(Congannghean.vn)-“Với những nữ văn công như chúng tôi được trực tiếp hát cho Bác Hồ nghe đã là một diễm phúc lớn. Cảm xúc lâng lâng ngày đầu được gặp và hát cho Người nghe, đến nay vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí tôi. Từ ngày đầu cho đến sau đó rất nhiều lần, tôi đem tiếng hát của mình cùng đoàn văn công đi phục vụ và có dịp gặp Bác Hồ”. Đó là lời tâm sự của nữ văn công Lê Thị Sáu (82 tuổi), ở phường Hưng Dũng, TP Vinh.
Trời phú cho giọng hát, ngay từ nhỏ, bà Lê Thị Sáu đã thả hồn mình với những bài hát yêu thích. Đam mê, bà đã theo anh chị đi hát ở 3 vùng Hưng Hòa, Hưng Lộc, Hưng Dũng. Đêm đi hát, ngày miệt mài bên đồng ruộng cũng cất cao lời ca. Tiếng hát của bà Sáu được nhiều người biết đến và bà được tuyển vào văn công quân đội, phục vụ chiến trường Bình Trị Thiên.
Nữ văn công Lê Thị Sáu nhớ lại những khoảnh khắc hát cho Bác Hồ nghe |
Năm 1954, từ Bình Trị Thiên, bà Lê Thị Sáu được đi dự Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất. Đang trên đường hành quân đến địa điểm đại hội thì có lệnh của Tổng cục Chính trị điều một số văn công quân đội đi phục vụ chiến dịch Điên Biên, trong đó có bà. Giữa bom rơi đạn nổ, giữa chiến trường ngổn ngang pháo sáng rực trời nhưng bà cùng anh chị em văn công vẫn cất cao tiếng hát. Hát say sưa với tình yêu dành cho đồng đội, hát với một niềm tin tất thắng. “Cái chết lơ lửng trên đầu dường như “nhẹ tênh”, sau những ca khúc là tinh thần lạc quan, niềm tin yêu sự sống, cuộc đời.”, bà chia sẻ.
Hát ngay tại chiến trường giữa bom rơi đạn nổ nhưng với bà Sáu, lần xúc động nhất là được gặp và hát cho Bác Hồ nghe. Lần đầu tiên được nhìn thấy Bác, bà cảm động trào nước mắt và như muốn bước tới ôm chầm lấy Người cho thỏa nỗi ước mong. Bà vẫn nhớ mãi cái giây phút hôm ấy mỗi khi nhắc lại. Đó là sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn văn công Tổng cục Chính trị tập trung ở tỉnh Phú Thọ. Tại đây, Đoàn được biểu diễn phục vụ đoàn của Chính phủ tiếp khách quốc tế.
Để đảm bảo an toàn, cuộc đón tiếp và biểu diễn văn nghệ được tiến hành dưới một căn hầm rộng và sâu. Trong hầm có dù hoa căng làm mái che, có đèn điện chạy bằng máy nổ, có ghế ngồi làm bằng tre mét chẻ đôi, ghép lại. Phải nói đây là một căn hầm lý tưởng. Lúc đó, Đoàn văn công không được báo trước, chỉ biết chuẩn bị tiết mục văn nghệ để phục vụ bộ đội như mọi lần. Khi các diễn viên bước xuống hầm, dưới ánh đèn điện sáng tỏ, mọi người mới nhận ra ở hàng ghế trước sân khấu có các vị khách và vị lãnh tụ đang hiện diện ngay trước mặt.
Cảm xúc trào dâng, không thể nào diễn tả. Ngày hôm sau, mọi người nhìn thấy Bác, chạy ra công kênh Người lên vai. Bác Hồ xua tay và hỏi: “Các cô, các chú trả lời cho Bác, ai có công to nhất trên Điện Biên. Mọi người đồng thanh: “Thưa, là Bác ạ”. Bác lắc đầu cười: “Sai rồi, công lớn nhất là chú Giáp. Các chú lại công kênh đồng chí Giáp đi”. Rồi Bác bảo mọi người đi chụp ảnh. Các cháu gái được đứng gần Bác hơn. Đó cũng là khoảng khắc lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Sau lần đấy, đoàn văn công của bà Sáu nhiều lần được gặp và biểu diễn văn nghệ phục vụ Bác và Trung ương.
Mỗi lần nhắc đến kỷ niệm về Bác Hồ, nữ văn công Lê Thị Sáu lại rưng rưng. Năm nay, dù đã bước sang tuổi 82 nhưng bà vẫn còn minh mẫn. Có lẽ, những năm tháng phục vụ nơi chiến trường, được hát cho Bác Hồ nghe là động lực, là sức mạnh tinh thần to lớn để đến hôm nay, bà vẫn còn ngân vang câu hát của một thời hào hùng ca ngợi người con vĩ đại của quê hương, người lãnh tụ tài ba của dân tộc Việt Nam.