(Congannghean.vn)-Vừa qua, Chính phủ thống nhất Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33 của Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, với mục tiêu đến năm 2020 ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức và năm 2030 đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức xã hội. Nghị quyết số 33 ra đời trong bối cảnh sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức xã hội đã đến mức báo động. Đây là vấn đề cấp bách cần làm ngay, đặc biệt là khơi dậy truyền thống đạo đức, định hướng nhận thức trong giới trẻ.
Con giết cha, vợ đốt chồng, em chém anh, hôi của, tung ảnh sex lên mạng để trả thù, dùng video sex để tống tiền, quay clip nữ sinh đánh nhau, lột quần, lột áo… là những thông tin chúng ta thấy nhan nhản trên các kênh thông tin mỗi tuần. Những vụ việc trên cho thấy, truyền thống đạo đức từ ngàn đời nay của dân tộc ta đang bị xói mòn.
Từ thời rượu bia là hàng khan hiếm, tình dục chưa hôn nhân là điều cấm kỵ hàng đầu, nhưng rất nhanh chóng, Việt Nam là nước đứng hàng đầu về tiêu thụ rượu bia và nạo phá thai. Nguyên nhân được đổ lỗi là do sự phát triển như vũ bão của internet, của du nhập, hòa nhập. Nhưng rõ ràng, người Việt đang “tự do” trong việc tiếp nhận thông tin, “tự bơi” trong những dòng văn hóa độc hại, khi mà sự định hướng của cơ quan chức năng, gia đình vẫn còn hời hợt. Trước một hành vi trái với đạo đức, rất nhiều người Việt chưa đủ nhận thức để lên án, đấu tranh mà còn cổ xúy, tạo thành những suy nghĩa lệch lạc về đạo đức trong giới trẻ. Ví dụ như trường hợp một người phụ nữ bán phở tại Hà Nội nổi tiếng về chửi khách thì người Việt cổ xúy thành trào lưu đi ăn phở chửi thay vì tẩy chay, lên án.
Cần đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và cộng đồng xã hội, góp phần thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách |
Cũng phải thừa nhận rằng, hiện nay, việc chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tăng, trong đó, chúng tập trung vào chống phá văn hóa, tư tưởng. Hàng chục đài phát thanh, hàng trăm trang web của các thế lực thù địch cả trong và ngoài nước chĩa mũi nhọn vào nước ta, trong đó chúng tập trung tấn công vào giới trẻ để làm thay đổi nhận thức, kích động bạo lực. Nhưng truyền thống yêu nước, đạo đức trong lối sống vẫn ăn sâu vào tâm trí của những người Việt, chỉ cần một ngọn lửa nhỏ soi đường, truyền thống ấy sẽ bừng sáng trong mỗi người dân.
Còn nhớ vụ “hôi bia” đáng xấu hổ xảy ra ngày 4/12/2013, khi một xe chở đầy bia bị lật tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Thay vì giúp đỡ lái xe sau tai nạn, hàng trăm người xông vào cướp bia, gây nên cảnh hỗn loạn. Trước sự việc trên, hàng triệu người dân Việt đã phản ứng, làm dậy nên làn sóng phẫn nộ và bày tỏ sự chia sẻ khi tình nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng giúp đỡ người tài xế.
Hình ảnh “hôi của” như thế này không còn xuất hiện khi người Việt đồng lòng lên án - Ảnh: internet |
Do không phải đền tiền cho công ty nên người tài xế trả hết tiền cho những người ủng hộ, tạo nên hình ảnh đẹp của người Việt. Sau khi người Việt bày tỏ sự tức giận và đồng lòng lên tiếng, tình trạng “hôi của” trước đây thường xuyên xảy ra đã không còn nữa, thay vào đó là những hình ảnh đẹp về giúp đỡ nhau khi hoạn nạn.
Chính vì vậy, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 33, cần khơi dậy trong dân lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và đạo đức trong lối sống vốn là truyền thống của dân tộc Việt. Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nêu rõ, mục tiêu triển khai Nghị quyết số 33, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam; củng cố ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội.
Đến năm 2030, hoàn thiện và phổ biến các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, đồng thời tạo dựng những giá trị mới phù hợp để con người Việt Nam có nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, kỹ năng hội nhập phù hợp với sự phát triển của đất nước; đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội; phát triển đồng bộ thị trường văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa; phát huy sức mạnh của văn hóa Việt Nam trong hội nhập khu vực và thế giới; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách.
.