Văn hóa - Giáo dục

Chuyện về một làng rối nước 'hút' khách quốc tế

14:16, 02/07/2014 (GMT+7)
Múa rối nước là sản phẩm nghệ thuật độc đáo của người dân vùng châu thổ sông Hồng. Những năm gần đây, một số phường rối đã bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua các sản phẩm du lịch góp phần đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với du khách gần xa. Trong đó, phường nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong (xã Hồng Phong, Ninh Giang, Hải Dương) là một điển hình...
 
Lưu giữ hồn quê qua các tích trò
 
Trong một ngày mưa trung tuần tháng 6, vượt gần 100km từ Hà Nội, chúng tôi về đến làng Bồ Dương (hay còn gọi là làng Bò) xem rối nước Hồng Phong nổi tiếng thu hút du khách với các tích trò cổ độc đáo, hấp dẫn được biểu diễn bởi những nghệ sĩ nông dân. Đến nơi, chúng tôi không khỏi bất ngờ với nhiều khán giả cả du khách Việt và nước ngoài đang chăm chú dõi theo từng tích trò, với những con rối tinh xảo, khéo léo tái hiện một phần nào cuộc sống của người dân vùng đồng quê, chiêm trũng ở sân khấu Thủy đình của phường rối Hồng Phong. Bởi với du khách, trời mưa thì hầu hết các hoạt động ngoài trời đều tạm dừng nhưng ở đây, thời tiết hầu như không ảnh hưởng đến sự khám phá, thưởng thức nghệ thuật sau mỗi tích trò được biểu diễn.
 
Từng ánh mắt dõi theo hình ảnh chú Tễu, một nhân vật rối nước cất giọng giới thiệu “Phường của chúng tôi có đủ mọi trò, từ Kim quy đốt lá súy, Đấu ngựa cửa sóc, Cắm cờ hội, Tiên mời trầu, Đấu vật, Múa rắn, Múa cá, Chọi trâu, Câu ếch, Cáo bắt vịt, Vinh quy bái tổ đến những trò đương đại như Đền ơn đáp nghĩa, Bảo vệ an ninh, Chống mất cắp cổ vật, Tiếng  trống phủ Hạ Hồng…” đến đây xem trò gì cũng có bà con ơi! Hướng theo lời giới thiệu đó, là những ánh mắt thích thú dõi theo từng tích trò diễn ra ở nhà Thủy đình.
 
Ông Nguyễn Thành Vạn - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ninh Giang cho biết, theo các tích còn để lại trên các bức khắc ở đình Bồ Dương múa rối nước truyền thống Hồng Phong có từ trước thế kỷ 17. Rối nước Hồng Phong gặp nhiều bước thăng trầm, đến đầu năm 1990, nhờ nhiệt tâm của các dòng họ Nguyễn, Phạm, Ngô, Bùi, Đặng và quyết tâm của chính quyền xã, phường Rối mới dần dần được phục hồi. Nhiều thế hệ nghệ nhân đã tham gia khôi phục duy trì phường rối Hồng Phong.
 
Tiết mục
Tiết mục "Vinh quy bái tổ" của Phường nghệ thuật Múa rối nước Hồng Phong
 
Sự hấp dẫn du khách của rối nước Hồng Phong là các tích trò cổ với lối biểu diễn rất đặc sắc, không nơi nào có được đó là các nghệ nhân trong phường điều khiển rối nước bằng dây chứ không phải bằng sào như nhiều phường rối khác. Bên cạnh đó, phần hồn của rối nước là âm nhạc với những nhạc cụ truyền thống như đàn nhị, sáo, đàn nguyệt, trống... kết hợp với những làn điệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ qua giọng ca ngọt ngào, mộc mạc và đằm thắm của những người dân lao động nơi đây đã thổi vào những con rối tưởng như vô tri, vô giác trở nên có hồn, có tâm tư, tình cảm như chính những người dân lao động vậy, đúng là “Rối mà thật, thật mà rối”.
 
Mỗi năm đón 5.000 lượt khách quốc tế
 
Ông Phạm Văn Tòng - Trưởng phường rối nước Hồng Phong cho biết, phường rối bắt đầu đón khách du lịch từ năm 2004, đến nay mỗi ngày phường rối đều có từ 1 đến 2 buổi biểu diễn phục vụ du khách. Trong năm 2013, đã biểu diễn trên 300 suất diễn và đón gần 200 đoàn khách quốc tế. Trung bình mỗi năm phường đón khoảng 5.000 lượt khách, trong đó chủ yếu là khách quốc tế đến từ các nước: Pháp, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Ông Bertran Porter, du khách Pháp cho biết: “Nghệ thuật truyền thống rối nước ở đây rất phong phú và hấp dẫn, không gian biểu diễn gần gũi. Đến đây, không chỉ được xem văn hóa của các bạn mà còn được khám phá cuộc sống thực tế của người dân nơi đây. Tôi còn được ra đồng cắt lúa, một trải nghiệm thật tuyệt vời”.
 
Du khách đến với Bồ Dương ngày một đông, nhưng nếu chỉ có đến xem múa rối không thì rõ ràng nguồn thu không lớn, khó “níu” chân được du khách và kích thích khả năng chi tiêu. Đây cũng là trăn trở của các công ty lữ hành và chính quyền địa phương trong việc phát triển tiềm năng văn hóa thành sản phẩm du lịch đem lại thu nhập ổn định cho người dân trong vùng. Ông Trần Khoa Văn, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Đông Nam Á cho biết, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đậm chất thuần nông ở vùng quê đồng bằng Bắc Bộ là điều mà du khách nước ngoài quan tâm, bởi bên cạnh xem trình diễn họ còn muốn trải nghiệm, giao lưu, tìm hiểu cuộc sống thường nhật của người dân. Vì vậy, giữ được bản chất thuần nông và không gian văn hóa làng quê sẽ là yếu tố hấp dẫn du khách không chỉ đối với khách nước ngoài mà cả khách nội địa muốn tìm về làng quê để tìm lại một trò chơi dân gian, một góc bếp, hay mùi khói lam chiều…
 
 Hiện nay, phường rối đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động và gần 50 lao động làm dịch vụ đi theo với mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/ tháng. Tiềm năng du lịch từ rối nước đã nhìn thấy, tuy nhiên để phát huy giá trị làng nghề truyền thống để thu hút khách đến lưu trú với Hải Dương nói chung và rối nước Hồng Phong nói riêng thì ngành Du lịch Hải Dương cần phải có nhiều sản phẩm du lịch liên kết tạo thành chuỗi sản phẩm phong phú, tạo điểm nhấn ở mỗi điểm đến… từ đó, giữ chân du khách bằng sự luu trú dài ngày, tăng khả năng chi tiêu, thu hút ngoại tệ cho địa phương.
 
Ông Khổng Quốc Tuân - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Hải Dương: Hiện đã có trên 20 doanh nghiệp lữ hành ký kết hợp đồng phối hợp với địa phương xây dựng tour và biểu diễn múa rối nước Hồng Phong. Đây là điểm nằm trên liên tuyến tham quan đảo Cò (Thanh Miện), đền thờ họ Khúc, đền Tranh (Ninh Giang). Trong đó, Hải Dương nằm trên trục tour Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh; Ninh Bình - Hải Dương - Hải Phòng hoặc Hà Nội - đền Tranh - làng Bồ Dương - đền Khúc Thừa Dụ - đảo Cò. Những tuyến điểm này khi đường 5 mới hoàn thành sẽ là điểm đến thăm quan hấp dẫn du khách.

 

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác