Văn hóa - Giáo dục
Phát hiện thêm 2 ca khúc về Điện Biên: Những giá trị nghệ thuật đích thực
10:13, 05/05/2014 (GMT+7)
Trong những ngày cả nước kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên, nhiều ca khúc viết về chiến dịch lịch sử này đã được tái dựng và phổ biến trong các chương trình ca nhạc, như “Qua miền Tây bắc” của nhạc sĩ Nguyễn Thành, chùm 3 bài “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”, “Chiến thắng Điện Biên”của nhạc sĩ Đỗ Nhuận,“Hò kéo pháo” (nhạc sĩ Hoàng Vân) v.v... Tuy nhiên, không nhiều người biết đến có 2 ca khúc mang tính nghệ thuật cao viết về chiến thắng Điện Biên đã bị lãng quên hơn nửa thế kỷ qua và thật may mắn khi 2 ca khúc đó đã được tìm lại đúng vào dịp này. Hơn thế, còn được Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên cùng những người bạn tâm giao ở Hiệp hội Phát triển Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam dàn dựng ngay, để làm sống lại. Để tìm hiểu về 2 tác phẩm âm nhạc đặc biệt này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông:
PV: Thưa nhạc sĩ, 2 ca khúc bị lãng quên đó là gì và vì sao đến nay mới được đánh thức?
Nhạc sỹ An Thuyên: Đó là tác phẩm viết về chiến thắng Tây Bắc và Điện Biên vĩ đại: bài “Mừng chiến thắng Tây Bắc” (nhạc Đặng Đình Hưng, thân phụ của nhạc sĩ, NSND Đặng Thái Sơn; lời của Đào Vũ + Thái Ly) và “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Tử Phác. Đây là những tác phẩm âm nhạc rất hay, nhưng vào năm 1956, vì nhạc sĩ Tử Phác và Đặng Đình Hưng liên quan đến vụ Nhân văn - Giai phẩm nên tác phẩm của 2 ông sau đó đã không tiếp tục được lưu hành, kể cả những bài viết về 2 chiến dịch này. Vì thế, không còn nhiều người nhớ và trở thành những bài hát bị lãng quên. Mới đây, trong quá trình làm việc, ông Phan Phương (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) đã phát hiện ra. Thực ra có 3 bài, 2 bài của nhạc sĩ Tử Phác, nhưng bài “Đường lên Tây Bắc” mất đoạn giữa, vì thế chúng tôi đang tiếp tục sưu tầm và dần công bố tiếp. Những bản này đã được in trong tập nhạc của NXB Xây dựng từ năm 1953.
Các ca khúc này được các tác giả viết ngay trên chiến trường từ những năm 1953 - 1954, đã được giới thiệu trên Đài Tiếng nói Việt Nam một vài lần. Những bài hát rất hay mà có số phận không may. Vì thế, những nhạc sỹ lớp sau như chúng tôi thấy phải có trách nhiệm làm sống lại và trả về cho công chúng yêu nhạc những giá trị đích thực của nghệ thuật, mà lớp cha anh đã sáng tạo ra từ máu và nước mắt của cách mạng, của nhân dân. Đó cũng là cách không được lãng quên quá khứ hào hùng.
Nhạc sĩ An Thuyên, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng và nhạc sĩ Tử Phác |
PV: Được biết, không chỉ “vui mừng” và lên tiếng về những tác phẩm bị lãng quên này, ông còn cho dàn dựng lại các ca khúc trên?
Nhạc sỹ An Thuyên: Tôi nghĩ rằng đây là việc phải làm, muốn công chúng biết được những tác phẩm có giá trị đích thực, thì người đi sau phải có trách nhiệm tôn vinh những giá trị đó. Càng vinh quang càng phải luôn luôn nhớ những người đi trước, đặc biệt là trong dịp 60 năm chiến thắng Điện Biên. Vì thế, tôi vận động anh em, học trò, cộng tác: các nhạc sĩ An Hiếu, Dương Cầm, ca sĩ Lê Anh Dũng, Hoài Nam, Hồng Ngọc và tốp ca nam nữ học sinh, để dàn dựng và thu âm. Tất cả đều làm việc tự nguyện và không ai nhận cát-sê. Mọi người đều mong, các ca khúc một lần nữa được cất lên chính là nén tâm nhang gửi đến 2 nhạc sĩ, cũng là góp một tiếng reo vui mừng chiến thắng Điện Biên vĩ đại. Việc dựng lại hai bài hát, một phần là sự tôn vinh các giá trị âm nhạc đích thực, phần là tôn vinh những người đi trước, những người đã đổ xương máu cho đất nước thái bình hôm nay, đồng thời muốn nói với các tác giả trẻ cần học tập các bậc tiền bối. Viết nhạc Việt Nam cần phải có tâm huyết lớn với dân tộc mình như thế.
PV: Ông nhận xét gì về “Mừng chiến thắng Tây Bắc” và “Chiến thắng Điện Biên”?
Nhạc sỹ An Thuyên: Đây là những bài hát nằm trong mảng các ca khúc cách mạng chính thống và mang tính nghệ thuật cao. Chất Việt Nam rất rõ nét trong tác phẩm của các cụ, cũng giống như các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Văn Cao…, âm nhạc của các cụ viết vừa Tây học về khúc thức, tiết tấu, nhưng lại vẫn mang đậm chất Việt Nam. Nghe 2 bản nhạc này thấy rõ cá tính, khuôn mặt riêng, không thể hòa lẫn. Ý thức dân tộc trong sáng tác của các nhạc sĩ cực kỳ rõ nét. Đây là điều giới trẻ phải học. Đã là nhạc Việt Nam thì màu sắc, âm điệu, hơi thở Việt Nam phải sâu đậm thì mới “ra” chất Việt Nam được. Trách nhiệm của giới nhạc sĩ Việt Nam phải gánh vác là làm sao âm nhạc khi vang lên, người ta nhận ngay ra đó thực sự là âm nhạc của Việt Nam. Ví như, nghe nhạc của mấy nước ở xung quanh chúng ta như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… người nghe dễ dàng nhận ra âm nhạc nào của nước nào. Đây cũng là việc các nhạc sĩ Việt Nam phải lo. Không bao giờ được quên quá khứ, phải làm cho âm nhạc Việt Nam có gương mặt riêng.
PV: Ông nghĩ sao gì về bản ghi mới lần này?
Nhạc sỹ An Thuyên: Chúng tôi xác định, bản ghi phải đảm bảo được 3 yếu tố: lịch sử, dân tộc và đương đại. Sau khi thu âm, nhiều người nghe thấy thích, với nhận định chung là mang âm hưởng cách mạng, đúng không khí cả nước hăm hở ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc của thời kỳ ấy. Giai điệu, âm nhạc rất Việt Nam, hàm chứa khí thế cách mạng, tình yêu đất nước non sông Tổ quốc cách mạng.
PV: Sau 2 ca khúc về Điện Biên, Hiệp hội còn dự định gì?
Nhạc sỹ An Thuyên: Nhiều bài hát ra đời có số phận may mắn thì lan xa rất nhanh, nhưng một số bài hát khác lại ít may mắn hơn. Vì thế, chúng tôi dự tính tìm những bài hát cách mạng mà ít được công chúng biết đến, để làm một bộ sưu tập gửi tới người nghe. Đó là một cách để khơi dạy tình yêu đất nước, giúp cuộc sống đẹp hơn lên.
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Nguồn: cand.com.vn