Văn hóa - Giáo dục
Tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc
09:05, 01/02/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII, năm 2014, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ban, ngành. Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển văn hóa đóng góp quan trọng vào sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, lĩnh vực văn hóa và công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc được chú trọng hàng đầu.
Năm 2014, ngành văn hóa đã tổ chức tổng kết giai đoạn I công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, triển khai giai đoạn II và tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức Lễ khánh thành Nhà tưởng niệm đồng chí Phùng Chí Kiên.
Một trong những hoạt động thường xuyên, liên tục mà ngành tiếp tục quan tâm đó là tham mưu thẩm định, phê duyệt danh mục xếp hạng di tích. Trong năm, đã thẩm định, trình UBND tỉnh có quyết định xếp hạng 24 di tích, trong đó, có 1 di tích quốc gia, 23 di tích cấp tỉnh, cùng với các địa phương tổ chức 25 lễ đón bằng công nhận di tích. Trước những vấn đề liên quan đến di tích, ngành đã chủ động tham mưu xử lý dứt điểm, nổi bật là việc hoàn chỉnh hồ sơ địa chính khu vực bảo vệ di tích Nguyễn Sỹ Huyến (giải quyết dứt điểm việc khiếu nại kéo dài); chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xử lý vấn đề đất đai khuôn viên chùa Diệc, tiến tới bàn giao cho Hội Phật giáo Việt Nam, tu sửa di tích đền Hoàng Mười, phục hồi đền thờ Trần Hưng Đạo; thẩm định thiết kế cơ sở Dự án bảo tồn, tôn tạo Văn miếu Vinh...
Dân ca, dân vũ Bản Phòng (Tương Dương) lưu giữ giá trị đặc sắc của dân tộc Thái |
Bên cạnh đó, đã tham mưu, chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, xếp hạng di tích. Cụ thể, tu sửa cấp thiết 9/9 di tích bằng nguồn kinh phí chống xuống cấp thường xuyên của tỉnh, 4/4 di tích từ nguồn chống xuống cấp theo chương trình mục tiêu quốc gia năm 2014, triển khai 14 dự án, quy trình, đề án, quy hoạch tu bổ phục hồi di tích...
Năm 2014, cùng với việc tổ chức các ngày lễ lớn, đón tiếp các đoàn khách tham quan tại Khu di tích Kim Liên, Quảng trường Hồ Chí Minh và Bảo tàng Nghệ An, ngành văn hóa đã phục dựng lễ hội đón tiếng sấm đầu năm của dân tộc Ơ đu tại huyện Tương Dương; xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc thiểu số Nghệ An; phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng dân tộc thiểu số gắn với Đại hội Dân tộc thiểu số lần thứ 3 của tỉnh. Đặc biệt, công tác xây dựng hồ sơ đệ trình tổ chức UNESCO xem xét công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã đem lại kết quả đáng tự hào.
Từ việc tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và thực hiện đúng lộ trình đề ra, đến việc tổ chức cho các thành viên Hội đồng UNESCO khảo sát, điền dã về dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ở một số địa phương 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại”. Hội thảo có hơn 80 bài tham luận của hơn 20 nhà khoa học quốc tế đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ và 60 nhà khoa học, nhà quản lý trong nước đến từ Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện VHNT Việt Nam, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu...
Tháng 6/2014, đoàn công tác 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã đến Nhật Bản và Pháp để thực hiện việc quảng bá, vận động bỏ phiếu trong lộ trình để UNESCO công nhận dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Niềm vui như vỡ òa, tự hào vinh dự khi vào ngày 27/11/2014, tại Paris - Thủ đô Cộng hòa Pháp, Uỷ ban liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đây là sự kiện trọng đại của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời chứng tỏ được sức sống của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập với nền văn hóa thế giới. Đây cũng là cơ hội để di sản ví, giặm được quảng bá rộng rãi đến cộng đồng quốc tế, từ đó, có những phương pháp tiếp cận phù hợp cùng với những biện pháp thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Như vậy, có thể thấy, yếu tố bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động trong giai đoạn mới, nó có sức mạnh lan tỏa không chỉ ở trong nước mà ra cả cộng đồng quốc tế. Tỉnh Nghệ An đã và đang dành nhiều sự quan tâm, nỗ lực trong ngăn ngừa sự xuống cấp, mai một của những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp, đồng thời hướng tới xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa mới.
Phan Tuyết