Văn hóa - Giáo dục
Giá trị thấp như giấy khen học trò
Dễ như được giấy khen học sinh giỏi
Giấy khen học sinh cuối năm chính là hình thức trao tặng, tuyên dương kết quả học tập của học sinh trong cả năm học. Đồng thời, giấy khen mang ý nghĩa động viên, khích lệ tinh thần, ghi nhận những nỗ lực và phấn đấu học tập của học sinh. Mọi người nhìn giấy khen cuối năm mà đánh giá con trẻ, bố mẹ cầm giấy khen của con mà hãnh diện, tự hào.
Trải qua nhiều năm, cùng với những cải cách, đổi mới trong giáo dục, giấy khen vẫn luôn là hình thức trao tặng ghi nhận kết quả học tập của học sinh khi năm học kết thúc. Tuy nhiên, qua thời gian, giấy khen học sinh cuối năm đang dần mất đi giá trị thực sự.
Tham dự buổi họp phụ huynh cuối năm, nhiều cha mẹ giật mình trước kết quả học tập của các con. Chị Thu Hà cho biết: “Con tôi học lớp 1, năm nay cháu được học sinh giỏi. Lúc đầu thì hãnh diện lắm nhưng khi đi họp phụ huynh mới biết lớp có 45 cháu thì 44 học sinh giỏi, 1 học sinh khá”.
Giấy khen là hình thức tuyên dương, ghi nhận sự nỗ lực và phấn đấu của học sinh trong suốt năm học - Ảnh minh họa |
Nếu trước đây, học sinh giỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay thì bây giờ ngược lại, người ta không đếm số học sinh giỏi nữa mà số học sinh khá trong lớp lại được quan tâm hơn bởi số lượng rất ít. Khi mà lớp lớp học sinh giỏi, nhà nhà học sinh giỏi thì việc đạt học sinh tiên tiến mới trở thành điều bất thường. “Học sinh trung bình và kém bây giờ trở thành của hiếm, chứ học sinh giỏi là chuyện bình thường” - anh Sỹ Mạnh, một phụ huynh chia sẻ.
Giấy khen không phản ánh đúng năng lực học tập
Con đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc là niềm tự hào của cha mẹ, nhưng nhiều phụ huynh vẫn không khỏi băn khoăn, bởi kết quả này chưa phản ánh đúng thực lực của con em mình. Chị Hà, một phụ huynh cho biết thêm: “Cháu được học sinh giỏi thật đấy, nhưng mình dạy con học ở nhà nên hiểu rõ khả năng của con đến đâu. Mình vẫn bảo con là sức học chỉ ở mức khá thôi để con không chủ quan, lơ là việc học”.
Đã qua rồi cái thời giấy khen được lồng khung kính treo trên tường, qua rồi những căn phòng khách ngập tràn giấy khen của con trẻ qua các năm học, qua rồi những niềm hạnh phúc khi con là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến mà thấp thoáng trong đó là nỗi lo âu, trăn trở. Khi giấy khen không phản ánh đúng khả năng nhận thức, học tập của con trẻ, khi những tờ giấy khen đã được cân nhắc, khi nó là chỉ tiêu, khi nhiều giáo viên không dám cho học trò điểm thấp, khi học sinh không đủ khả năng lên lớp nhưng thầy cô không thể cho ở lại lớp... và khi đó là kết quả của căn bệnh thành tích trong giáo dục.
Cộng với đó là quy định mới về cách đánh giá học sinh chỉ dựa vào kết quả của kỳ thi cuối kỳ. Những kết quả kiểm tra, đánh giá hàng ngày trên lớp không còn ý nghĩa, những đề cương ôn tập được phát sẵn, học sinh chỉ cần làm theo dạng đề cho trước là có thể làm tốt bài kiểm tra cuối kỳ, rồi tham gia đầy đủ các hoạt động trong năm học, không vi phạm nội quy là các em sẽ được học sinh giỏi. Giống như câu chuyện về cá chép vượt vũ môn hóa rồng, khi bức tường vũ môn quá cao, cá chép không thể nhảy qua được nên đã yêu cầu Long Vương hạ thấp vũ môn xuống. Thế là tất cả cá chép đều hóa rồng. Nhưng cũng lúc đó, bầy cá chép mới nhận ra rằng cá chép hóa rồng cũng chẳng khác so với lúc chưa là rồng. Đó chỉ là tên gọi mà thôi. Khi điều gì đạt được dễ dàng thì người ta cũng không còn trân trọng kết quả nữa.
Cũng như vậy, những tờ giấy khen học sinh giỏi khi không còn sự chính xác, chân thật, khi được trao một cách dễ dàng thì cũng dần mất đi sự trân trọng, giá trị thực sự của tên gọi ban đầu.
Theo GDVN