Văn hóa - Giáo dục
40 năm. Ngày ấy, bây giờ...
(Congannghean.vn)-Nắng nóng đã bớt gay gắt, những cơn mưa lất phất cuối hạ, đầu thu báo hiệu một mùa hè sắp kết thúc. Dù đã qua mùa phượng nở, thưa thớt tiếng ve ran nhưng những ngày nghỉ hè ngắn ngủi còn lại vẫn có một cái gì đó làm xao xuyến những học sinh cấp 3 Quỳnh Lưu 2 ngày ấy. Và trước ngày bước vào năm học mới, chúng tôi, những học sinh đã rời mái trường vừa tròn 40 năm, tóc đã điểm sương, nhiều người đã thành ông, thành bà… đã quyết định gặp nhau sau 40 năm xa cách.
Nói như vậy không phải vì lâu nay, chúng tôi không gặp nhau. Mà thực ra đã có những lần gặp nhau theo vùng miền, theo từng tổ, nhóm đơn lẻ trong những sự kiện lịch sử, chính trị nào đó. Nhưng hôm nay, chúng tôi mới gặp nhau đầy đủ, quy mô, hoành tráng nhất. Chưa phải là cuộc gặp mặt cuối cùng nhưng chắc chắn đây là cuộc gặp mặt “lịch sử” của những cựu học sinh phổ thông ở vào tuổi xấp xỉ lục tuần.
Một góc Trường THPT Quỳnh Lưu 2 ngày nay |
Cuộc gặp mặt đồng môn này càng ý nghĩa hơn khi sau cuộc gặp này 3 tháng, mái trường thân yêu mà chúng tôi đã từng học sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Tại cuộc gặp mặt, ngoài hội khoá, giao lưu còn có hoạt động tri ân thầy, cô giáo cũ, tặng quà nhà trường, thăm hỏi, giúp đỡ những bạn đồng môn có hoàn cảnh khó khăn…
40 năm - hơn nửa đời người. 40 năm trong một quãng đời lập thân, lập nghiệp, phấn đấu công tác và cống hiến. Hôm nay, sau 40 năm, những người bạn tập trung về mái trường xưa để cùng nhau nhìn nhận và đánh giá lại một chặng đường quan trọng vừa qua.
Lứa tuổi chúng tôi, những cựu học sinh cấp 3 khoá 1972 - 1975 sinh ra trong thời kỳ đất nước đầy biến động. Vào cấp 3, chúng tôi phải học trong lớp học sơ tán ở xóm Quỳnh Viên, xã Quỳnh Thạch với hầm hào chữ A, hàng ngày phải “mang mũ rơm đi học đường dài”. Lên lớp 9, chiến tranh đỡ khốc liệt hơn một chút, chúng tôi được tập trung về dãy lán làm bằng tranh tre, nứa mét ở khu vực Cồn Diệc (xã Quỳnh Văn), nơi có di chỉ người nguyên thuỷ nổi tiếng để ẩn mình dưới rặng phi lao mà “dùi mài kinh sử”.
Thế rồi, lại một biến động nữa đến với chúng tôi, khi đầu năm 1975, mới bước sang học kỳ 2 của lớp cuối cấp 3, theo lời kêu gọi của Đảng và lệnh tổng động viên của Nhà nước, nhiều bạn đã tình nguyện “xếp bút nghiên” lên đường đánh giặc. Nhiều lớp học vơi hẳn đi. Cả khóa học từ chỗ có 7 lớp 10 phải dồn lại chỉ còn 5 lớp… Và rồi, ngày 30/4/1975 lịch sử, khi chúng tôi vừa học những bài cuối cùng của cấp phổ thông thì miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất… Niềm vui vỡ oà, hầm hào được lấp lại và chúng tôi chỉ còn tập trung vào học và học…
Rời mái trường phổ thông, gần 300 con người chúng tôi như chim sổ lồng, tung cánh bay vào các giảng đường đại học, cao đẳng… bắt đầu cuộc sống lập thân, lập nghiệp, lao động chiến đấu, cống hiến và trưởng thành…
Mô hình lớp học sơ tán ở xóm Quỳnh Viên, xã Quỳnh Thạch |
40 năm - ngày ấy, bây giờ… Điểm lại chúng tôi cũng tự thấy mình đã trưởng thành. Dù là trí thức, công chức, nhà chính trị, sĩ quan, hay công nhân, nông dân…, chúng tôi đều tự hào đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của quê hương, đất nước. Ngay trên mái trường cấp 3 Quỳnh Lưu 2 yêu dấu (nay là Trường THPT Quỳnh Lưu 2) đã có các bạn của chúng tôi tiếp tục ở lại giảng dạy và dựng xây nhà trường: Thầy Thục, thầy Nhuận, thầy Hiền… Ở ngay vùng quê Quỳnh Lưu và Hoàng Mai cũng có nhiều bạn là doanh nhân thành đạt như bạn Mạch Duy Hoằng, Trương Công Lai… Nhiều bạn là hiệu trưởng cấp 2 như Vũ Thị Cử, Nguyễn Văn Bảy… Nhiều người là lãnh đạo xã nhiều năm như bạn Nguyễn Văn Thống… Vào TP Vinh, trung tâm của tỉnh Nghệ An, chúng tôi tự hào có bạn Hồ Ngọc Sỹ, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cố vấn của Ban liên lạc Cựu học sinh cấp 3 Quỳnh Lưu 2 khóa 1972 - 1975; có bạn Hoàng Văn Hảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, Trưởng ban liên lạc. Có nhiều bạn là sĩ quan cao cấp ngành Công an, Quân đội như Hồ Quyết, Bá Minh, Xuân Lai…; có bạn là trưởng phòng của trường đại học như Nguyễn Thị Hiền… Ở các trung tâm lớn của đất nước, chúng tôi rất tự hào có nhiều bạn là doanh nhân thành đạt như ở TP Hồ Chí Minh có các bạn: Võ Đăng Lạng, Phan Đình Tâm, Nguyễn Quý Dũng… Ở Hải Phòng có bạn Bá Hiền, Hoàng Đa; ở Hà Nội có bạn Nguyễn Thị Phấn, hiệu trưởng trường cấp 3; có bạn Tâm, sĩ quan Công an… Rồi rải rác trên các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Nha Trang, Lâm Đồng, Ninh Bình… đâu đâu cũng có bạn bè của chúng tôi dựng xây và cống hiến.
Trong cuộc gặp gỡ tri ân, giao lưu nhân 40 năm ngày tốt nghiệp ra trường này, chúng tôi cũng vô cùng kính trọng và biết ơn các thầy cô đã một thời dạy dỗ chúng tôi nên người: Cô Nguyễn Thị Hoài Thanh, Hiệu trưởng; cô Phan Thị Quỳnh Trang, Bí thư Đoàn trường; các thầy, cô giáo khác như thầy Thứ, thầy Sơn, cô Mười, cô Châu, thầy Tài, thầy Kim… cùng nhiều thầy, cô giáo khác đã chuyển đi xa không có điều kiện về gặp mặt. Chúng tôi cũng kính cẩn nghiêng mình thắp nén tâm nhang để tưởng nhớ đến thầy Cao, thầy Dương, thầy Tùng, cô Liễu… cùng các bạn đồng môn đã hy sinh, từ trần. Nguyện cầu cho các thầy giáo, cô giáo, các bạn đã mất được siêu thoát, thanh thản nơi cõi vĩnh hằng.
Mô hình 2 dãy lán học tranh tre, nứa mét ở Cồn Diệc, xã Quỳnh Văn |
40 năm một chặng đường dài, 40 năm với bao kỷ niệm buồn vui để rồi hôm nay, buổi gặp này, chúng ta cùng ôn cố tri tân, chiêm nghiệm lại những ngày xanh với tuổi mười tám, đôi mươi, với những lần “tay trong tay”, “đầu chụm bên đầu” để cùng trao đổi bài, cùng tham gia những buổi sinh hoạt câu lạc bộ Toán, Văn, Lý, Sử… bổ ích và lý thú…
Thời gian cứ trôi đi, thoắt cái, chúng tôi đã mắt mờ, chân chậm, tóc điểm sương và đã thành ông, thành bà. Nhưng ký ức về tuổi học trò một thời khói lửa, đạn bom nhưng cũng đầy thi vị thì không ai có thể quên được. Vậy thì các bạn ơi, hãy cùng nắm tay nhau và ca lên những câu ca một thuở:
“Trường còn kia, ôi mái đỏ tường rêu
Nơi kỷ niệm êm ái…
Và thuở ấy biết bao nhiêu buồn vui gói gọn trong tuổi đời…
Và đôi lúc nhớ nhau, lưu bút còn để lại chuyện buồn vui…”
Bá Minh