(Congannghean.vn)-Sau hơn 2 năm thực hiện việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhà trường theo tinh thần Đề án 1928 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong đội ngũ giáo viên làm công tác giảng dạy cũng như người học. Nhiều mô hình hay đã được triển khai trong các trường học.
Hiệu quả từ việc đưa pháp luật vào trường học
Thực hiện Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” (Đề án 1928), để đưa pháp luật vào trường học, ngày 20/9/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 4221 và kế hoạch thực hiện Đề án 1928 trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2016.
Mục tiêu của Đề án 1928 là phấn đấu đến hết năm 2016, trên 90% trường học trên địa bàn có giáo viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành chính trị phụ trách môn Giáo dục công dân; 100% các trường học trên địa bàn tỉnh có tủ sách pháp luật được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, thông qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đào tạo và người học, phấn đấu giảm tối đa tỉ lệ vi phạm pháp luật trong nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và người học.
Phổ biến pháp luật cho học sinh vùng biên giới ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An |
Trong hơn 2 năm triển khai, đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân, nhất là các văn bản pháp luật mới để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục; tổ chức các hoạt động dưới hình thức sân khấu hóa cho học sinh như tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, Hiến pháp 2015, cuộc thi Gương sáng pháp luật; tổ chức cấp phát sách thường xuyên cho 11 huyện miền núi, đồng thời thành lập các CLB pháp luật và duy trì hoạt động thường kỳ trong các trường học.
Song song với việc thực hiện Đề án 1928 là tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong các trường học… Đề án này đã góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ học sinh, cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, góp phần làm giảm tình trạng vi phạm pháp luật.
Đội ngũ giáo viên môn Giáo dục công dân trong các trường học đang từng bước được chuẩn hóa và thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ chính trị. Đặc biệt, trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi tỉnh cấp THPT - Trung tâm GDTX, đã có 16 giáo viên dạy Giáo dục công dân được công nhận giáo viên giỏi tỉnh.
Ngày 23/11, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng dẫn đầu đã có buổi làm việc, kiểm tra việc triển khai Đề án 1928 về nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường giai đoạn 2013 - 2016 tại Nghệ An. Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo, đoàn công tác đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong thực hiện Đề án 1928 những năm qua. Đồng thời ghi nhận sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như vai trò tích cực của Sở GD&ĐT trong công tác tham mưu triển khai Đề án. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị Nghệ An tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, nhân rộng các hình thức, mô hình tốt tại các đơn vị, cơ sở, tháo gỡ các khó khăn; đẩy mạnh xã hội hóa; tích cực tăng cường kiểm tra, đôn đốc kịp thời các đơn vị thực hiện Đề án 1928. |
Đến nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh có tủ sách pháp luật và đưa vào sử dụng. Trong đó có 274 trường mầm non, 449 trường tiểu học, 159 trường THCS và 27 trường THPT có tủ sách pháp luật đạt chuẩn. Trong 2 năm 2014 và 2015, Sở GD&ĐT Nghệ An đã cấp phát gần 34.000 cuốn sách pháp luật cho các trường học.
Nhiều cuộc thi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng được phát động trong trường học như: Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Gương sáng Thanh niên chấp hành pháp luật, Tìm hiểu chủ quyền biển đảo Việt Nam… Việc đưa pháp luật vào trường học và nhiều cơ sở giáo dục được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và đã mang lại hiệu quả tích cực.
Nhiều mô hình sáng tạo
Đơn cử, tại Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), theo ông Phan Xuân Phàn, Hiệu trưởng nhà trường, trong hơn 2 năm qua, Trường đã triển khai thực hiện Đề án 1928 bằng những hành động cụ thể như thành lập các ban Giáo dục pháp luật, ban An ninh, ban Nề nếp. Hàng tháng, Ban giám hiệu tổ chức phổ biến pháp luật và các văn bản cấp trên cho giáo viên và học sinh, đồng thời thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong học sinh và có các giải pháp xử lý kịp thời.
Ngoài ra, Trường còn phối hợp với chính quyền, Công an các phường Trường Thi, Bến Thủy, Hưng Dũng trong việc tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Giao thông đường bộ và phòng, chống cháy nổ trong dịp Tết.
Tương tự, tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó hiệu trưởng nhà trường, trong quá trình thực hiện, Trường đã cụ thể hóa Đề án 1928 bằng các hình thức giáo dục pháp luật phong phú, đa dạng, kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng các tấm gương điển hình về thực hiện pháp luật trong nhà trường. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần tạo sự ổn định trong môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Việc thực hiện Đề án 1928 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, hệ thống mạng lưới trường học rộng khắp, nhiều trường ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa là điểm “nóng” về ma túy và các tệ nạn xã hội khác. Đội ngũ giáo viên dạy bộ môn giáo dục pháp luật còn kiêm nhiệm, nội dung bài giảng có nhiều hạn chế.
Để việc đưa pháp luật vào trường học phát huy hiệu quả hơn nữa, từ năm học này, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy Giáo dục công dân, báo cáo viên pháp luật về các nội dung như Luật An ninh quốc phòng, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Hộ tịch… để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong trường học.