(Congannghean.vn)-Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 2014 đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người xem, hơn hết đã chứng tỏ tình yêu của người dân xứ Nghệ với những câu hát dân ca không bao giờ phai nhạt. Tuy nhiên, liên hoan cũng để lại nhều tiếng cười buồn, những trăn trở về công tác bảo tồn và gìn giữ di sản này.
Qua 115 tiết mục tham gia liên hoan đến từ 34 CLB, người xem được chứng kiến bức tranh quê với nhiều gam màu văn hóa riêng. Đó là nghề làm mộc ở tiết mục “Trai làng mộc” của CLB Bồi Sơn (Đô Lương); làng nghề làm tương ở tiết mục “Tương Nam Đàn” của CLB Khánh Sơn (Nam Đàn); là tinh thần chung tay xây dựng nông thôn mới ở các CLB huyện Yên Thành, Thanh Chương; là tấm lòng hướng về biển đảo…
Từ đặc điểm, bản sắc địa phương mình, các CLB tham gia liên hoan đã biết đưa vào từng câu hát ví, giặm đang được lưu giữ dưới nhiều hình thức. Hầu hết các CLB đã đáp ứng quy định phải có ít nhất 50% tiết mục nguyên gốc của Ban tổ chức. Nhiều CLB chú trọng yếu tố nguyên gốc ở môi trường, không gian và hình thức diễn xướng, kể cả trang phục, đạo cụ, cảnh trí thông qua các thể hát chính như ví, giặm, xẩm. Thông qua các tiết mục cho thấy, các nghệ nhân, diễn viên thể hiện chính xác và tốt những làn điệu dân ca. Trong đó, các nghệ nhân trẻ đã biết nắm bắt, thể hiện tốt kỹ năng, cách thức hát dân ca ví, giặm. Liên hoan năm nay không còn thấy sự lẫn lộn hay đồng nhất trong cách hát các điệu ví khác nhau, chẳng hạn như ví trèo non thì hát rõ ra chất trèo non, còn ví đò đưa thì đúng chất mênh mang sông nước…
Nhiều nghệ nhân, diễn viên đã để lại dấu ấn đặc biệt khi thể hiện sự tập luyện công phu, miệt mài trong kỹ thuật nhả chữ, ngân nhịp, đồng thời sáng tạo thể hiện âm ngữ địa phương. Từng điệu hò, câu giặm, lời ví đều được trình diễn linh hoạt, thông minh, hóm hỉnh làm nổi bật sự mộc mạc, dân dã mà không kém phần tinh tế, uyên thâm của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Và điều ấn tượng nhất đó là đồng loạt khán giả xem liên hoan đều đứng lên vỗ tay khi nghe em Bình Dương (9 tuổi), CLB Phú Thành, Yên Thành hát bài “Phụ tử tình thâm”; tiết mục xẩm “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” của em Kim Ngân (7 tuổi), CLB phường Vinh Tân, TP Vinh hay cô bé Hoàng Anh ở CLB Diễn Hoa, Diễn Châu với tiết mục “Tiếng hát đồng quê” đánh đàn bầu… Có thể nói, liên hoan đã thành công bởi sự ghi nhận của đông đảo khán giả, hầu hết đêm diễn nào khán đài cũng chật cứng bà con nhân dân tới xem.
Tuy nhiên, liên hoan vẫn còn đó nhiều trăn trở, những cụm vắng bóng người xem vào buổi ngày như tại cụm 3 tổ chức ở huyện Hưng Nguyên. Bà Phạm Thị Thu, người dân ở phường Trung Đô, TP Vinh cho biết: “Tôi cũng thích xem dân ca ví, giặm nhưng chỉ đi xem được khai mạc vào buổi tối thôi, buổi ngày còn phải chợ búa nữa”. Bên cạnh đó, vì hầu hết những tiết mục của các CLB tham gia đều được tiến hành theo hình thức diễn xướng một bên nam, một bên nữ, chưa có sự sáng tạo, thay đổi cách thể hiện nên dễ tạo cho khán giả sự trùng lặp, xem nhiều có cảm giác nặng nề và mệt mỏi. Dù đã tổ chức năm thứ 3 nhưng liên hoan lần này vẫn chưa xuất hiện các tác giả mới (đây là điều đáng lo nhất), nhiều tiết mục tham gia quá lạm dụng thổ ngữ địa phương hay nói lái, đố tục giảng thanh quá nhiều gây khó hiểu cho khán giả và làm giảm tính nghiêm túc, hóm hỉnh, tinh tế của dân ca ví, giặm. Và điều cần chú ý nhất khi các CLB đưa dân ca ví, giặm lên sân khấu hóa.
Nhiều CLB tham dự liên hoan do không hiểu hay vì quá đầu tư về trang phục, đã biến những tiết mục dàn dựng diễn xướng trở thành hội diễn văn nghệ quần chúng với trang phục lượt là, kim sa kim tuyến quá nhiều, thậm chí có tiết mục của người dân hát dân ca mà lại đi giày… đã làm mất đi tính mộc mạc, đằm thắm của dân ca ví, giặm và con người xứ Nghệ. Đây là tiếng cười buồn khi nhìn thẳng vào thực trạng người dân chưa am hiểu rõ về di sản văn hóa phi vật thể này. Phải chăng vì phong trào chưa được liên tục, thường xuyên, chưa có sự hướng dẫn chỉ đạo sát sao từ phía Ban tổ chức, những người làm công tác chuyên môn về gìn giữ và phát triển dân ca ví, giặm chưa hết mình làm tròn trách nhiệm?
.