Văn hóa - Giáo dục

Hoang mang xin học trái tuyến cho con

14:24, 03/07/2014 (GMT+7)

Mùng 1/7 là ngày các bậc phụ huynh có con học lớp 1 đi làm thủ tục đăng ký cho con nhập học. Tuy nói là sắp bắt đầu nhưng với nhiều bậc phụ huynh, cuộc chạy đua cho con vào những trường trái tuyến đã diễn ra từ cách đây 3,4 tháng. Riêng với gia đình chị Nguyễn Thị K thì vẫn đang trong tình trạng hoang mang không biết làm thế nào cho con vào lớp 1.

Chật vật xin học

Chị Nguyễn Thị K làm viên chức của một cơ quan nhà nước. Vì trước đây, hai vợ chồng ở với bố mẹ tận Sa La Hà Đông (quá xa so với chỗ làm) nên nhà chị đã thuê nhà ở Quận Hoàn Kiếm gần 1 năm nay để tiện đi làm.

Tháng 9 tới, con chị sẽ bước vào lớp 1 - quãng thời gian quan trọng đầu đời khiến hai vợ chồng chị không khỏi có những lo lắng, bồn chồn.

Chị hỏi thăm kinh nghiệm của các bố mẹ đã từng lo chạy trường trái tuyến cho con đi học thì mỗi người chỉ một cách. Người thì chỉ cho chị gặp các cô giáo lớp 1 trong trường vì cô nào cũng có một xuất ngoại giao. Người thì mách chị cứ mạnh dạn gặp ngay hiệu trưởng để chắc chắn, đỡ qua nhiều cầu. Mọi người dục chị phải xin cho con từ khoảng tháng 4, tháng 5 mới kịp. Theo những cách này, chị sẽ mất khoảng 10 hoặc 15 triệu

Phân vân mãi không biết kết nối với ai, mãi tới cuối tháng 5, có người giới thiệu chị tới gặp một cô giáo trong trường. Nhưng lúc này, cô giáo không thể nhận lời vì chị đã tới quá muộn, cô cũng không còn suất.

Sau đó, chị được giới thiệu và tới gặp cô hiệu trưởng thì cô cũng bó tay vì chỉ tiêu tuyển vào của trường đã hết, các cháu trái tuyến đông quá mức nên không thể tiếp nhận thêm nữa. Chị cũng biết bảng thông báo dán ngoài cổng trường, cả khối 1 chỉ được tuyển 6 lớp với tổng số 282 học sinh. Chị đang vô cùng hoang mang chưa biết ra sao.

Hoang mang xin học trái tuyến cho con!

Thông báo chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 dán ngoài cổng trường khiến cho các bậc phụ huynh như chị Nguyễn Thị K lo lắng.

Trường hợp thứ 2 là gia đình chị Hoàng Thị C. Gia đình chị C có hộ khẩu tại khu SaLa, Hà Đông. Cách đây 2 năm, gia đình chị chuyển tới quận Ba Đình để tiện mở cửa hàng bán bánh cuốn và đồng thời thuê trọ tại đây. Tháng 9 tới, cháu Huy con chị đến tuổi nhập học lớp 1.

Chị cũng tìm hiểu thì được biết, các cháu nếu không có hộ khẩu tại địa bàn muốn xin học thì phải có giấy xác nhận đã thường trú tại địa bàn 3 năm trở lên. Đằng này, nhà chị mới thường trú tại phường được 2 năm.

Mọi người mách chị cách xin cho con. Trước đây, họ cũng tương tự như hoàn cảnh nhà chị. Nhưng chị phải chịu mất 10 hay 15 triệu thì mới được việc.Theo sự chỉ dẫn , trước tiên chị phải lo với bên phường để có được giấy xác nhận tạm trú tại khu đang ở 3 năm. Sau đó đưa lại cho người nhận xin giúp cho con đi học.

Nghĩ tới số tiền mà chị ngao ngán. Nhưng không lẽ, nếu không cố xin được cho con thì nhà chị lại khăn gói về quê hay sao? Về quê thì khó kiếm sống. Gửi con ở quê với ông bà để 2 vợ chồng tiếp tục làm ở đây thì chị sao đành. Con cái không thể xa bố mẹ nhất là con chị mới 6 tuổi đầu, phải kèm cặp, dạy giỗ con ngay từ khi nó bước vào tuổi đi học. Với chị, học vẫn là cách tốt nhất để thoát khổ. Chị không muốn con mình khổ như mình.

Hoang mang xin học trái tuyến cho con!

Làm thế nào để con chị Nguyễn Thị K có được niềm vui hân hoan tựu trường như các bạn đồng lứa? Ảnh: minh họa

Phút chót vẫn hoang mang

Những người mẹ như chị Nguyễn Thị K hay chị Hoàng Thu C cảm thấy tủi thân cho con mình vô cùng. Chỉ vì không có hộ khẩu nên mẫu giáo đã phải đi học trường tư. suốt ngày bị nhốt trong những ngôi nhà chật hẹp, ánh sáng còn là sự xa xỉ nói gì tới một khoảng sân chơi. Nay bước vào lớp 1 cũng vẫn bơ vơ chưa biết ra sao? Quyền được đi học của con chị nghe chừng sao khó khăn quá đỗi.

Trường học cho các con quá ít, chỉ tiêu lớp học hạn hẹp. Chẳng hiểu những tòa nhà ngút trời mọc lên nhiều để làm gì mà sao ước mơ có đủ lớp học cho các con lại thiếu hụt đến vậy. Ở quê của chị K, Lớp học cũng thiếu, thiếu cả giáo viên mà trong khi đó, xóm chị nhiều em học ĐH Sư Phạm ra vẫn thất nghiệp chỉ vì chỉ tiêu tuyển quá ít. Chị dị ứng với hai chữ “chỉ tiêu”. Vì hai chữ đó mà con chị đang không biết xin vào đâu để đi học lớp 1.

Mẫu giáo không có trường công thì học trường tư. Lớp 1 thì bói đâu ra trường tư. Trường Quốc tế, học phí hàng chục triệu /tháng thì con những nhà viên chức hay dân lao động như chị K, chị C chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Không có lẽ cả nhà lại khăn gói về quê?

Nguồn: SKĐS

Các tin khác