Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201503/phuc-hoi-tro-choi-dan-gian-trong-mua-le-hoi-592544/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201503/phuc-hoi-tro-choi-dan-gian-trong-mua-le-hoi-592544/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Phục hồi trò chơi dân gian trong mùa lễ hội - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 11/03/2015, 14:27 [GMT+7]

Phục hồi trò chơi dân gian trong mùa lễ hội

(Congannghean.vn)-Từ xa xưa, cha ông ta đã sáng tạo ra nhiều trò chơi dân gian, góp phần tạo nên sự đa dạng và đặc sắc của văn hóa cổ truyền dân tộc. Theo thời gian, các trò chơi dân gian dần đi vào quên lãng, nhưng nay đang được phục hồi tại các lễ hội. Tại Nghệ An, những năm trở lại đây, nhiều lễ hội đã phục hồi được các trò chơi dân gian cổ truyền, góp phần tạo dựng lại bản sắc văn hóa của lễ hội.
 
Trong các lễ hội, bên cạnh phần Lễ thì phần Hội luôn thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân và du khách thập phương bởi sự đa dạng của các trò chơi dân gian. Ngoài việc rèn luyện sức khỏe, những trò chơi này còn mang đậm bản sắc vùng miền, góp phần gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
 
Cứ vào ngày 30/1 và 1/2 âm lịch hàng năm, người dân ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh lại hòa mình vào dòng người ra xã Phúc Thành, huyện Yên Thành để tham dự lễ hội đền Đức Hoàng. Tại lễ hội, các trò chơi dân gian như: Kéo co, đánh đu, chọi gà, đua thuyền, nấu cơm, bắt cá diễn ra trong không khí sôi động. Tại đây, không chỉ có các trò chơi dân gian mà còn xuất hiện các trò chơi hiện đại như: Môtô bay, điện tử, xe điện đụng, nhà hơi siêu nhân, xe tàu điện cùng nhiều hoạt động khác. Có thể thấy, cùng với sự phát triển của công nghệ giải trí, nhiều trò chơi dân gian đã có lúc bị lãng quên. Những người thuộc thế hệ trước nay đã già, trẻ con lại không mấy mặn mà với trò chơi của cha ông mà tìm đến các trò chơi hiện đại. Tính mới lạ của các trò chơi hiện đại đã tạo ra sức hấp dẫn, lôi cuốn trẻ em.
 
Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế, những trò chơi ấy đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như nhận thức, đạo đức của các em. Chính bởi vậy, việc phục hồi các trò chơi dân gian trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Để các loại hình giải trí phát triển lành mạnh, cần có sự kết hợp giữa trò chơi dân gian và trò chơi hiện đại để đem lại sân chơi giải trí đa dạng, mang tính cổ truyền lẫn hiện đại, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân.
 
Tại lễ hội, không thể thiếu được các trò chơi dân gian
Tại lễ hội, không thể thiếu được các trò chơi dân gian
 
Ngược lên miền núi phía Tây Nghệ An, đến với Kỳ Sơn vui lễ hội Pu Nhạ Thầu, cùng chiêm ngưỡng cuộc thi trang phục dân tộc, vui hội cồng chiêng, khắc luống, ném còn, bắn nỏ... hay cùng thi văn hóa ẩm thực miền núi, thi viết chữ Thái cổ tại lễ hội Môn Sơn, Lục Dạ huyện Con Cuông. Hay đến với Quỳ Châu vào ngày 21 - 23 tháng Giêng âm lịch hàng năm, để trẩy hội Hang Bua, cùng rộn rã trong nhịp chày khắc luống, say đắm trước những tà váy áo Thái thướt tha trong bước nhảy sạp tưng bừng mới thấy hết sức sống, sức lan toả lớn của các trò chơi dân gian. Nhiều cuộc thi thủ công diễn ra sôi nổi trong tiếng trống, tiếng reo hò cổ vũ của người xem và không thể thiếu những cuộc thi ẩm thực, thi viết chữ Thái Lai Pao mang đậm dấu ấn của người dân tộc Thái...
 
Dân gian có câu: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng” để nói đến tứ linh từ của đất Nghệ An. Lễ hội đền Cờn tại TX Hoàng Mai mang đậm nét văn hóa biển với các trò chơi dân gian như đua thuyền, đẩy gậy... Tại Đô Lương, người dân thập phương về trẩy hội đền Quả để cùng du thuyền trên sông, vui hội đua thuyền, hay cuộc thi vật truyền thống. Hay cùng tham gia thi vật cù, cờ thẻ, chọi gà... tại lễ hội đền Bạch Mã, huyện Thanh Chương. Có thể thấy, mỗi lễ hội đều có các trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn vùng miền. Thông qua các trò chơi dân gian, mọi người hiểu hơn về cuộc sống, tập quán sinh hoạt đặc sắc của địa phương mình cũng như của địa phương khác.
 
Bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Nghệ An cho biết: Việc phục hồi lại các trò chơi dân gian trong các lễ hội có ý nghĩa lớn, đó chính là phục hồi lại nét đẹp của văn hóa truyền thống, hướng đến xây dựng tâm hồn vui vẻ, lạc quan, yêu đời, tăng tính cộng đồng. Để phục hồi các trò chơi dân gian, chính quyền địa phương cần thành lập các ban tổ chức lễ hội, mời các chuyên gia về nghiên cứu thông qua các văn bản lịch sử, trực tiếp nghe các cụ cao niên trong làng kể lại. Từ đó, sẽ có đầy đủ căn cứ, “chất liệu” để phục dựng lại các trò chơi dân gian trong lễ hội...
 
.

Phan Tuyết