoạt động “chui”, không có giấy phép hoạt động, phòng học không đảm bảo sự rộng rãi, thoáng mát và an toàn cho trẻ. Ngoài ra, giáo viên tại nhiều nhóm trẻ hiện nay cũng không có bằng cấp, nghiệp vụ sư phạm.
Nhiều điểm trông giữ trẻ tự phát không phép trên địa bàn TP Vinh |
Theo số liệu thống kê cho thấy, các địa bàn tập trung số lượng các nhóm trẻ đông nhất hiện nay là phường Hưng Dũng (9 nhóm trẻ với khoảng gần 100 cháu); trong đó tại 5 nhóm trẻ trong số này, tất cả giáo viên đều chưa có bằng cấp, nghiệp vụ mầm non. Phường Cửa Nam cũng có đến 5 nhóm trẻ, phường Đội Cung có 4 nhóm và phường Hưng Bình có 2 nhóm… hiện đang hoạt động “chui”. Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã tìm đến một số điểm trông giữ trẻ trên địa bàn TP Vinh để “mục sở thị”. Tại phường Hưng Dũng, chúng tôi có mặt tại điểm giữ trẻ Thu Toàn ở khối Tân Lâm.
Tại đây, nhà riêng được sử dụng vào mục đích kiêm trông trẻ. Bà Thu - chủ cơ sở này cho biết, bà đã nhận giữ trẻ từ nhiều năm nay, mỗi đợt từ 3 - 5 cháu từ 1 tuổi trở lên. Mặc dù không có nghiệp vụ mầm non, song vì các mối quan hệ quen biết nên bà được nhiều người nhờ trông giữ trẻ với tiền công 1,2 triệu đồng/tháng. Cũng tại phường Hưng Dũng, bà Nguyễn Thị Lam ở khối Văn Tiến cũng tận dụng nhà riêng của mình để làm cơ sở trông giữ trẻ. Với căn phòng chỉ khoảng 20 m2, bà Lam nhận giữ 10 cháu từ 15 - 36 tháng tuổi. Được biết, cơ sở này đã hoạt động 13 năm nay dù không được các cơ quan chức năng cấp phép, nhưng do bà Lam đã có bằng sơ cấp về nghiệp vụ sư phạm nên nhiều phụ huynh vẫn yên tâm gửi con.
Trong khi đó, điểm trông giữ trẻ của bà Nguyễn Thị Lài ở khối 6A, phường Cửa Nam dù chưa được cấp phép và bản thân bà Lài không có nghiệp vụ sư phạm nhưng cũng đã hoạt động 20 năm nay. Tại đây, bà Lài đang nhận trông giữ 8 cháu từ 12 - 26 tháng tuổi. Tại cơ sở này, phòng chơi (rộng khoảng 30 m2) và phòng ăn, phòng nghỉ trưa cho các cháu (mỗi phòng rộng khoảng 10 m2) có sự tách biệt. Bà Lài cho biết, dù không được cấp phép song cơ sở của bà luôn giữ được chữ tín với phụ huynh, việc ăn uống của các cháu luôn được bà công khai và thay đổi chế độ ăn thường xuyên nên phụ huynh rất yên tâm.
Vào thời điểm chúng tôi có mặt tại đây, chị Trần Thị Phương Th., một phụ huynh tới đón con cho biết, dù biết rằng gửi trẻ tại các điểm tư nhân này không đảm bảo các điều kiện vui chơi, phát triển của con nhưng vì hiện nay, các trường mầm non trên địa bàn đã đủ chỉ tiêu trong khi hai vợ chồng là công nhân, đi làm từ sáng đến tối nên không còn cách nào khác. Ngoài ra, sau khi tìm hiểu, chị biết bà Lài đã nhận trông giữ trẻ một thời gian dài, nhưng chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào nên cũng phần nào yên tâm.
Siết chặt quản lý
Tại các cơ sở mầm non không phép trên địa bàn TP Vinh hiện nay, hầu hết cơ sở vật chất rất nghèo nàn. Nhiều điểm trông trẻ không có nhà vệ sinh riêng, phần lớn phải sử dụng chung với gia chủ. Tại các phòng vui chơi tập thể, các nhóm trẻ đều bố trí 1 tivi, đầu đĩa và vài ba bức tranh treo tường, một số bộ đồ chơi xếp hình cũ kỹ. Nhiều nơi còn được đánh giá là không sạch sẽ, thiếu ngăn nắp, như điểm giữ trẻ của bà Bốn ở khối 19, phường Hưng Bình.
Ngoài ra, những người nhận giữ trẻ, phụ trông trẻ tại 25 nhóm trẻ ngoài công lập không phép này cũng không có bằng cấp, nghiệp vụ sư phạm mầm non. Chính bởi vậy, hoạt động dạy học tại các nhóm trẻ này không được thực hiện theo chương trình giáo dục mầm non; không có đồ dùng, đồ chơi và tài liệu giảng dạy tối thiểu theo quy định. Cá biệt, tại một số điểm nhận trông giữ trẻ đủ 5 tuổi nhưng cũng không có các chương trình vui chơi và làm quen với hoạt động giáo dục trước khi bước vào lớp 1.
Ông Nguyễn Phúc Trang, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng cho biết, hàng năm, phường đều giao cho Trường Mầm non Hưng Dũng kiểm tra, đôn đốc các cơ sở mầm non ngoài công lập không phép, song rất khó đình chỉ bởi các nhóm trẻ này đã hoạt động lâu năm, có uy tín với phụ huynh. Một số nhóm trẻ khi phường tiến hành kiểm tra thì “lấp liếm” rằng, các cháu là con cái của hàng xóm mang đến gửi, nên rất khó xử lý. Trong khi đó, bà Lê Thị Phương, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh cho biết, theo quy định thì Phòng GD&ĐT thành phố có nhiệm vụ tiếp nhận và tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị cho phép hoạt động giáo dục song cơ quan đồng ý cấp phép hay đình chỉ, rút giấy phép lại thuộc quyền quản lý của các phường, xã. Trong khi hiện nay, nhiều đơn vị phường, xã còn buông lỏng quản lý hoặc do cả nể nên việc kiểm tra, đôn đốc còn chưa sát sao.
Cũng theo bà Phương, để chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở mầm non ngoài công lập, trong thời gian tới, Phòng GD&ĐT TP Vinh sẽ chỉ đạo các trường công lập hỗ trợ thêm cho các nhóm trẻ tư thục trong vấn đề chăm sóc, nuôi dạy trẻ cũng như tập huấn về nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ những người nhận hoặc được thuê trông giữ trẻ. Về trách nhiệm quản lý của phường, xã hiện nay, UBND TP Vinh đã có công văn chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở “chui” này. Trong đó, chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng trông giữ trẻ đảm bảo đạt chuẩn, chất lượng bữa ăn hàng ngày phải đảm bảo vệ sinh và đủ dinh dưỡng. Ngoài ra, công tác thu chi, cải thiện cơ sở vật chất cũng cần được quan tâm để trẻ có điều kiện phát triển thể chất và trí não một cách toàn diện.