(Congannghean.vn)-Xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) được biết đến là vùng đất của những cây thị, giếng nước cổ. Nơi đây lưu giữ dấu tích của xã hội từ thời đồ đá. Theo thời gian, hiện nay các giá trị cổ đã và đang có nguy cơ bị mai một.
Vùng đất Quỳnh Hoa vốn nổi tiếng về giai thoại gắn với cái tên Phù Hoa. Tương truyền, trước khi đánh tan hàng chục vạn quân Xiêm và Thanh, thống nhất đất nước, Nguyễn Huệ định dời đô về Phù Hoa. Bấy giờ, Phù Hoa có 100 cái giếng và nhiều cây thị to, đẹp. Một hôm, có 100 con phượng hoàng thấy giếng trong mát nên rủ nhau xuống tắm. Sau đó, mỗi con đều bay lên đậu trên một cây thị. Tuy nhiên, Phù Hoa mới có 99 cây thị, một con phượng hoàng nữa không biết đậu vào đâu liền cất cánh bay, thế rồi cả đàn cùng bay vào đất Phượng Hoàng Trung Đô (là TP Vinh ngày nay).
Một trong hai cây thị cổ còn sót lại |
Hiện Quỳnh Hoa chỉ còn sót lại hai cây thị cổ, một cây trước đó đã bị bão quật đổ. Trong đó, cây thị cổ nhất có đường kính hơn 3 m, chiều cao khoảng 15 m. Trải qua thời kỳ ác liệt của chiến tranh, cây thị vẫn trường tồn. Hằng năm, cứ đến mùa, cây lại cho ra những trái thị to tròn và thơm phức. Truyền thuyết xưa đến giờ vẫn còn lưu lại dấu tích của những chiếc giếng cổ. Trước đây, địa bàn phân bổ của các giếng cổ rất rộng, tập trung nhiều nhất ở hai thôn Phú Mỹ và Hữu Vịnh. Hai thôn này có tới 100 cái giếng được xây bằng những khối đá vôi tự nhiên, luôn đầy nước và trong vắt. Thế nhưng, đáng tiếc đến nay, nhiều giếng đã bị phá bỏ.
Cách đây khoảng 6.000 năm, Quỳnh Hoa có người tiền sử sinh sống. Bằng chứng là các di chỉ cồn sò, điệp thuộc loại hình văn hóa thời sơ khai còn tìm thấy ở nơi này. Chị Hồ Thị Thơm ở thôn Phú Mỹ cho biết: “Cách đây khoảng 2 - 3 năm, lúc làm đồng hay xây nhà, thỉnh thoảng có người vẫn đào bới được những chiếc hũ, nồi đồng, niêu đất, rìu đồng. Nhiều cái trong số đó bị gỉ cả, tưởng sắt vụn nên họ gọi người thu mua đồng nát đến để bán”. Bẵng đi một thời gian, có nhóm người tự xưng là đại lí thu mua cổ vật tìm đến tận từng nhà hỏi mua những thứ “đồ đồng cũ nát” mà người dân đào được. Thậm chí, họ còn huy động cả máy xúc, máy ủi để khai quật những thứ mà họ gọi là “đồng nát”.
Những cổ vật có hình dạng tương tự đã “rời làng” |
Khi được hỏi tại sao việc này không được chính quyền can thiệp, một cán bộ xã cho hay: “Lúc đó, chính quyền địa phương không hề hay biết đó là những thứ cổ vật có giá trị nên đã không kịp thời can ngăn. Với lại, số tiền họ trả còn gấp mấy lần tiền bán cho người thu mua phế liệu nên người dân đua nhau ồ ạt đi bán”. Dần dần, những cổ vật đã qua tay không biết bao nhiêu người nên hiện giờ không còn rõ “tăm tích” nơi đâu.
Việc phát hiện và nhận biết các di chỉ cổ của người dân còn hạn chế cũng như ý thức trong vấn đề bảo tồn và gìn giữ các giá trị lịch sử vô hình chung là nguyên nhân dẫn tới sự mai một và mất mát các di chỉ “sống”. Mặc dù hiện nay, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp để giữ gìn, khôi phục những di chỉ lịch sử này. Tuy nhiên, cần phải có sự chung tay đồng lòng của người dân, bởi đối với lịch sử, cái gì thuộc về văn hóa truyền thống, nét đẹp tâm linh, một khi đã tổn thất thì khó lòng khôi phục lại.
.