Văn hóa - Giáo dục
Hội thảo 'Báo chí với quyền trẻ em - Đạo đức và kỹ năng'
09:30, 24/06/2014 (GMT+7)
Ngày 23/6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Báo chí với quyền trẻ em - Đạo đức và kỹ năng”.
Quyền trẻ em là một trong những nội dung nhân quyền được Đảng và Nhà nước, các tổ chức xã hội ở Việt Nam đặc biệt quan tâm và thực thi trong cuộc sống. Trong thông tin về trẻ em và thực hiện quyền trẻ em, báo chí có vai trò đi đầu và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong xã hội. Việc tổ chức hội thảo nhằm góp phần giới thiệu tiếng nói của các nhà báo và các cơ quan báo chí tham gia các hoạt động và trao đổi về hoạt động bảo vệ quyền trẻ em; đồng thời giúp cho các các nhà quản lý cơ quan báo chí và các nhà báo hiểu hơn về quyền trẻ em cũng như nâng cao đạo đức và kỹ năng tác nghiệp.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về: Quyền trẻ em, những vấn đề liên quan và chính sách Nhà nước về quyền trẻ em; Vai trò của báo chí - truyền thông trong việc thông tin về quyền trẻ em, về thực hiện quyền trẻ em; Đạo đức của nhà báo trong việc thông tin về quyền trẻ em, về thực hiện quyền trẻ em; Nội dung, phương pháp và kỹ năng nghề nghiệp của nhà báo viết về quyền trẻ em trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay; Những cái được và chưa được khi nhà báo viết bài, phản ánh các vi phạm, xâm hại trẻ em; Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng viết báo về trẻ em…
Ảnh minh họa |
Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, thực tiễn thời gian qua, một số cơ quan báo chí đã làm tốt vấn đề thông tin về trẻ em, về quyền trẻ em, song còn một số nhà báo khi đưa tin về vấn đề trẻ em đã gây không ít bức xúc trong dư luận.
Theo các đại biểu, trẻ em là nhóm công chúng đặc biệt của báo chí. Các nhà báo viết về trẻ em, viết cho trẻ em những nhà báo phải đứng trên cơ sở tiếp cận quyền trẻ em tôn trọng nguyên tắc đạo đức nhà báo luôn đặt lợi ích tốt nhất cho trẻ em trên hết. Phải hiểu tâm lý, tình cảm, cách nhìn, cách suy nghĩ của trẻ, biết lắng nghe các em nói và tôn trọng trẻ em để các có quyền được tham gia các em cảm thấy ý kiến của mình là quan trọng và khuyết khích trẻ thực sự tham gia vào những vấn đề liên quan đến trẻ em. Phải thực hiện yêu cầu của người làm báo, cần có góc nhìn, cách tiếp cận hết sức tinh tế, vì trẻ em là những mầm non, là tờ giấy trắng dễ bị tổn thương, nên khi viết về những vụ vi phạm quyền trẻ em phải viết dựa trên ý thức bảo vệ, trách nhiệm; nếu như tiếp cận một vụ trẻ em bị xâm hai nếu chúng ta không cẩn thận thì vô tình qua báo chí các em lại bị xâm hại lần hai, vô tình các em lại bị tổn thương một lần nữa, sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại và tương lai cả đời người của các em.
Nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của báo chí trong việc thông tin về trẻ em và quyền trẻ em ở Việt Nam, nhân dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã ký kết Kế hoạch phối hợp công tác năm 2014-2015 đồng thời mở Diễn đàn trao đổi nghiệp vụ về “Báo chí với quyền trẻ em - Đạo đức và kỹ năng” trên hai trang thông tin điện tử của hai Hội từ nay đến hết năm 2014 tại địa chỉ: www.treemviet.vn và www.vja.org.vn.
Nguồn: dangcongsan.vn