Văn hóa - Giáo dục

Muôn kiểu khen thưởng cuối năm cho học sinh tiểu học

09:23, 09/06/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Năm học 2014 - 2015 là năm đầu tiên các trường tiểu học trên toàn quốc áp dụng Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT. Kết thúc năm học này, điều nhận thấy rõ nhất là xuất hiện rất nhiều danh hiệu khen thưởng dành cho học sinh. Không thể phủ nhận rằng, điều đó đã góp phần khích lệ, động viên các em cố gắng học tập. Tuy nhiên, cách khen thưởng tại các trường lại không đồng đều, khiến nhiều phụ huynh và cả giáo viên tỏ ra băn khoăn về việc xét các danh hiệu ở các nhà trường hiện nay. 

Một tiết học ở Trường Tiểu học Lê Mao, TP Vinh
Một tiết học ở Trường Tiểu học Lê Mao, TP Vinh
 
Năm học 2014 - 2015, hình thức chấm điểm cho học sinh như những năm học trước đây sẽ được thay bằng những lời nhận xét của giáo viên. Việc đánh giá, xếp loại học sinh sẽ được thực hiện theo các tiêu chí: Hoàn thành, chưa hoàn thành, đạt và chưa đạt. Thực tế, từ trước đến nay, nhiều phụ huynh đã quen với việc đánh giá học sinh qua điểm số và các thành tích đạt được. Năm học 2014 - 2015 kết thúc, hầu hết các phụ huynh có con em đang học ở bậc tiểu học đều rất băn khoăn với kết quả đánh giá học lực của con em mình, bởi ở lớp học nào, phần lớn các em cũng đều được khen thưởng, với các danh hiệu: “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”, “Học sinh tiêu biểu”, “Học sinh xuất sắc tiêu biểu”, “Học sinh vượt khó vươn lên”...
 
“Trước đây, tôi dễ dàng nắm bắt được học lực của cháu thông qua điểm số. Nay, chỉ thông qua nhận xét trong học bạ là “Hoàn thành” hay “Chưa hoàn thành”, “Đạt” hay “Chưa đạt” thì không thể đánh giá sự tiến bộ của cháu, vì vậy muốn hiểu rõ thì tôi phải trao đổi với cô giáo”, một bậc phụ huynh cho biết. 
 
Thực tế, việc đánh giá học sinh vào cuối năm học ở các trường không giống nhau. Tùy vào đặc thù của mỗi trường và năng lực của các em để từ đó sẽ đưa ra cách đánh giá, xếp loại khác nhau. Quy định mà Bộ ban hành là nhằm mục đích không phân loại học sinh tiểu học.
 
Theo quy định của Sở GD&ĐT Nghệ An tại Công văn số 573/SGD&ĐT-GDTH, có 5 nhóm khen thưởng gồm: Học sinh có quá trình hình thành và phát triển tốt về phẩm chất, năng lực và kết quả học tập các môn học, có điểm kiểm tra định kỳ các môn học đều đạt từ 9,0 trở lên được xếp danh hiệu “Học sinh tiêu biểu năm học 2014 - 2015”; học sinh có thành tích cao ở một mặt nào đó trong 3 nội dung giáo dục được xếp danh hiệu “Học sinh có thành tích về… năm học 2014 - 2015”; học sinh có quá trình và kết quả học tập vượt trội ở một hay một số môn học được xếp danh hiệu “Học sinh có thành tích về môn học hay hoạt động giáo dục…, năm học 2014 - 2015”;  học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã có nhiều cố gắng vượt khó học tập được xếp loại “Học sinh tiêu biểu về tinh thần vượt khó học tập, năm học 2014 - 2015”. 
 
Được biết, việc khen thưởng cuối năm là do nhà trường tự chủ nhưng phải dựa trên cơ sở Thông tư 30 để đánh giá. Đây là năm học đầu tiên thực hiện việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 nên cách thức đánh giá vẫn còn nhiều lạ lẫm, bỡ ngỡ, khiến nhiều bậc phụ huynh chưa thật sự nắm rõ năng lực của con em mình. Bên cạnh đó, nhiều trường học vẫn chưa thực sự bám sát theo hướng dẫn của Thông tư để thực hiện nên đã dẫn đến tình trạng “loạn” khen thưởng.
 
Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định rằng, “tinh thần” của Thông tư 30 là rất phù hợp với tâm lý của các em học sinh, có tác dụng động viên, khuyến khích, từ đó giúp các em học tập tốt hơn. Để Thông tư 30 mang lại hiệu quả thiết thực, ngoài công tác tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền tới các bậc phụ huynh để họ nắm rõ Thông tư, từ đó góp phần khắc phục những bất cập trong việc đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học như hiện nay.

Phan Tuyết

Các tin khác