(Congannghean.vn)-Mỗi khi nhắc đến nơi sinh sống của dân tộc Thái, người ta thường nghĩ ngay đến các huyện miền núi phía Tây Nghệ An. Ít ai biết được rằng, ở Quỳnh Lưu, một huyện đồng bằng hiện nay cũng có đến 1.000 người Thái sinh sống, tập trung tại 5 bản: Nam Việt, Tân Tiến, Tân Thành, Bắc Thắng của xã Tân Thắng và Trung Tiến của xã Quỳnh Thắng. Cuộc sống bà con nơi đây đã lắm đổi thay, nhưng những gì thuộc về giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc thì đang ngày càng mai một.
Đi theo con đường tít tắp, qua những đồi mía, sắn và dứa, chúng tôi có mặt tại bản Tân Tiến. Tiếp chúng tôi, trưởng bản Hà Văn Chùm chia sẻ: Nguồn gốc người Thái ở bản Tân Tiến cũng như các bản khác ở 2 xã Tân Thắng và Quỳnh Thắng đều từ Thanh Hóa di cư sang, đến nay đã là đời thứ 4. Hiện, bản có 66 hộ với 250 nhân khẩu, 100% dân tộc Thái. Theo thời gian, đến nay, điều mà ông trăn trở là bản sắc nơi đây đang ngày càng bị mai một. Có chăng chỉ còn lại là tiếng nói và những phong tục tập quán không thể bỏ. Đó là tục lệ ngày cưới, cô dâu phải mặc chiếc váy Thái do mình hoặc mẹ mình thêu, dệt hay khi bước vào nhà chồng phải rửa chân. Trẻ con mới sinh ra phải được làm lễ cầu vía, hay phong tục làm lễ tang, lễ tết...
Đến nay, hầu hết các trò chơi dân gian, những điệu hát khắp, xuôi, lăm... đã lùi vào dĩ vãng. Đâu đó chỉ còn thấy thấp thoáng vài bóng thiếu nữ mặc trang phục váy Thái, chít khăn. Những ngôi nhà sàn đã trở thành “cổ xưa”.
Bà Lữ Thị Khiền, vợ ông Chùm lần giở những chiếc gối, chiếc váy do tự tay mình thêu rồi thở dài, cho biết: “Của hồi môn cho con gái về nhà chồng đấy. Hai đứa con gái không đứa nào biết thêu thùa. Quà mẹ làm ra tặng mới ý nghĩa chứ giờ đi mua cũng có thiếu gì đâu, bán nhiều lắm à...”.
Hiếm hoi lắm khi bắt gặp hình ảnh người phụ nữ bên trang phục Thái do mình tự thêu, dệt |
Nói rồi, bà lại nhìn xa xăm. Bà nhớ lại một thời con gái, thường theo mẹ học dệt vải, thêu may chân váy và khăn chít đầu... Ngày ấy, cứ chong đèn làm cả đêm, đến khi gà gáy sang canh mới đặt lưng nằm. Trước lúc về nhà chồng, ai cũng phải tự dệt cho mình đầy đủ trang phục từ váy, chăn, gối, túi..., rồi còn phải làm quà cho họ hàng hai bên. Bây giờ, những người chịu khó chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Khung cửi xếp một góc bên hiên, người biết nay đã già yếu, lớp trẻ thì không mặn mà với nghề truyền thống của dân tộc mình.
Dạo quanh bản một vòng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi giờ đây nhà cửa đã khang trang, mái ngói đỏ tươi, những vườn dứa, vườn mía phủ kín đồi trọc. Một tín hiệu đáng mừng về cuộc sống của bà con dân tộc nơi đây. Nhưng rồi cũng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về những giá trị văn hóa vốn có của nó. Giờ đây, hiếm hoi lắm mới bắt gặp được một ngôi nhà sàn của người dân tộc Thái. Chúng tôi có mặt tại nhà ông Lữ Văn Thiêm, một trong số ít người dân của bản Tân Tiến còn lưu giữ ngôi nhà sàn của dân tộc Thái.
Ông cho biết: Ngày trước, khi ông bà di cư vào đây đều dựng nhà sàn cả, theo thời gian và do thời tiết mưa gió nên nhà bị ướt, hư hỏng nên dân bản dỡ hết để xây nhà bê tông. Những gì được gọi là bản sắc của dân tộc mình giờ không còn nữa. Bà con dân bản nói tiếng Thái mà những bài hát về tiếng Thái lại không ai nhớ, không ai thuộc. Các trò chơi dân gian như ném còn, đánh đu, nhảy sạp không được lớp trẻ mặn mà. Tục uống rượu cần trong từng nếp nhà cũng không được ưa chuộng, họa chăng thì chỉ vào những dịp lễ, Tết, một vài nhà ủ sẵn, chúc tụng nhau gọi là, chứ chẳng cần phải biết luật uống là thế nào. Cả bản Tân Tiến giờ chỉ còn mỗi một cái cồng của nhà bà Chinh, nhưng tiếng không còn được tròn vành, rõ nhịp.
Cuộc sống đổi thay, đời sống bà con dân tộc Thái, bản Tân Tiến cũng như các bản khác ở 2 xã Tân Thắng và Quỳnh Thắng đã ấm no, sung túc hơn... Trong niềm vui ấy, vẫn còn những nuối tiếc, trăn trở khi nhớ về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, để rồi từ đó thảng thốt, đặt câu hỏi: Làm thế nào để lưu giữ được giá trị của dân tộc mình?
.