(Congannghean.vn)-Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Kiệp, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân đoàn 3, người đã có công xây dựng 3 tập thể trở thành đơn vị anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là chỉ huy trưởng một trong những mũi tiến công chiếm giữ sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu ngụy trong ngày 30/4/1974. Đã tròn 40 năm trôi qua, nhưng những khoảnh khắc lịch sử đầy xúc động khi làm chủ được đất nước vẫn còn khắc sâu nguyên vẹn trong tâm trí ông.
Trận đánh cuối cùng
Ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Kiệp nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên đường Cao Lỗ, thuộc khối Trung Mỹ, phường Lê Mao, TP Vinh, lặng lẽ và khiêm nhường như chính chủ nhân của nó vậy. Là người chỉ huy một trong những mũi tiến công đánh từ mặt trận Tây Nguyên vào giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, song ông Nguyễn Đình Kiệp lại được ít người biết đến bởi từ sau khi nghỉ hưu, hai ông bà đã chọn cách sống lặng lẽ, tránh xa phồn hoa đô thị, như là một cách để giữ trọn những ký ức hào hùng của một thời chiến trận.
Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Kiệp |
Tháng 10/1963, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng lính trẻ Nguyễn Đình Kiệp rời quê nhà lên đường vào Nam nhập ngũ, đến tháng 6/1965 thì được biên chế bổ sung vào Tiểu đoàn 27 công vệ của mặt trận Tây Nguyên. Sau chiến dịch Mậu Thân, ông được điều động về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66 mặt trận Tây Nguyên. Năm 1974, ông Nguyễn Đình Kiệp giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, được điều động lên Tây Nguyên để trực tiếp đánh giặc. Cũng trong thời gian này, ông là người đã có công rất lớn khi ở cương vị chỉ huy, đã xây dựng 3 đơn vị: Đại đội 2, Tiểu đoàn 7 và Trung đoàn 66 trở thành đơn vị anh hùng, trong đó Trung đoàn 66 là đơn vị 3 lần đạt danh hiệu trên.
Trở lại với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tháng 3/1975, khi ấy, ông Nguyễn Đình Kiệp đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, nhận lệnh đánh vào Buôn Mê Thuột vào đêm 9/4. Ông đã chỉ huy phối hợp các lực lượng binh chủng hợp thành đánh thẳng vào căn cứ Đức Lập của Ngụy quân Sài Gòn đang chiếm đóng tại đây, đến rạng sáng mồng 10 thì ta làm chủ hoàn toàn căn cứ này.
Đây không phải là trận đánh mở màn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tại Tây Nguyên, nhưng là trận đánh có ý nghĩa rất quan trọng, làm bàn đạp cho các lực lượng khác đánh vào thành phố Buôn Mê Thuột sau đó. Sau chiến thắng “đầu tay”, Đại tướng Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo ông Nguyễn Đình Kiệp giao lại việc thu dọn và tiếp quản cho đơn vị khác, còn Trung đoàn 66 tiếp tục cơ động về phía Tây của mặt trận, theo đường 21 đánh vào các căn cứ Khánh Dương, Chư Cúc, đèo Phượng Hoàng và sân bay Hòa Bình để mở đường vào các tỉnh phía Nam.
Chiếm giữ sân bay Tân Sơn Nhất trong ngày đại thắng
Lúc hành quân vào đến Khánh Hòa, ông Nguyễn Đình Kiệp được bổ nhiệm làm Phó tham mưu trưởng Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 (mặt trận Tây Nguyên cũ), làm nhiệm vụ mở đường mới cơ động để vào chuẩn bị giải phóng Sài Gòn. Lúc này, Quân đoàn 1 theo Quốc lộ 1A còn Quân đoàn 3 mở đường mới theo hướng từ Nha Trang vào Trảng Bàng, sau đó vòng lên Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) theo đường 20 xuống Sài Gòn, kế hoạch là gặp nhau ở Ngã ba Dầu Giây thì hợp lại để cùng nhau tiến vào cửa ngõ Sài Gòn. Lúc này, Sư đoàn 10 được bổ sung thêm lực lượng để đánh chiếm cầu Bông và cầu Súng, là điểm giao thông trọng yếu nằm ở phía bắc Hóc Môn, một trong những cửa ngõ quan trọng để tiến vào nội thành Sài Gòn.
Trong 2 ngày 26 và 27/4, Sư đoàn 10 đã đánh chiếm được 2 căn cứ này, sau đó, tiếp tục chiếm thành Quan Năm ở phía Nam cầu Súng, chiếm giữ Trại huấn luyện Quang Trung của Ngụy quyền Sài Gòn, thừa thắng rồi tiếp tục đánh chiếm Nhà máy dệt Vina, đánh vào Củ Chi và đến rạng sáng 28/4 thì đánh đến Ngã ba Bà Quẹo.
Lúc này, Sư đoàn 10 được giao nhiệm vụ chia làm 2 cánh đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất và Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn. 3 giờ 50 phút rạng sáng 29/4, Trung đoàn 24 đã đồng loạt tấn công vào các cứ điểm của địch ở sân bay Tân Sơn Nhất và đến khoảng 9 giờ 45 phút ngày 30/4 thì làm chủ hoàn toàn nơi này, Sở chỉ huy không quân của Mỹ tại đây cũng do ta làm chủ.
Lúc lá cờ được cắm hiên ngang giữa sân bay Tân Sơn Nhất, tiếng súng cũng lặng dần. Đơn vị ngụy quân bảo vệ sân bay và 12 bốt gác xung quanh trại Davis, cùng đơn vị dù cạnh trại đã bỏ chạy hết, dù trước đó chúng đã nhận được những chỉ thị đặc biệt.
Đến 11 giờ ngày 30/4, Trung đoàn 28 của Sư đoàn 10 cũng đã hoàn thành nhiệm vụ khi cắm được lá cờ đỏ sao vàng phấp phới lên nóc Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn.
Đại tá Nguyễn Đình Kiệp đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1975 (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Trong khí thế ngập tràn chiến thắng, Mặt trận đã phát lệnh, sau 11 giờ ngày 30/4, tất cả các đơn vị phải cho bộ đội thay toàn bộ quần áo mới để chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn. Là người chỉ huy trưởng, làm nhiệm vụ đi trước dẫn đường để Sư đoàn tiến vào Sài Gòn, cho đến bây giờ, sau 40 năm, ông Nguyễn Đình Kiệp vẫn không thể nào quên giây phút được làm chủ đất nước sau 30 năm bền bỉ đấu tranh.
Càng tiến sâu vào nội thành Sài Gòn, càng thấy khí thế giải phóng rầm rộ. Người dân đổ ra hai bên đường, ai có cờ thì cầm cờ, ai có hoa mang hoa, thậm chí nhiều người còn cởi áo, đưa khăn vẫy chào bộ đội khi thấy lá cờ đỏ sao vàng cắm trên nóc xe tăng.
Nhiều người bỏ cả họp chợ để hòa vào dòng người tiến về thành phố. Trước cảnh tượng ấy, ông Kiệp vô cùng xúc động, bởi ông không ngờ rằng Ngụy quyền Sài Gòn lại sụp đổ nhanh đến như vậy. “Quân Ngụy từ các nơi đổ về thành phố, trà trộn vào nhân dân để trốn tránh, bỏ lại giày dép, quần áo, tư trang ngổn ngang ở hai bên đường. Nhiều tên thậm chí chỉ mặc áo phông, quần đùi.
Nhiều người dân đổ ra đường, thấy xe của bộ đội đi qua liền ném lên xe những gói cơm còn nóng hổi, được bọc sẵn trong bao để tiếp tế vì sợ bộ đội đói”, ông Kiệp bồi hồi nhớ lại. Chiều 30/4, trong lúc đang làm nhiệm vụ bảo vệ thành quả tại sân bay Tân Sơn Nhất thì chiếc máy bay đầu tiên của ta từ miền Bắc bay vào đã hạ cánh an toàn để tiếp quản vùng giải phóng, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn và đập tan ách xâm lược của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam, non sông thu về một mối.
Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Nguyễn Đình Kiệp được điều động đi học bổ túc tại Đà Lạt. Cũng nhờ lớp học này, ông may mắn được gặp “một nửa” của cuộc đời mình. Bà là Trần Thị Minh (SN 1952), cán bộ miền Bắc tăng cường cho miền Nam, làm nhiệm vụ tại đây. Sau một thời gian yêu nhau, đến năm 1977, 2 người tổ chức lễ cưới ngay tại đơn vị. Đây cũng là đám cưới đầu tiên của Sư đoàn kể từ sau chiến tranh. Cưới vợ xong, ông Kiệp lại cùng Sư đoàn sang Campuchia thực hiện nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng. Sau khi tốt nghiệp Học viện cấp cao, ông về làm Sư trưởng Sư đoàn 341 Quân khu 4, Phó Hiệu trưởng Trường Quân chính Quân khu 4, Phó Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) và Chánh Thanh tra Quốc phòng trước khi nghỉ hưu vào năm 2012 với quân hàm Đại tá.
Đã giã từ nghiệp lính, song hai vợ chồng ông Kiệp, bà Minh vẫn rất tự hào khi cả hai người con đều nối gót cha tiếp tục làm việc trong ngành. Cô con gái đầu Nguyễn Thị Nam Hương, hiện là Chuyên viên Quốc phòng của Cục Hậu cần Quân khu 4. Cậu con trai út Nguyễn Vi Tùng hiện đang theo học Trường Sĩ quan Lục quân I.