Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201504/lop-hoc-tinh-thuong-danh-cho-tre-khuyet-tat-602523/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201504/lop-hoc-tinh-thuong-danh-cho-tre-khuyet-tat-602523/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lớp học tình thương dành cho trẻ khuyết tật - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 19/04/2015, 14:46 [GMT+7]

Lớp học tình thương dành cho trẻ khuyết tật

(Congannghean.vn)-Lớp học đã tồn tại hơn 4 năm qua tại Trường Tiểu học Nghi Tân, TX Cửa Lò. Lớp học ấy được xem là “đặc biệt”, bởi ở đó có cô giáo và 13 học trò, tất cả đều là những trẻ khuyết tật, chậm phát triển... Không nặng nề về thành tích học tập, điều mà các em tích lũy được sau mỗi giờ lên lớp chính là những kỹ năng sống rất quý báu.
 
Lớp học miễn phí cho trẻ em khuyết tật
 
Hơn 4 năm qua, phòng học nhỏ nằm ngay cạnh cầu thang đã trở nên gắn bó, quen thuộc, chứng kiến bao sự đổi thay, nhưng ở đó cũng chan chứa tình yêu thương giữa cô và trò cùng niềm vui mừng, phấn khởi của các bậc phụ huynh. Lớp học tình thương dành cho trẻ khuyết tật, chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ ở Trường Tiểu học Nghi Tân trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho những số phận, hoàn cảnh kém may mắn như thế. Thầy Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Lớp học hướng đến những trẻ em khuyết tật, chậm phát triển, thiểu năng..., nhằm giúp các em hòa nhập với cộng đồng, tự tin hơn trong cuộc sống. Đồng thời, giúp các em được đến trường như những đứa trẻ khác và có những thay đổi tích cực về nhận thức cũng như giải tỏa tâm lý cho các bậc phụ huynh”.
Cô giáo Nguyễn Thị Liên hướng dẫn các học trò khuyết tật tập viết
Cô giáo Nguyễn Thị Liên hướng dẫn các học trò khuyết tật tập viết
Những ngày đầu mở lớp học tình thương, nhà trường gặp không ít khó khăn, bởi đây là lớp học “đặc biệt”. “Đặc biệt” từ việc tìm giáo viên, soạn giáo án, đưa ra lộ trình, phương pháp giảng dạy... Phải là giáo viên thật sự có tâm huyết, chịu khó mới đảm đương được trọng trách to lớn này. Hơn nữa, những học trò này là những đứa trẻ khuyết tật, luôn mang trong mình sự mặc cảm, tự ti, có những em tâm sinh lý bất thường, bởi vậy quá trình vận động các em đến lớp cũng vô cùng gian nan, vất vả. Nhờ tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm của cô giáo, lớp học “đặc biệt” này đã tồn tại và duy trì suốt 4 năm qua. Giờ đây, một số em đã biết đọc, biết viết, những em nhiều tuổi đã “tốt nghiệp”, một số em khác mới chuyển vào.
 
Người mẹ hiền của trẻ khuyết tật
 
Người mà chúng tôi muốn nhắc đến là cô Nguyễn Thị Liên, giáo viên đầy kinh nghiệm và từng dạy tại lớp giáo dục đặc biệt của TX Cửa Lò. Được sự tin tưởng từ phía nhà trường, bằng tình yêu thương học trò, cô Liên đảm nhận trọng trách là người đồng hành cùng các em có hoàn cảnh kém may mắn. Những ngày đầu vất vả từ công tác vận động, mỗi em lại có mỗi hoàn cảnh, mỗi tính cách khiến cho cô phải “xoay như chong chóng”. Cô Liên chia sẻ: “Nhớ ngày đầu đứng lớp, mặc dù đã có chút kinh nghiệm nhưng tôi cũng phải bối rối trước các em. Các em không phân biệt được đâu là giờ học, đâu là giờ chơi, cứ cô vào lớp thì trò theo vào, cô ra khỏi lớp, trò cũng theo ra. Có em còn chưa biết những kỹ năng tối thiểu như vệ sinh cá nhân”.
 
Để tiện liên lạc, cô Liên tìm đến các bậc phụ huynh, xin số điện thoại và mỗi lần có thông báo gì, cô lại ghi vào mảnh giấy, dặn dò các em đưa về cho bố mẹ, nhưng sau đó vẫn phải gọi điện thoại để xác minh các em có truyền đạt đúng những gì cô dặn hay không. Nhẹ nhàng dỗ dành cùng tình yêu thương, cô giáo Liên trở thành người mẹ thứ hai của các em khuyết tật nơi đây.
 
Cô dạy từ những việc đơn giản như chào cô, chào thầy, xin phép cô ra ngoài, rửa tay chân... đến việc dạy các em đọc số, viết chữ. Kiên nhẫn qua từng buổi học, giờ đây, các em đã ý thức được tầm quan trọng của việc học đối với bản thân. “Sau giờ học trên lớp, về nhà, cháu đã biết giúp bố mẹ việc nhà, nấu cơm, giặt quần áo, gia đình chúng tôi thật sự cảm ơn cô giáo, cảm ơn nhà trường”, chị Hoàng Thị Phan, mẹ em Phùng Thị Hằng (19 tuổi), theo học lớp học tình thương 4 năm qua bộc bạch.
 
4 năm qua, đem tình yêu thương đến với những trẻ em khuyết tật, chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ... là nỗ lực không mệt mỏi của thầy cô Trường Tiểu học Nghi Tân. Đến với lớp học “đặc biệt” này, các em có hoàn cảnh kém may mắn sẽ thêm phần tự tin, vươn lên hoàn cảnh, hòa nhập với cộng đồng, từ đó sống có ích cho gia đình và xã hội.
.

Phan Tuyết

.