Văn hóa - Giáo dục

Xung quanh bộ phim dán mác 18+ đầu tiên của Việt Nam:

Phản cảm nhưng không dễ xử lý

14:56, 25/06/2014 (GMT+7)
Hơn một tuần nay, các trang mạng, dư luận xã hội xôn xao bàn tán về bộ phim sitcom (phim hài hước) gắn mác 18+ (dành cho đối tượng người xem trên 18 tuổi) có tên “Căn hộ số 69”. Bộ phim dự kiến dài 25 tập, được một nhóm các bạn trẻ tự sản xuất và cho đăng tải trên Youtube. Chỉ trong một thời gian ngắn, bộ phim đã thu hút được hơn 2 triệu lượt xem. Điều đáng nói, đây là một bộ phim đầu tiên tại Việt Nam được sản xuất, gắn mác 18+ và công khai đăng tải trên Youtube. Vậy, với những hành vi được cho là phản cảm và dung tục, bộ phim sẽ đi về đâu?
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên, đạo diễn bộ phim “Căn hộ số 69” - Bảo Nhân giải thích: “Vấn đề mà Căn hộ số 69 đề cập tới là chuyện rất bình thường. Nội dung phim gần gũi với giới trẻ nên tạo ra được sự đồng cảm lớn đối với họ. Phim là một làn gió mới khi nó chạm tới những vấn đề thực sự mà giới trẻ đang đối diện hàng ngày chứ không phải họ xem phim vì tò mò hay vì cái mác 18+. Tôi vẫn thường xuyên ra rạp xem phim và thấy ở đó còn có nhiều những cảnh nóng và táo bạo hơn nhiều, nếu so với những gì phản ánh trong Căn hộ số 69”.
 
Tuy nhiên, đa số người xem lại không đồng tình với suy nghĩ và sự diễn giải của vị đạo diễn này. Phải khẳng định rằng, “Căn hộ số 69” là một bộ phim đề cập tới những vấn đề về tình yêu, tình dục và sinh lý của một số người trẻ tuổi sống ở môi trường thành thị. Ngay từ những cảnh quay đầu, khán giả đã chứng kiến cảnh một cô gái trẻ, ăn mặc gợi cảm lếch thếch kéo vali đồ đạc trên đường phố để đến xin thuê ở chung căn hộ với một chàng trai không quen biết. Ở những hành động và lời đối thoại ban đầu, người xem không thấy được sự ứng xử được gọi là có văn hóa của cả hai nhân vật trên khi cô gái trẻ đó sau khi bằng cách quì gối lậy van đã được bước vào nhà rồi nằm hớ hênh trên ghế, cởi và ném chiếc áo ngực trúng đầu chàng trai. Tiếp sau là một cô gái khác cũng đến xin được ở cùng chàng trai này, cô ta không ngần ngại làm những trò phản cảm, khiêu dâm,... trong khi chàng trai cũng thể hiện vấn đề sinh lý của mình một cách thô tục...
 
Chỉ một vài chi tiết như trên, hẳn mỗi người xem cũng đều đưa ra được những quan điểm của riêng mình. Sex là một trong 3 bản năng của con người, vấn đề ở đây chính là thể hiện nó theo cách nào, theo mức độ nào cho phù hợp với thuần phong mĩ tục, với truyền thống đạo đức của dân tộc ta, đặc biệt là trên màn ảnh khi đối tượng xem là đông đảo, ở nhiều độ tuổi, lứa tuổi, trong đó có độ tuổi là các cháu, các em học sinh mới lớn.
 
Một trong những cảnh quay phản cảm trong tập 1 bộ phim “Căn hộ số 69” - Ảnh cắt từ phim
Một trong những cảnh quay phản cảm trong tập 1 bộ phim “Căn hộ số 69” - Ảnh cắt từ phim
 
Bộ phim “Căn hộ số 69” được làm với sự tự phát của một nhóm bạn trẻ thích làm phim. Phong trào làm phim ngắn ở nước ta đã có từ lâu và phát triển ở một mức độ nào đó và thu hút được một lượng người xem nhất định như: “Tớ thích cậu, thật đấy”, “Hà Nội, em yêu anh”,... Tuy nhiên, những bộ phim này tuy chưa được đánh giá cao về chất lượng kịch bản, tính hấp dẫn, tính nghệ thuật,... nhưng nó được khán giả ghi nhận ở thái độ nghiêm túc và những nỗ lực trong cả quá trình làm phim.
 
Thế nên, tuy mấy năm trở lại đây, đã có hàng chục bộ phim được các nhóm bạn trẻ tự sản xuất rồi cho lên mạng nhưng gần như chưa gây ra một điều tiếng gì. Vậy mà ngay khi bộ phim “Căn hộ số 69” được cho lên trang Youtube và nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ đông đảo người xem cũng như dư luận thì mới đây, Cục Điện ảnh đã chính thức có động thái đầu tiên khi ra văn bản yêu cầu Thanh tra Bộ VH, TT&DL vào cuộc để có hướng giải quyết.
 
Tuy nhiên, chúng ta cần phải biết rằng, đối với các trang mạng xã hội, trong đó có trang Youtube tại Việt Nam sẽ không kiểm duyệt nội dung một bộ phim hay một clip trước khi đăng tải. Chỉ khi phim đó có nội dung xấu, hay vi phạm bản quyền mới bị gỡ bỏ. Thêm vào đó, từ trước đến nay, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch không có chức năng giám sát, quản lý các nội dung đăng tải trên internet, và bởi thế cũng không thể quản lý được những sản phẩm văn hóa được đăng tải trên Youtube như trường hợp Căn hộ số 69 vừa qua.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Duy Anh, Cục phó Cục Điện ảnh, cho biết thêm, các tổ chức, cá nhân muốn sản xuất phim phải thông qua hãng phim có tư cách pháp nhân, nghĩa là có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim do Cục Điện ảnh cấp. Ngoài ra, phim muốn phổ biến (trong đó có mạng Internet) phải được Hội đồng thẩm định phim xét duyệt và tư vấn để Cục Điện ảnh cấp giấy phép phổ biến phim.
 
Như vậy, để xử lý những trường hợp như bộ phim “Căn hộ số 69”, lâu nay đã trở thành vấn đề không hề dễ dàng. Nhưng cũng không thể vì khó, vì chưa đủ các chế tài phù hợp mà để cho những “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến thuần phong mĩ tục của những đối tượng tiếp nhận các sản phẩm văn hóa có nguồn gốc từ các trang mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, những người chưa trưởng thành.
 

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác