Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201405/sinh-vien-ra-truong-va-noi-lo-that-nghiep-tran-tro-den-bao-gio-483033/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201405/sinh-vien-ra-truong-va-noi-lo-that-nghiep-tran-tro-den-bao-gio-483033/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Sinh viên ra trường và nỗi lo thất nghiệp: Trăn trở đến bao giờ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 12/05/2014, 09:32 [GMT+7]

Sinh viên ra trường và nỗi lo thất nghiệp: Trăn trở đến bao giờ

(Congannghean.vn)-Từ lâu, sinh viên tốt nghiệp ra trường và bài toán việc làm đã không còn là câu chuyện riêng của bản thân người trong cuộc mà đã trở thành bài toán làm đau đầu các chuyên gia, các nhà quản lý. Và cho đến bao giờ vấn đề việc làm không còn là gánh nặng của sinh viên sau những năm miệt mài đèn sách dường như vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp?

Nỗi lo mang tên việc làm

Mỗi mùa tuyển sinh cận kề thì việc chọn trường, chọn nghề luôn là điều băn khoăn lớn của nhiều bạn trẻ. Và trở thành tân sinh viên của các trường đại học chính là ước mơ mà các bạn luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để hướng tới. Tuy nhiên, sau 4 - 5 năm (thậm chí còn lâu hơn nữa) “dùi mài kinh sử”, khi chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống thì không ít trong số họ băn khoăn câu hỏi “Sẽ đi đâu, về đâu?”.

Khoảng 72.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp chính là thông tin mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố trong thời gian gần đây và trên thực tế thì con số đó còn có thể lớn hơn rất nhiều. Câu chuyện sinh viên ra trường loay hoay tìm việc làm hay chấp nhận thất nghiệp đã trở nên quá quen thuộc. Và mặc dù không phải là vấn đề gì mới, nóng hổi nhưng hàng ngày, hàng giờ vẫn nhận được sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, trường hợp sinh viên tốt nghiệp ra trường phải làm trái ngành - những công việc không liên quan đến trình độ, bằng cấp đã không còn là chuyện hiếm. Sẽ không quá khó để bắt gặp những hình ảnh sinh viên bán trà đá vỉa hè, đi tiếp thị sản phẩm hay làm bảo vệ, phục vụ tại các quán bar, nhà hàng… Thậm chí, nhiều người còn chấp nhận phải đi làm công nhân trong các xí nghiệp, nhà máy với công việc nặng nề, vất vả trong khi đồng lương lại quá eo hẹp và chật vật. Khi không xin được việc làm ổn định trong khi vẫn phải bắt buộc đảm bảo cho nhu cầu của cuộc sống thì không thể có con đường nào khả thi hơn là việc họ chấp nhận làm trái ngành.

Thậm chí đáng buồn hơn, có những bạn tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu nhưng do cơ hội chưa đến hoặc ngành nghề mình học không được “hot” vào thời điểm đó thì vẫn phải chấp nhận tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều bạn trẻ ý thức được rằng, dù không làm đúng chuyên ngành được đào tạo, vẫn cố gắng tìm công việc phù hợp để kiếm thêm thu nhập, nuôi sống bản thân thì vẫn có không ít người cảm thấy xấu hổ khi bản thân tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng mà phải đi làm những công việc bình dân.

123
Gian gian con đường tìm việc làm - Tranh minh họa

Do mang nặng tư tưởng đó nên nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp vẫn sống dựa dẫm vào gia đình, đều đặn hàng tháng nhận tiền của bố mẹ gửi cho. Và rồi không ít trong số đó, sau một thời gian không thể tìm được việc làm ưng ý lại quyết định tìm đường học tiếp lên cao học. Đó dường như là sự lựa chọn tối ưu, có thể một lúc giải quyết được nhiều vấn đề: Không bị coi là thất nghiệp, vẫn được ở lại thành phố lớn chứ không phải về quê và hàng tháng vẫn được bố mẹ đều đặn chu cấp tiền ăn học…

Theo các chuyên gia nhận định, hầu hết sinh viên mới ra trường hiện nay đều chưa có kinh nghiệm thực tế, chưa được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp. Đó cũng chính là lý do giải thích vì sao nhiều bạn trẻ bị nhà tuyển dụng từ chối ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên. Hoặc nếu có được nhận thì sau một thời gian ngắn thử thách cũng bị đào thải. Điều này thường phổ biến ở những công ty, doanh nghiệp có trình độ phát triển cao, coi trọng trình độ năng lực và đặt hiệu quả lao động lên trên hết.

Vì thế, giải pháp trước mắt nhưng lại mang tính lâu dài của nhiều sinh viên hiện nay, đó là sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ nộp hồ sơ xin việc vào một công ty có quy mô nhỏ hoặc vừa phải. Điều quan trọng nhất là công việc đó phù hợp với năng lực của bản thân, có thể tự tích lũy được kinh nghiệm để sau này đầu quân cho những công ty, doanh nghiệp có tầm vóc lớn hơn.

Thất nghiệp, vì sao?

Những năm gần đây, tình hình kinh tế khó khăn buộc các công ty, doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự. Trong khi số nhân viên thất nghiệp ngày càng tăng thì cơ hội tìm được việc làm của các bạn sinh viên sẽ bị thu hẹp. Đó cũng là lý do giải thích vì sao có nhiều ý kiến cho rằng, lượng cử nhân đang chịu cảnh thất nghiệp hiện nay còn vượt hơn rất nhiều con số 72.000.

Riêng ở Nghệ An, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.000 người tốt nghiệp từ trung cấp trở lên chưa tìm được việc làm, trong đó có trên 4.000 người có trình độ cao đẳng và hơn 3.000 cử nhân, thạc sĩ. Và khi tình trạng thất nghiệp đang trở nên quá phổ biến thì đây chính là bài toán đang làm đau đầu các nhà quản lý trong bối cảnh hiện nay.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn như trên là do tình hình kinh tế gặp quá nhiều khó khăn, biến động. Tốc độ phát triển kinh tế chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là đối với lao động trẻ có trình độ đại học trở lên. Cùng với đó, nguồn nhân lực đào tạo bậc đại học có dấu hiệu dư thừa so với nhu cầu.

Sự gia tăng các trường đại học và các ngành học không theo quy hoạch, các cơ sở đào tạo chủ yếu theo khả năng, chưa gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp. Mặt khác, công tác định hướng nghề nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên còn hạn chế, tâm lý thích bằng cấp, thích học đại học hơn học nghề còn quá phổ biến trong mỗi gia đình và bản thân các bạn trẻ khi còn ở bậc học phổ thông.

Để khắc phục tình trạng thất nghiệp của sinh viên như hiện nay, cần sự đồng thuận, chung tay của các cấp ban ngành trong xã hội. Việc chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, gắn đào tạo nghề với việc làm là một trong những vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Cần đẩy nhanh xã hội hóa công tác dạy nghề. Đặc biệt, cần có sự tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên để các em có lựa chọn phù hợp cả đầu vào lẫn đầu ra sau này.

Cùng với đó, cần phải coi trọng quá trình đào tạo sinh viên trong thời gian học tập tại trường. Làm thế nào để sau khi tốt nghiệp, bên cạnh chất lượng chuyên môn, các em còn có những kỹ năng cần thiết, trình độ tin học, ngoại ngữ… nhằm đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của nhà tuyển dụng.

.

Ngọc Anh