(Congannghean.vn)-Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, lịch sử, là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa nghệ thuật dân tộc đặc sắc, Nghệ An đang ngày càng chứng tỏ vị thế của mình, thu hút được khách thập phương tìm đến tham quan, du lịch. Trong đó, phải kể đến những làn điệu dân ca ví, giặm đi cùng với các lễ hội đầu năm, nó có một sự thích ứng đặc biệt. Để dân ca trở thành một sản phẩm du lịch, có sức lan tỏa tới du khách thập phương là vấn đề đáng quan tâm hiện nay của tỉnh nhà.
Sau khi UNESCO vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã đưa ra những hoạt động cụ thể trong bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm, trong đó nhấn mạnh việc đưa dân ca vào phục vụ khách du lịch không chỉ vào mùa lễ hội mà cả ở các khu du lịch như Cửa Lò, Khu di tích Kim Liên, Khu lưu niệm Nguyễn Du...
Vào mùa xuân, du khách đến với Nghệ An, tìm về các lễ hội để thả hồn mình vào những làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng. Tại các lễ hội như Vua Mai, Hang Bua, đền Cuông, đền Cờn, đền Quả... không thể thiếu được tiếng cồng chiêng, những điệu hò, câu ví ngân vang. Ở Nam Đàn, từ lâu đã duy trì câu lạc bộ (CLB) dân ca trong phần hội của Lễ hội Vua Mai, ngoài việc lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc còn góp phần quảng bá dân ca tới du khách khi đến với lễ hội. Nếu như Nam Đàn là cái nôi của những làn điệu phường vải thì mảnh đất Hoan Châu lại nức danh với “giáo phường đại hàng Kẻ Lứ”, nổi tiếng với làn điệu ca trù.
Biểu diễn ca trù tại lễ hội đền Cuông |
Năm 2002, CLB ca trù Diễn Châu được thành lập, làm sống dậy cái hồn ca trù Kẻ Lứ nổi tiếng một thời, do thầy giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên sáng lập và gây dựng. Vào dịp Rằm tháng 2 âm lịch, đến với đền Cuông, du khách thập phương được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật ca trù của các hội viên CLB.... Ngược lên vùng miền núi phía Tây Nghệ An, du khách sẽ được “thưởng thức” câu hát khắp, xuôi, nhuôn tại lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu), lễ hội Pu Nhạ Thầu (Kỳ Sơn)...
Tại Hà Nội, CLB UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ được thành lập dưới sự tư vấn, chỉ đạo nghệ thuật của Trung tâm phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn phát huy di sản dân ca xứ Nghệ. Chủ nhiệm CLB là chàng trai trẻ 9X Lê Thanh Phong, đến từ Nghệ An. Để quảng bá dân ca ví, giặm, Phong đã đứng ra tổ chức thành công triển lãm ví, giặm tại Hội chợ triển lãm nghệ thuật Hà Nội, thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ du khách tại Hồ Tây, đón các đoàn quốc tế đến xem biểu diễn tại đình Xuân La, Tây Hồ...
Một trong những hoạt động cụ thể của tỉnh Nghệ An trong việc bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm là việc quảng bá, đưa dân ca trở thành sản phẩm du lịch. Bằng chứng là đã tổ chức rất nhiều hội thảo về du lịch, trong đó có các hội thảo như Liên kết xây dựng sản phẩm du lịch các tỉnh Bắc miền Trung, Liên kết phát triển du lịch Thanh - Nghệ - Tĩnh... Tại các hội thảo ký kết hợp tác phát triển, xây dựng tour, tuyến du lịch thì vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch được đặc biệt quan tâm, đó là làm thế nào để dân ca trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Nghệ...
Chị Lê Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch cho biết: Dân ca ví, giặm là nét văn hóa truyền thống của dân tộc, nó đơn giản, mộc mạc, dễ thẩm thấu, thu hút không chỉ người dân xứ Nghệ mà cả du khách thập phương, đồng thời cũng là sản phẩm phục vụ du khách và làm tăng giá trị doanh thu.
Để dân ca trở thành sản phẩm du lịch, sắp tới, tại các hội chợ tổ chức vào cuối tháng 3 tại TP Hồ Chí Minh và đầu tháng 4 tại Hà Nội, bên cạnh triển lãm các sản phẩm, Trung tâm sẽ đưa các CLB dân ca do các doanh nghiệp thành lập đến biểu diễn nhằm giới thiệu rộng rãi hơn tới công chúng. Đồng thời, xu hướng trong tương lai sẽ xây dựng kinh phí thành lập các CLB dân ca để thường xuyên tham gia các buổi biểu diễn, nhất là vào thời điểm mùa du lịch tại Kim Liên (Nam Đàn), TX Cửa Lò, Công viên Trung tâm TP Vinh...
.