Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201503/tinh-nguoi-va-trach-nhiem-597401/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201503/tinh-nguoi-va-trach-nhiem-597401/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tình người và trách nhiệm - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 30/03/2015, 15:09 [GMT+7]

Tình người và trách nhiệm

(Congannghean.vn)-Đêm tháng 3. Một đêm thật dài với khoảng trống mênh mông. Vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa đã làm 13 người chết và hàng chục người bị thương. Những giọt nước mắt hòa tan trong những cơn mưa xối xả. Và, trong đau thương ấy lại ngời sáng ngọn lửa tình người …
 
 Những bước chân trong đêm
 
Đêm 25/3, khi tuổi trẻ Chi đoàn Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đang tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đoàn thì nhận được tin dữ từ công trường Formosa. Nhanh như cắt, các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ được triển khai. Mệnh lệnh và tình người càng thúc giục họ nỗ lực hơn trong thực thi nhiệm vụ. Con đường từ TP Hà Tĩnh vào Khu kinh tế Vũng Áng như ngắn lại. Những chiếc xe cứu hộ lao vun vút trong đêm, đến ngay hiện trường ngổn ngang, đổ nát.
Những chiến sỹ làm việc bằng tất cả tình thương và trách nhiệm
Những chiến sỹ làm việc bằng tất cả tình thương và trách nhiệm
Được biết, đại công trường Formosa thời gian gần đây vẫn hoạt động xuyên đêm. Những công nhân cần mẫn dầm mình trong sương, giữa màn đêm để đẩy nhanh tiến độ. Các ca làm việc vẫn thay phiên nhau đều đặn hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng, đêm 25/3 lại là cái đêm định mệnh đối với một số ít trong số hàng nghìn công nhân ấy. Vào lúc 20 giờ, khu vực đúc giếng chìm của Công ty Samsung trong lúc đang thi công thì giàn giáo khổng lồ bằng sắt có chiều cao khoảng 16 m, trọng lượng hàng nghìn tấn bất ngờ đổ sập xuống, vùi lấp khoảng từ 50 - 70 người. Có 13 người xấu số đã tử vong, trong đó 2 người đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
 
Đêm như ngắn lại khi công việc còn dang dở, những CBCS Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát PCCC cùng với các lực lượng cứu hộ khác dùng máy cắt, máy khoan, máy cẩu và mọi biện pháp có thể để nhanh chóng đưa các nạn nhân bị thương ra khỏi hiện trường.
 
Trong đêm ấy, cùng với gần 400 CBCS được huy động, đồng chí Đại tá Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo Công an huyện Kỳ Anh, lực lượng Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát PCCC tiến hành cứu nạn, cứu hộ và bảo vệ hiện trường; đồng thời thành lập ban chỉ đạo để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Tuy nhiên, đối với công tác cứu nạn, lực lượng Công an gặp không ít khó khăn bởi lượng sắt, thép đổ xuống rất lớn, khu vực đổ sập là công trường đang thi công, nằm sát biển nên trong cùng một lúc, nhiều phương tiện không thể tiếp cận tới.
 
Đối với những người lính Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động, ngoài lực lượng tham gia bảo vệ, cứu nạn, đơn vị đã huy động thêm lực lượng từ ngoài tỉnh để cùng tham gia hỗ trợ. Rất đông người dân hiếu kỳ muốn tiếp cận hiện trường, nên lực lượng Cảnh sát Cơ động đã phối hợp với Công an huyện Kỳ Anh chốt chặn ở cổng vào khu vực cứu hộ, đảm bảo ANTT tại công trường Formosa.
 
Đêm, những giọt mưa ngày càng nặng hạt. Gió từ biển thổi vào càng khiến đêm thêm lạnh. Nhưng những giọt mồ hôi vẫn hiện rõ trên khuôn mặt của những người lính tham gia cứu hộ. Ròng rã một đêm với công việc bận rộn, nhưng ai nấy cũng đều làm việc với tất cả tình thương và trách nhiệm đối với những người kém may mắn…
 
Tấm lòng của những lương y
 
Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh vào sáng 26/3, chúng tôi cảm nhận được không khí khẩn trương, nghiêm túc, tận tình của đội ngũ y, bác sĩ. Họ luôn tận tình cứu chữa và chăm sóc các bệnh nhân trong vụ tai nạn. Tiến sĩ Phạm Xuân Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết: Tối 25/3, ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố tại công trường Formosa thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đã huy động 100% nhân lực phục vụ công tác cấp cứu, chữa trị. Hiện nay, Bệnh viện đang điều trị cho 19 nạn nhân, trong đó có 4 ca chấn thương nặng đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, 15 ca bệnh nhân đã được các y, bác sĩ phẫu thuật xử lý ngay trong đêm và phân về các khoa: Chấn thương, Ngoại tổng hợp, Răng - hàm mặt... để tiếp tục điều trị. Ngoài ra, công tác hậu cần cũng được Bệnh viện chú trọng, hỗ trợ 3 bữa ăn trong ngày và đồ dùng sinh hoạt cho các bệnh nhân.
 
Cũng trong sáng 26/3, đoàn công tác của Bệnh viện Việt Đức với 4 bác sĩ, gồm: 1 chuyên gia sọ não, 1 chuyên gia chấn thương chung, 1 chuyên gia chấn thương bụng và 1 chuyên gia gây mê hồi sức đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để nỗ lực cứu chữa các nạn nhân. Được biết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu các đơn vị y tế tập trung mọi nguồn lực để cấp cứu các nạn nhân, hạn chế tối đa số người tử vong. Việc làm này thể hiện trách nhiệm cao cả của những người thầy thuốc chữa bệnh cứu người “lương y như từ mẫu”…
 
Trách nhiệm của những người cầm bút, cầm máy
 
Đối với bất kỳ sự việc nào xảy ra, những nhà báo, những người làm công tác thông tin tuyên truyền cũng đều vào cuộc như những người lính thực sự. Họ cũng trắng đêm, lặng lẽ đi theo bước chân của những người thực thi nhiệm vụ, phản ánh sự thật đến công chúng bằng trách nhiệm của người công dân và trách nhiệm đối với xã hội. Rất đông phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã kịp thời có mặt để thông tin về sự việc. 
 
Nhà báo Lê Vinh, phóng viên Đài PTTH Hà Tĩnh chia sẻ: “Ngay sau khi nhận được thông tin, anh em đã hối hả lên đường để có những hình ảnh mới nhất, chân thực nhất về công tác cứu nạn, cứu hộ. Trắng đêm ở công trường, chúng tôi càng hiểu hơn nỗi đau thương, mất mát của các gia đình nạn nhân, thấu hiểu hơn sự vất vả, khó khăn của các lực lượng đang làm nhiệm vụ”.
 
Là phóng viên theo dõi mảng y tế của Báo Hà Tĩnh, ngay trong đêm 25 và rạng sáng 26/3, chị Biên Nhung đã có mặt rất sớm khi Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh tiếp nhận bệnh nhân là nạn nhân vụ sập giàn giáo. Đêm trắng của những cán bộ khoác áo blu trắng chính là “mạch nguồn” cảm xúc để chị phản ánh chân thực nhất tình cảm của đội ngũ y, bác sĩ đối với bệnh nhân.
 
Còn đối với đội ngũ phóng viên trong lực lượng Công an nhân dân, họ đã có mặt tại hiện trường ngay sau khi sự việc xảy ra. Đêm trắng của các lực lượng, những hình ảnh về sự việc, về công việc lặng thầm của CBCS Công an Hà Tĩnh đã được chuyển tải rất sớm trên bản tin 6 giờ sáng của truyền hình Công an nhân dân. Mặc dù phương tiện, máy móc tác nghiệp còn nhiều hạn chế nhưng bằng trách nhiệm và tình yêu nghề nghiệp, sẻ chia công việc với đồng chí đồng đội, những hình ảnh, thước phim của phóng viên truyền hình Công an nhân dân đã rất kịp thời và thấm đẫm tính nhân văn.  Trong đó có những phóng viên tiêu biểu của ngành như Đình Vũ, Văn Hùng, Sỹ Quý, Anh Cường…
 
Cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn. Sự cố hy hữu ngoài mong muốn đã diễn ra. Bên cạnh những mất mát, đau thương thì những việc làm tốt, chan chứa nghĩa tình mà con người dành cho nhau cũng được nhân lên. Đó cũng là truyền thống, đạo lý tốt đẹp ngàn đời của người dân Việt: “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”.
.

Xuân Lý

.