Văn hóa - Giáo dục
Đảng gần gũi trong lòng nhân dân
14:28, 31/01/2015 (GMT+7)
Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2015), đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội có bài viết "Đảng gần gũi trong lòng nhân dân". Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Đảng, tôi đã viết những dòng nghĩ suy, những tình cảm trào dâng từ trái tim đối với Đảng quang vinh, với Bác Hồ vĩ đại và nhân dân ta, dân tộc ta rất đỗi anh hùng.
Năm nay, Đảng ta tròn 85 năm tuổi. Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đồng thời cũng là để thực hiện “điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Cùng với những lời dặn dò thiêng liêng ấy, Người còn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Để thực hiện được nhiệm vụ nặng nề và cao cả ấy, Đảng không thể không dựa vào dân, phát huy sức mạnh vô tận của nhân dân, trung thành với lợi ích của dân tộc và của nhân dân, bởi như Bác Hồ thường xuyên căn dặn: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”.
Nguyện chiến đấu cho lý tưởng thiêng liêng ấy của Đảng, trong 15 năm đấu tranh trước Cách mạng tháng Tám và 9 năm kháng chiến chống Pháp, chỉ riêng ở cấp Trung ương đã có 14 đồng chí bị địch bắn, bị chém hoặc bị giết trong nhà tù. Và trong số 31 đồng chí Ủy viên Trung ương còn sống đến ngày thắng lợi, những đồng chí này đã được đế quốc Pháp “tặng” cho 222 năm tù đày, đó là không kể những án tử hình vắng mặt. Đó là những thực tế, đồng thời là những bài học lịch sử về lòng trung thành của Đảng với lợi ích của dân tộc, của nhân dân không thể nào quên.
Và cũng chính vì những lẽ đó mà không biết có ở quốc gia nào khác, những từ “Đảng ta”, “nhân dân ta” lại trở nên thân thuộc gần gũi, tự nhiên và gắn bó như ở nước ta.
Áp phích kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng |
Một hiện tượng vô cùng độc đáo: Nhân dân lao động cả nước gọi đội tiền phong của giai cấp công nhân là “Đảng ta”, “Đảng mình”; tự nguyện đứng về phía Đảng trong mọi cuộc chiến đấu, dù đó là cuộc chiến đấu lâu dài, khó khăn, gian khổ và ác liệt nhất. Nhân dân đã cùng Đảng chia sẻ, gánh vác nhiệm vụ trong mọi giai đoạn cách mạng. Khi cần phải xác định rõ thái độ, tình cảm yêu ghét của mình, nhân dân ta luôn dứt khoát. Nhân dân gọi lãnh tụ, cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam là “Bác Hồ”, “Anh Sáu”, “Anh Mười”, là “Thằng Hai”, “Thằng Út”... và gọi chung là “người đằng mình”. Nhưng không phải tất cả những ai mang danh cán bộ, đảng viên mà chỉ những người tận tụy hy sinh, phấn đấu vì lợi ích của dân, dũng cảm đấu tranh với địch mới được nhân dân dành cho vinh hạnh đó. Đáp lại sự tin yêu ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Mỗi cán bộ, đảng viên của đảng phải ra sức phấn đấu, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Trong khi đặt lên hàng đầu vai trò “người lãnh đạo”, Người rất nhấn mạnh phẩm chất “đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, chưa có ai đặt cho Đảng Cộng sản những yêu cầu nghiêm túc và nghiêm khắc trước nhân dân như vậy. Sự vĩ đại của Đảng thể hiện ở chức năng “người lãnh đạo”; và càng thể hiện rõ hơn khi tự nguyện “làm người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Sự gắn bó keo sơn ấy, tự nó nói lên biết bao điều cao cả và sâu sắc mà bằng ngôn từ không dễ gì diễn tả hết. Biết mấy thiêng liêng khi tất cả chúng ta cùng nhau nói “Đảng ta”, “nhân dân ta”. Điều độc đáo ấy nói lên nguồn gốc sức mạnh vô địch của Đảng và của nhân dân ta.
Nói về Đảng ta, không có lời tổng kết nào giản dị, chân thành và thật sâu sắc bằng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật vĩ đại”.
Đảng vĩ đại không phải vì Đảng ở ngoài, hay ở trên mà ở trong lòng nhân dân. Cán bộ đảng viên của Đảng không phải ai khác, mà là những người dũng cảm, xuất sắc trong nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động”. Những lời trên đây của Người tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, đến nay vẫn làm rung động lòng người, khắc sâu thêm tình yêu và trách nhiệm của mỗi người chúng ta đối với Đảng thân yêu.
Trên suốt chặng đường phấn đấu, hy sinh, đầy gian truân, thử thách, không có chiến công nào không bắt nguồn từ sức mạnh đoàn kết, gắn bó, cùng đấu tranh, cùng đi đến thắng lợi; không có cuộc chiến đấu nào mà mồ hôi và máu đào của đảng viên và nhân dân không cùng đổ trên đất này.
Hãy trở lại với một vài sự kiện lịch sử tiêu biểu không thể nào quên, bắt đầu từ sự kiện Đảng ta ra đời.
Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp Chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đó là bước nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Từ đêm dài nô lệ và tăm tối đã vươn tới ánh sáng của chân lý, của cách mạng. Với bước ngoặt đó, cách mạng Việt Nam đã tiến xa hơn, vươn lên cao hơn quan niệm “Dân là của nước, nước là của dân” của nhà yêu nước Phan Bội Châu, đánh dấu giai đoạn từ nay dân ta có Đảng.
Ngay sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo ba cao trào cách mạng hết sức rộng lớn và sôi sục diễn ra trong cả nước. Khởi đầu là cao trào 1930 - 1931 với đỉnh cao Xô Viết - Nghệ Tĩnh; tiếp đến là cao trào 1936 - 1939 với phong trào đòi dân sinh, dân chủ, biểu thị sự trưởng thành mau chóng của cách mạng Việt Nam, và cao trào 1939 - 1945, tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, giành được chính quyền trong phạm vi cả nước, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là chiến công “chẳng những giai cấp lao động và nhân dân ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc khác bị áp bức cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Tiếp đến là cuộc kháng chiến thần thánh ba nghìn ngày, Đảng đã lãnh đạo toàn dân ta, trẻ cũng như già “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc”, tất cả cùng nhất tề đứng lên với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Bằng ý chí ấy, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đánh trận kết thúc Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. “Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”.
Trên chặng đường đi tới, hơn hai mươi năm tiếp theo, Đảng lãnh đạo nhân dân đồng thời làm hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến hành cuộc đấu tranh chống Mỹ, giải phóng đất nước. Lại thêm một thử thách lớn lao với Đảng, với nhân dân ta. Trong cuộc đọ sức quyết liệt này, chúng ta làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, thực hiện xuất sắc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, Bắc Nam sum họp, non sông thu về một mối, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là “một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại sau thắng lợi Cách mạng tháng Mười, sau chiến thắng chống chủ nghĩa phátxít” - như đánh giá của đồng chí Phiđen Caxtơtô. Trong khoảng thời gian 30 năm mà Đảng ta, nhân dân ta phải trải qua hai cuộc đọ sức lớn và đã đánh thắng hai thế lực đế quốc hung bạo, có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn hơn mình gấp bội. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt ấy, chẳng những có người thành thật lo chúng ta không thể chiến thắng được, mà chúng ta còn bị kẻ thù hăm dọa đánh cho Việt Nam “trở lại thời kỳ đồ đá”.
Thế nhưng, kết cục ai thắng, ai thua đã rõ!
Chúng ta thắng không phải vì chúng ta đông người hơn, kinh tế ta mạnh hơn các thế lực thực dân, đế quốc. Càng không phải vì chúng ta có nhiều súng đạn hơn kẻ thù. Đã và còn có nhiều người đi tìm nguyên nhân vì sao thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã thua, Việt Nam đã thắng. Chúng ta có thể nói công khai về bí quyết tạo nên sức mạnh vô địch của mình: Đó là vì nhân dân ta quyết tâm đi theo Đảng, làm theo Đảng, quyết chiến đấu để thực hiện tư tưởng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó là vì “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; là ý chí “Nhà tan cửa nát cũng ừ. Đánh tan giặc Mỹ cực chừ, sướng sau”.
Những chiến công mà Đảng và nhân dân ta giành được trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng đất nước mãi mãi là niềm tự hào của mọi thế hệ người Việt Nam.
Từ sau khi nước nhà thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, bên cạnh những thành tựu đạt được, Đảng ta đã vấp phải những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, xây dựng và phát triển kinh tế. Đứng trước những thách thức mới vô cùng gay gắt: Cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội kéo dài trong nhiều năm diễn ra giữa lúc bối cảnh quốc tế vô cùng khó khăn, phức tạp. Liệu Đảng có đủ khả năng chèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi tới bến bình an? Trước sự đổ vỡ của nhiều nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới, mối lo đó không phải là vô cớ.
Đã có không ít kẻ lợi dụng tình hình khó khăn, tìm cách chia rẽ, đả kích sự lãnh đạo của Đảng. Dường như đã trở thành quy luật, cứ vào lúc khó khăn lại là lúc tinh hoa của dân tộc, trí tuệ và ý chí của Đảng ta và nhân dân ta lại có dịp phát huy và lần này nó thể hiện trong đường lối, trong quyết tâm đổi mới.
Thực hiện đường lối đổi mới, nhân dân ta đã giành được những thành tựu rất đáng tự hào. Những thành tựu lớn lao giành được trong những năm tháng tiến hành công cuộc đổi mới chứng tỏ ý Đảng, lòng dân một lần nữa lại kết thành một khối. Với sự đoàn kết, gắn bó keo sơn ấy, chúng ta nhất định vượt qua mọi trở ngại, tiếp tục vững bước tiến lên trên con đường thắng lợi, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Càng tự hào với thành tích, mỗi người chúng ta càng nâng cao trách nhiệm và nghiêm khắc hơn trong sự tự phê bình về những khuyết điểm, yếu kém của mình về những nhiệm vụ chưa làm tròn trước nhân dân. “Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa tròn nhiệm vụ”.
Trong quá trình đấu tranh cách mạng vô cùng gian khổ và vinh quang của Đảng, có biết bao điều nói lên sự vĩ đại, sự gắn bó giữa Đảng và nhân dân. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đảng ta thật là vĩ đại. Nhân dân ta thật là anh hùng”, “Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm những chuyện nhỏ như tương cà, mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân. Cho nên Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời nó gần gũi trong lòng của đồng bào ta. Đảng ta vĩ đại vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.
Phạm Quang Nghị
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội
Nguồn: dangcongsan.vn