Văn hóa - Giáo dục
Văn học Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới vẫn thiếu tác phẩm đỉnh cao
13:51, 25/05/2014 (GMT+7)
Thực tiễn văn học Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới (1986 - 2016) cho thấy, văn học đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, cả ở nội dung lẫn hình thức, đề tài, chủ đề, cảm hứng và phương thức thể hiện. Tuy nhiên, nhìn vào đời sống văn học hôm nay, chúng ta vẫn thấy thiếu những tác phẩm lớn có giá trị, những tác phẩm đỉnh cao.
Có thể nói, sau gần 30 năm, văn học Việt Nam đã đa dạng hơn về quan niệm văn học, phương pháp, giọng điệu, cởi mở hơn trong cách tiếp cận và lý giải hiện thực. Văn học dịch ngày càng chiếm ưu thế so với văn học trong nước. Phạm vi sáng tạo không còn bị bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà mở ra tầm quốc tế. Nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự xuất hiện trong thời kỳ đổi mới đã đem đến một sắc thái mới cho nền văn học. Đặc biệt ở thể loại thơ, có thể thấy rõ phong cách thời đại mới, sự hòa nhập của thơ với không khí của văn hóa hiện đại thế giới.
Mặt thuận lợi của văn học thời kỳ đổi mới là tinh thần dân chủ được đề cao; giao lưu văn hóa rộng mở; các thử nghiệm, sáng tạo được khuyến khích; chính sách quản lý văn hóa, văn học có nhiều đổi mới. Quan điểm phát triển chung của Đảng là chú trọng phát triển hài hòa, đồng bộ về tất cả các lĩnh vực. Về văn học, nghệ thuật, Đảng ta chủ trương tôn trọng tự do sáng tạo; khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phương cách vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng; bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính. Đây cũng chính là hành lang tư tưởng thông thoáng, cởi mở cho hoạt động sáng tạo văn học thời kỳ đổi mới.
Sách văn học dịch nước ngoài chiếm ưu thế hơn các tác phẩm văn học Việt Nam trên sạp sách |
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, văn học Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới vẫn còn khá nhiều hạn chế, nhất là về mặt chất lượng tác phẩm.
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam chia sẻ: Nền văn học Việt Nam vẫn chưa có những kết tinh nghệ thuật tầm cỡ và những công trình khoa học xã hội và nhân văn bề thế, sâu sắc. Đến nay, câu hỏi: Bao giờ chúng ta sẽ có những đỉnh cao nghệ thuật? không chỉ là trăn trở đối với giới cầm bút, mà còn là mong mỏi của người đọc.
Đáng giá về tình hình văn học trong cơ chế thị trường hiện nay, TS Lê Thị Bích Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ văn hóa - văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, một số sản phẩm văn học tầm thường, chất lượng kém được phát hành, truyền bá gây tác hại, ảnh hưởng xấu tới công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Còn ít tác phẩm văn học đến được các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Số tác phẩm có giá trị của chúng ta được giới thiệu ra nước ngoài còn hạn chế; trong khi đó, một số sản phẩm không phù hợp với truyền thống đạo đức, văn hoá của dân tộc, thậm chí độc hại, phản động của nước ngoài lại xâm nhập vào nước ta, gây nên nhiều tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, văn hóa đọc ở Việt Nam đang có biểu hiện chững lại. Tình trạng in sách tràn lan, chất lượng hạn chế, vi phạm pháp luật đã làm dư luận xã hội hết sức bất bình, làm công chúng thờ ơ với sách. Công tác quản lý chưa hiệu quả và chế tài xử phạt nhẹ là các nguyên nhân khiến nạn in lậu sách vẫn hoành hành…
Để xây dựng nền văn học có nhiều tác phẩm xuất sắc, được đông đảo độc giả trong và ngoài nước đón nhận, cần có sự đồng hành của những người cầm bút tâm huyết với nghề. Bên cạnh việc có những tác phẩm hay, có giá trị thẩm mĩ cao còn cần sự đồng hành của độc giả. Tuy nhiên, hiện nay, những nỗ lực đổi mới của chủ thể sáng tạo vẫn chưa thực sự làm thỏa mãn nhu cầu của chủ thể tiếp nhận. Giữa văn học và đời sống, văn học và công chúng vẫn còn những khoảng cách nhất định. Một số nhà nghiên cứu cho văn học Việt Nam vẫn trong giai đoạn tìm tòi để hướng đến những giá trị thực sự, những tư tưởng thẩm mỹ mới. Nhưng điều quan trọng là phải làm sao tạo được sự “cộng hưởng” giữa người sáng tạo và công chúng.
Theo PGS.TS Phan Thị Thu Hiền (Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh), "đổi mới văn học" ở Việt Nam hiện nay thường chỉ xem xét văn học trong phạm trù của văn hóa tinh hoa với những giá trị siêu việt, vĩnh cửu, thuộc về giới chuyên nghiệp gắn với các tổ chức nghề như: Hội Nhà văn, trường đại học, viện nghiên cứu… Trong khi đó, thực ra, văn học ngày nay không tách biệt với văn hóa đại chúng.
Bên cạnh đó, lực lượng sáng tác văn học cũng là vấn đề cần được quan tâm. Cũng như bất cứ lĩnh vực nào khác của đời sống tinh thần, nói đến sự phát triển của văn học là nói đến một quá trình, với sự tiếp tục của nhiều thế hệ. Bởi vậy, một thế hệ viết mới là đại diện đích thực cho văn học tương lai cần được nuôi dưỡng. Theo GS.Phong Lê: Sự sống còn, lẽ tồn tại của một nền văn học bao giờ cũng phải được quyết định bởi thế hệ “đương nhiệm”, và do thế, mà toàn xã hội phải tập trung chăm sóc cho cái mới, là cái đang sinh thành… Trong một thế giới như thế, văn học cũng như mọi lĩnh vực hoạt động tinh thần khác cũng phải biến đổi. Và sứ mệnh đó đang được giao cho một thế hệ mới...
Văn học hiện nay không chỉ giữ những chức năng cơ bản như: Nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, mà đã mở rộng thêm chức năng dự báo và chức năng giải trí. Chính bởi những chức năng mới này mà đòi hỏi nhà văn phải có cái nhìn sâu hơn vào hiện thực đời sống, vào khả năng và xu hướng phát triển của xã hội, của đời sống tâm hồn con người, đồng thời phải quan tâm hơn đến nhu cầu và đòi hỏi của công chúng - người đọc, nhân tố góp phần tạo nên sự tồn tại của tác phẩm.
Nếu làm được những điều đó, chúng ta có thể hy vọng trong tương lai sẽ có những tác phẩm văn học lớn có giá trị, thỏa mãn niềm mơ ước và nhu cầu của người đọc.
Nguồn: dangcongsan.vn