Văn hóa - Giáo dục
Tăng đột biến nhu cầu học tập của học sinh đầu cấp
(Congannghean.vn)-Năm nào cũng vậy, vào mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, bên cạnh việc chuẩn bị hành trang cho con em mình đến trường thì nỗi lo của các bậc phụ huynh lại xoay quanh việc tìm trường, tìm lớp tốt nhất cho con. Năm học 2015 - 2016 đã đến gần, việc tuyển sinh đầu cấp tại Nghệ An cũng bắt đầu “nóng” dần. Năm học này, số lượng học sinh các lớp đầu cấp tăng so với năm học trước, nhất là ở bậc mầm non, tiểu học.
Tăng đột biến các lớp đầu cấp
Ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: So với năm học trước, năm học 2015 - 2016, trên địa bàn tỉnh, số học sinh lớp 1 sẽ tăng thêm 3.000 em, nhà trẻ tăng hơn 4.000 em, mẫu giáo tăng khoảng 6.000 em. Như vậy, so với mọi năm thì năm học 2015 - 2016, số lượng học sinh đầu cấp mầm non và tiểu học tăng đột biến, kéo theo đó, lượng học sinh trái tuyến cũng tăng theo.
Lượng trẻ vào lớp 1 năm học 2015 - 2016 tăng gần 3.000 em đã ảnh hưởng đến việc tìm trường, tìm lớp cho con em của các bậc phụ huynh |
Sở dĩ có sự tăng đột biến trên là do tăng dân số cơ học. Ở một số khu vực dân cư, tỉ lệ sinh con thứ 3 cao, nhiều cặp vợ chồng còn chọn năm “đẹp” để sinh con. Ngoài ra, nhu cầu học tập của con em họ là rất lớn. Tại TP Vinh, tỉ lệ huy động trẻ lên đến 83%, sắp tới có thể tăng lên 92%.
Trước tình hình tăng đột biến số lượng học sinh đầu cấp, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã có những giải pháp giảm tải như: Duyệt kế hoạch phát triển cụ thể của các huyện, thành phố, thị xã trên cơ sở nắm vững số liệu ở các cấp học, bậc học để nâng cao xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, chỉ đạo các phòng giáo dục huyện, thành phố, thị xã tham mưu mở rộng quy mô trường lớp, tăng thêm số lớp ở những nơi cần thiết; khuyến khích những nơi thuận lợi như TP Vinh mở các lớp tư thục, lớp mầm non, lớp trẻ gia đình... Tại một số huyện, thành phố, thị xã, cần chỉ đạo chất lượng đồng đều giữa các trường bằng cách quan tâm tới cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giỏi, đội ngũ quản lý... Bên cạnh đó, sĩ số lớp từng bước quy về theo đúng quy định của nhà trường. Cụ thể, ở cấp tiểu học không quá 35 học sinh/lớp, THCS không quá 45 học sinh/lớp, nhà trẻ không quá 10 cháu/lớp, mầm non không quá 20 cháu/lớp...
Giải quyết trái tuyến trong tuyển sinh
Một thực tế là số lượng học sinh các lớp đầu cấp tăng đột biến đã kéo theo lượng học sinh trái tuyến cũng tăng theo. Đây là tình trạng chung của nhiều năm học, gây ra những hệ lụy tiêu cực đối với cả nhà trường lẫn phụ huynh. Để có được một “suất” trái tuyến vào trường tốp đầu, không ít phụ huynh đã phải bỏ thời gian để “chạy đua”. Hệ lụy từ trái tuyến đã và đang dẫn tới tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Có trường năm nào học sinh cũng quá tải, trong khi đó có trường lại không đủ học sinh.
Từ đó, giữa trường làng, trường điểm, giữa trường ngoại thành, nội thành ngày càng có sự chênh lệch về chất lượng đào tạo... Không những thế, việc chờ đợi trái tuyến đã gây sức ép không nhỏ đến các trường học. Mặc dù có đội ngũ quản lý, cán bộ, giáo viên tốt, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu cho việc dạy và học, nhưng một số trường học vẫn không được các bậc phụ huynh quan tâm, để ý. Đó là chưa kể đến, do nhu cầu quá lớn của các bậc phụ huynh, đặt nặng vấn đề học tập của con em mình đã vô hình trung ảnh hưởng, tác động đến tâm lý của trẻ...
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Thái Huy Vinh cũng cho biết: Đối với việc học trái tuyến, năm học 2015 - 2016, Sở giao cho các phường, xã, thị trấn tiến hành điều tra, khảo sát trẻ trong độ tuổi phổ cập tại địa phương, thực hiện tuyển đủ chỉ tiêu, có kế hoạch xây dựng trường lớp để đảm bảo nhu cầu học tập. Với các trường hợp đặc biệt, cần giải quyết, tạo điều kiện cho học sinh đến trường. Ngoài ra, cần đảm bảo thi tuyển trong độ tuổi phổ cập, điều hòa chất lượng giáo viên.
Nếu có điều kiện, nên mở rộng dần diện học trái tuyến, ngoài diện có hộ khẩu thường trú, thì mở rộng diện cư trú tạm thời, hoặc có cha mẹ công tác tại địa bàn cư trú... Song song với đó, cần phân dạy giáo viên các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6) một cách ngẫu nhiên, kết hợp tuyên truyền để phụ huynh nhận thức đầy đủ về việc tạo môi trường học tập thuận lợi cho con em mình.
Phan Tuyết