Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201412/chan-chinh-day-them-hoc-them-phai-thay-doi-tu-nhan-thuc-564739/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201412/chan-chinh-day-them-hoc-them-phai-thay-doi-tu-nhan-thuc-564739/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chấn chỉnh dạy thêm, học thêm phải thay đổi từ nhận thức - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 01/12/2014, 08:44 [GMT+7]

Chấn chỉnh dạy thêm, học thêm phải thay đổi từ nhận thức

(Congannghean.vn)-Ngày 3/11/2014, Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị 5105-CT/BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Các quy định trong Chỉ thị nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Không có gì mới mẻ bởi thực tế, Chỉ thị được cụ thể hóa từ các văn bản trước đó, nhưng để việc thực hiện có tính khả thi phải bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức của phụ huynh, giáo viên cũng như học sinh.
 
Thực tế, không phải chờ đến khi có Chỉ thị trên thì những quy định cấm dạy thêm, học thêm mới được đặt ra mà trong những năm qua, nhiều văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đã đề cập, quy định rõ. Cụ thể ở Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm đã có quy định nghiêm cấm tổ chức dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học dưới mọi hình thức. Trong Công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học của giáo dục tiểu học, hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đều lưu ý việc không giao bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày. Bộ cũng đã có những văn bản quy định không tổ chức thi học sinh giỏi tiểu học, không tổ chức lớp chọn ở tiểu học và THCS, cấm thi tuyển sinh đầu vào lớp 6... 
Việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm phải bắt đầu từ nhận thức của giáo viên, phụ huynh
Việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm phải bắt đầu từ nhận thức của giáo viên, phụ huynh
 
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Tiến sĩ - Nhà giáo ưu tú Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Chỉ thị của Bộ GD&ĐT về việc chấn chỉnh dạy thêm, học thêm ở giáo dục tiểu học là rất phù hợp, kịp thời, đúng đắn và đồng bộ, bởi nó đi liền với Thông tư 30 trong việc đổi mới căn bản toàn diện và là cụ thể hóa của Thông tư 17, làm giảm áp lực học hành đối với học sinh. Trên tinh thần đó, xây dựng môi trường tiểu học lành mạnh để các em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
 
Thực tế lâu nay, phụ huynh đã nghe nhiều và được nhắc nhở bởi tình trạng dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cũng như nhận thức của phụ huynh, nhiều người trong số họ chưa hiểu và đang coi trọng vấn đề thi cử, quá ảo tưởng, kỳ vọng về con mình, dẫn đến việc tạo áp lực cho con. Học sinh bị nhồi nhét kiến thức mà họ không hiểu được các em tiếp thu ở mức độ nào.
 
Xoay quanh vấn đề không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng, băn khoăn: Liệu làm như thế, các em có được củng cố lại kiến thức và có ảnh hưởng đến chất lượng học tập hay không? Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ - Nhà giáo ưu tú Thái Huy Vinh khẳng định, chủ trương trên là đúng đắn nhưng thực tế, các thầy cô giáo cũng như các bậc phụ huynh đã quá quen với việc giao bài tập về nhà.
 
Chính vì vậy, cần phải lưu ý, đó là nâng cao chất lượng dạy 2 buổi/ngày, Sở khuyến khích các trường tiểu học, những nơi học 2 buổi/ngày, học sinh để sách tại trường, chỉ trừ thứ 6 đưa về cho phụ huynh kiểm tra, xem xét, đảm bảo kiến thức cho học sinh gói gọn trong ngày; đánh giá, xếp loại đúng học sinh theo Thông tư 30, tất cả các em phải đạt yêu cầu. Tuy nhiên, với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như khuyết tật, cơ nhỡ, cần có kế hoạch bồi dưỡng thêm cho các em. Với học sinh bậc giáo dục tiểu học, việc học tập, vui chơi và ăn ngủ phải được kết hợp hài hòa. Buổi ngày các em được học trên lớp, đêm về có thể nghỉ ngơi, giải trí bằng cách xem tivi hoặc tham gia các lớp học bơi lội, võ thuật...
 
Liên quan đến các quy định trong Chỉ thị, nhiều bậc phụ huynh cũng rất quan tâm đến việc không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6, đặc biệt là vào các trường trọng điểm, trường chọn. Ngày 24/11/2014, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tổ chức Hội thảo về vấn đề đổi mới các kỳ thi, tuyển sinh vào lớp 10, tuyển sinh vào Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tuyển sinh vào trường dân tộc nội trú và đặc biệt là không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6.
 
Trong đó, đối với các trường trọng điểm, chất lượng cao ở các thành phố, thị xã, Sở giao cho các phòng: Giáo dục trung học, giáo dục tiểu học, khảo thí kiểm định chất lượng, trực tiếp nghiên cứu để có tham mưu chỉ đạo, phối hợp với các Phòng GD&ĐT chỉ đạo thực hiện làm sao để duy trì, củng cố, nâng cao các trường chất lượng, trọng điểm trong công tác tuyển sinh, vừa đảm bảo tuyển sinh đúng chất lượng, vừa đúng với Chỉ thị của Bộ GD&ĐT. Trên tinh thần Chỉ thị của Bộ, Sở sẽ nghiên cứu bằng cách xét tuyển phù hợp, không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh, vừa nhằm hạn chế tối đa tình trạng dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học, vừa chống lại vấn đề chạy trường, chạy lớp...
 
“Để thực hiện chỉ thị của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có công văn nhằm quán triệt, chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, làm văn bản rà soát lại các cuộc thi, điều chỉnh kỳ thi giải toán, tiếng Anh trên mạng, có văn bản về việc điều chỉnh dạy thêm, học thêm của học sinh bậc tiểu học. Sở cũng yêu cầu các đơn vị: Tuyên truyền nhận thức trong cán bộ, giáo viên và toàn xã hội; thực hiện tốt nâng cao giải pháp toàn diện, điều chỉnh các hoạt động, dành sân chơi trí tuệ cho học sinh; phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời đối với cá nhân, đơn vị có sai phạm...”, Tiến sĩ - Nhà giáo ưu tú Thái Huy Vinh nhấn mạnh.
.

Phan Tuyết

.