Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, cần có định hướng hoàn thiện hệ thống giáo dục cho phù hợp, theo hướng mở, linh hoạt, liên thông; làm cơ sở triển khai các nội dung đổi mới khác đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và xây dựng xã hội học tập.
Chỉ đạo về vấn đề hoàn thiện Hệ thống giáo dục quốc dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giữ ổn định như hiện nay gồm mầm non, tiểu học 5 năm, trung học cơ sở 4 năm và trung học phổ thông 3 năm; giáo dục phổ cập là 9 năm. Từ sau trung học cơ sở, phân luồng trung học phổ thông và định hướng nghề nghiệp.
Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo 3 cấp trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, thống nhất về tên gọi, tiêu chí đầu vào, đầu ra, chương trình đào tạo.
Ảnh minh họa |
Bảo đảm liên thông dọc giữa các bậc của giáo dục nghề nghiệp gồm sơ cấp, trung cấp, cao đẳng với các bậc của giáo dục đại học gồm đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; bảo đảm liên thông ngang trong cùng một bậc học.
Đồng thời tổ chức lại các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cấp huyện thành một trung tâm thống nhất đảm nhận các chức năng giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, dạy nghề trên địa bàn. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Giáo dục đại học được xây dựng theo 2 hướng là định hướng nghiên cứu và định hướng nghề nghiệp, ứng dụng thực hành; đào tạo sau đại học gồm thạc sĩ, tiến sĩ áp dụng cho cả 2 hướng.
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hướng tách chương trình với sách giáo khoa, thực hiện chủ trương 1 chương trình, nhiều sách giáo khoa.
Về biên soạn sách giáo khoa mới, có 2 phương án. Phương án 1 - Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa. Phương án 2 - Các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định, cho phép sử dụng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong mỗi phương án cần làm rõ những ưu điểm, hạn chế, bất cập của từng phương án.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn chỉnh Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, báo cáo Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9/12/2000 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Tiếp tục đổi mới các kỳ thi theo hướng tổ chức 1 kỳ thi quốc gia
Về phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi mới các kỳ thi theo hướng tổ chức một kỳ thi quốc gia, đáp ứng hai yêu cầu sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời làm cơ sở tin cậy để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong quá trình thực hiện việc tự chủ tuyển sinh của trường theo quy định của Luật Giáo dục đại học.
Về phương án đổi mới thi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố công khai ngay trong đầu năm học 2014-2015 phương án đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu, phân tích, tiếp thu ý kiến nhân dân, dư luận xã hội góp ý về 3 phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến và các phương án khác trong đó lưu ý phương án của Đại học Quốc gia Hà Nội để lựa chọn một phương án phù hợp.
Phương án được lựa chọn chính thức phải bảo đảm việc đánh giá có tính khách quan nhất, đáp ứng hai mục tiêu trên; tạo điều kiện thuận lợi, giảm tối đa việc gây phiền hà cho người học và nhân dân, được xã hội đồng thuận cao.
.