Văn hóa - Giáo dục
Đáng lo ngại: Học sinh mắc bệnh tâm thần gia tăng
Thấy số 4 là bỏ chạy
Theo bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Phó trưởng khoa Tâm lý tâm thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM), những năm trước, thường đến thời gian thi cử thì lượng trẻ đến khám và điều trị tăng lên nhưng kể từ đầu năm 2014 đến nay, phòng khám này luôn trong tình trạng đông đúc, trung bình mỗi tuần tiếp nhận từ 600 - 700 ca.
Với tốc độ tăng như vừa nêu, theo bác sĩ Minh, trong khoảng 5 năm nữa, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM sẽ quá tải bệnh nhân trẻ.
Cũng theo bác sĩ Minh, trẻ đến đây có rất nhiều biểu hiện bệnh lý tâm thần khác nhau, có em bị rối loạn chứng lo âu, có em bị trầm cảm… Đáng nói, trong đó có nhiều học sinh (HS) giỏi, học trường chuyên.
Điển hình là trường hợp của N.V.M. Là HS lớp 10 tại TP.HCM, M. đã đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố. Trong quá trình ôn tập để giành một suất vào đội tuyển HS giỏi của TP chuẩn bị kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia thì M. rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần.
“Khi thăm khám, chúng tôi phát hiện em mắc chứng rối loạn lo âu. Em thường run tay chân, đổ mồ hôi liên tục. Những lúc thấy sách vở là em sợ hãi, hoảng loạn”, bác sĩ Minh nói.
Hay như trường hợp nam sinh một trường chuyên tại TP.HCM vì không hài lòng trong quyết định chọn nguyện vọng của mình mà dẫn đến tình trạng rối loạn hành vi.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nam sinh này là một HS giỏi, từng dự định chọn nguyện vọng vào một trường chuyên khác với trường chuyên em đang theo học. Nhưng sau đó, gia đình khuyên em nên chọn nguyện vọng vào trường em đang học.
Sau khi thi, em cảm thấy tiếc vì điểm số của em đủ đậu vào trường chuyên em thích. Không hài lòng với nguyện vọng trúng tuyển, em dần bực bội, thay đổi tính cách, dẫn đến rối loạn hành vi trong học tập và sinh hoạt.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề HS giỏi bị rối loạn tâm thần, bác sĩ Minh cho biết, ông từng khám và điều trị cho một học sinh THPT luôn bị ám ảnh và sợ… số 4.
“Trong rất nhiều cuộc thi, em chỉ toàn đạt hạng tư. Và cũng từ đó, em càng áp lực mình phải đạt thành tích tốt hơn, nhưng sau nhiều lần như vậy, cuối cùng em vẫn chỉ hạng tư. Từ đó em sợ số 4. Mỗi lần nhìn thấy số 4 là em bỏ chạy”, bác sĩ Minh nói.
Sợ đến mức tiểu luôn trong quần
Ghi nhận của chúng tôi tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho thấy, có rất nhiều HS hiện nay rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu, căng thẳng…
H. là HS lớp 8 của một trường THCS tại TP.HCM, bị trầm cảm suốt một thời gian dài nhưng mẹ em không hề phát hiện. Mãi đến khi giáo viên nhận thấy em có nhiều biểu hiện lạ như ít nói, không giao tiếp với ai… thì mới yêu cầu phụ huynh đưa em đi khám.
“Cháu gái này do bị ảnh hưởng từ nhiều chuyện buồn của gia đình, cộng với việc bị bạn bè ăn hiếp, cô lập… dần em bị trầm cảm. Ban đầu em ấy định vào phòng tư vấn tâm lý học đường của trường, nhưng sợ bạn bè thấy và trêu ghẹo là mình có vấn đề nên thôi. Với trường hợp này chúng tôi phải điều trị đến 6 tháng”, bác sĩ Minh cho biết thêm.
Ở phòng khám, bác sĩ Minh cũng từng tiếp nhận một nam sinh THCS bị áp lực vì bị cô giáo la rầy quá nhiều trong học tập. Cứ mỗi lần em nhìn thấy cô giáo là sợ run lên. Có lần, em rất mắc tiểu, nhưng lại không dám xin đi vì sợ cô giáo. Cuối cùng em tiểu luôn trong quần.
Theo bác sĩ Minh, HS bị các bệnh lý liên quan tâm thần có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu từ áp lực học tập, gia đình. Chẳng hạn cha mẹ ép buộc con phải học thật giỏi, luôn áp đặt, la rầy con cái vô cớ. Có trường hợp HS sợ thầy cô giáo, sợ đến trường do bị giáo viên la rầy quá mức.
“Điều đáng nói là có nhiều trường hợp con cái bị các chứng liên quan tâm thần, nhưng phụ huynh không phát hiện kịp thời, nên khi các em đến phòng khám thì bệnh tình đã nặng”, bác sĩ Minh nói.
Cần thời gian chuyện trò, chia sẻ với con cái
Theo bác sĩ Minh, phụ huynh nên quan tâm đến con em mình nhiều hơn. Hiện nay, phần đông cha mẹ thường ít khi ăn cơm chung và tâm sự với con. Tối về nhà, cha mẹ cũng không trò chuyện với con nên không nắm bắt được các thay đổi tâm lý của các em.
“Phụ huynh cần có thời gian nói chuyện, chia sẻ với con cái về vấn đề học tập, những muộn phiền trong cuộc sống, để từ đó giúp con giải tỏa được áp lực tâm lý”, bác sĩ Minh khuyên.
Bác sĩ Minh tư vấn, khi phát hiện con có các triệu chứng sau thì nên đưa trẻ đến phòng khám chuyên về tâm thần: Thay đổi thói quen, ít biểu hiện cảm xúc, tắm thưa đi, mất ngủ, chơi game nhiều, ít nói, chân tay run…
Một số triệu chứng khác cũng có thể liên quan đến bệnh tâm thần, như: đột nhiên cáu gắt, có thái độ chống đối với những người xung quanh, hay thể hiện những hành vi bạo lực.
Nguồn: thanhnien.com.vn