(Congannghean.vn)-Xuất phát từ nhu cầu của bạn đọc, những năm gần đây, tại nhiều địa phương, ở các vùng thôn quê trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng. Số lượng đóng góp tuy không nhiều, chủ yếu là tủ sách, thư viện của dòng họ hay một số cá nhân nhưng đã mang lại ý nghĩa tích cực, hiệu quả thiết thực cho cộng đồng và rất cần được nhân rộng.
Thư viện tư nhân đáp ứng nhu cầu của bạn đọc |
Theo số liệu khảo sát, cả nước có khoảng 40 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng hoạt động với quy mô khác nhau. Ông Dương Duy Tiến, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 9 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, trong đó có 7 thư viện có giấy phép hoạt động, chủ yếu tồn tại theo kiểu thư viện của các dòng họ. Khi đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao thì việc đứng ra thành lập các thư viện thu nhỏ của các cá nhân, dòng họ là một điều đáng quý. Tuy số lượng sách chưa nhiều, đa dạng, phong phú nhưng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu đọc sách của người dân, nhất là các cháu thiếu niên, nhi đồng ở những nơi còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Mô hình này cũng được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện như sẵn sàng hỗ trợ đất, mặt bằng để xây dựng...
Thư viện dòng họ Hoàng Kiêm ra đời dựa trên di chúc của cụ Hoàng Kiêm, sinh năm Canh Ngọ 1870, niên hiệu Tự Đức thứ 23, quê ở làng Ngọc Lâm, huyện Đông Thành, nay là huyện Diễn Châu. Cụ Hoàng Kiêm đỗ tiến sĩ đầu bảng, là một vị quan nổi tiếng thanh liêm, chính trực. Ngày mất, cụ để lại di chúc, trong có viết: “Sẽ làm nhà thờ tại nơi ở. Trước làm phòng đọc sách, sau đó là nhà thờ.
Ta rất vui với ý nguyện đó”. Theo tâm nguyện của cụ, con cháu sau này đã đứng ra thành lập một thư viện nhỏ, sách báo chủ yếu là do con cháu trong dòng họ gửi về. Thư viện dòng họ Hoàng Kiêm mở vào ngày thứ 7, chủ nhật đã thu hút một lượng lớn các cháu học sinh đến đọc sách. Nhận thấy ý nghĩa thiết thực và nhằm tạo điều kiện để mô hình được duy trì và hoạt động có chiều sâu, Thư viện huyện Diễn Châu đã kết hợp với Thư viện tỉnh Nghệ An hỗ trợ thêm nhiều đầu sách, đáp ứng nhu cầu đọc của các cháu trong dòng họ nói riêng và con em nơi vùng quê này nói chung. Đến nay, thư viện họ Hoàng đã cấp tặng hơn 200 thẻ bạn đọc miễn phí cho độc giả, nhất là ở lứa tuổi thiếu niên...
Có một Đại tá quân đội từ lâu đã mong muốn mở một thư viện sách tại quê nhà. Về hưu, mang theo niềm ấp ủ ấy, năm 2003, ông đã đứng ra thành lập Thư viện cây Tùng, nơi ông đã sinh ra. Đó là Đại tá Nguyễn Huy Thục, một người con của xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên. Thư viện cây Tùng được quản lý và điều hành bởi một số người cao tuổi ở địa phương. Năm 2005, xã đã cho ông Thục mượn đất trong khuôn viên nhà văn hóa xóm 7 để xây dựng thư viện. Mới đầu, chỉ có vài trăm cuốn sách, nhưng đến nay đã lên tới 5.000 cuốn, phục vụ nhu cầu của bạn đọc tại các xóm trong xã. Bên cạnh đó, tại Thư viện cây Tùng còn tổ chức rất nhiều hoạt động bổ trợ, như thành lập giải khuyến học “Bông Sen Vàng”, thi viết báo tường vào dịp đầu Xuân, nói chuyện chuyên đề... Người dân trong xã cũng như con em đi xa đã đóng góp một lượng lớn sách, báo với nhiều thể loại phong phú, đa dạng cho Thư viện.
Có thể nói, khi mà hiện nay các bưu điện văn hóa hoạt động chưa thật sự phát huy hết hiệu quả, vì số lượng sách còn ít, người phụ trách lại kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ… thì mới thấy, các thư viện tư nhân như là một điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của thư viện tỉnh nhà. Đây là một mô hình cần được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, để thư viện tư nhân duy trì và phát huy hiệu quả, cần khuyến khích, động viên các cá nhân đứng ra thành lập, đóng góp sách báo… để góp phần nâng cao chất lượng văn hóa đọc. Song song với đó, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền như hỗ trợ, bồi dưỡng miễn phí kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thư viện cho những người tham gia hoạt động thư viện tư nhân, phối hợp với thư viện Nhà nước tổ chức các hoạt động quyên góp, luân chuyển sách báo nhằm đa dạng hóa các đầu sách, đồng thời tạo cơ chế hoạt động cho thư viện tư nhân thông qua các nguồn xã hội hóa...