Văn hóa - Giáo dục
Những thước phim vô giá về Bác Hồ
08:41, 19/05/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Làm phim về đề tài Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, thôi thúc các nghệ sĩ điện ảnh thể hiện hình tượng về Người. Đã có nhiều tác phẩm phản ánh chân thực, sinh động về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, trong số đó phải kể đến 2 bộ phim “Ngày Độc lập 2/9/1945” và “Những giây phút cuối đời của Bác” đặc biệt ấn tượng sâu sắc đối với điện ảnh Tài liệu Việt Nam.
1. Nguồn gốc ra đời bộ phim “Ngày Độc lập 2/9/1945”
Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc (15/3/1953), những người làm điện ảnh đầu tiên đã bàn đến việc dựng lại cảnh ngày Quốc khánh 2/9 để đưa vào phim, do hình ảnh về Ngày Độc lập 2/9/1945 để lại quá ít ỏi, chỉ có mấy tấm ảnh. Đạo diễn Phạm Văn Khoa lúc đó là Giám đốc Điện ảnh Quốc gia, nói: “Chiến thắng về Hà Nội ta sẽ dựng lại quang cảnh Ngày Độc lập. Chính mình tham gia dựng lễ đài mà, mình còn nhớ như in ngày đó. Ta mời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập để ghi hình vào phim”.
Nhưng rồi mong muốn ấy đã không thực hiện được. Kháng chiến chống thực dân Pháp qua đi, Hà Nội mới giải phóng với bao công việc bộn bề, sau đó cả nước lại bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mãi đến năm 1974, đoàn làm phim Tài liệu khoa học gồm biên kịch Hồng Hà, đạo diễn Phạm Kỳ Nam, quay phim Như Ái, được cử sang Pháp, sang Anh để thực hiện bộ phim “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”, ghi lại những dấu chân Bác Hồ còn để lại trên bước đường hoạt động cách mạng từ năm 1917 - 1923 ở nước ngoài. Đạo diễn Phạm Kỳ Nam có kể lại câu chuyện về một dịp may hiếm có:
“Vào một buổi sáng, có người liên lạc với tôi qua điện thoại, giọng nói ấm áp: “Có một người bạn của Việt Nam luôn quý mến nhân dân Việt Nam, muốn gặp ông để tặng món quà nhỏ. Tôi mong món quà này hữu ích cho công việc của các ông!”. Tôi tới ngay nơi hẹn. Ông chủ nhà thân mật tiếp rồi mở tủ lấy ra hộp phim nhỏ phai màu thời gian. Tôi xin phép chủ nhà cầm dao khẽ bật nắp hộp, bóc lớp giấy chống ẩm thấy cuộn phim nhỏ. Tôi nhẹ tay kéo dần từng đoạn phim soi lên cửa sổ và bàng hoàng xúc động trước các hình ảnh phim hiện lên cảnh Quảng trường Ba Đình, quần chúng mít tinh, lễ đài 2/9 trang nghiêm. Sung sướng quá, tôi ôm hộp phim vào lòng và chỉ kịp cảm ơn ông chủ nhà mà quên hỏi về nguồn gốc cuộn phim. Về đến nơi làm việc, tôi cho ngay cuộn phim lên máy dựng, lòng vừa mừng vừa lo sợ phim lâu ngày bị “lão hóa”. Tuy đã mấy chục năm rồi nhưng do khí hậu ở Pháp khô ráo nên hình phim còn sáng đẹp. Quang cảnh lễ đài, hình ảnh Bác, quần chúng náo nức với khẩu hiệu “Ngày độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”... Toàn bộ đoạn phim chiếu lên chỉ có vài phút, nhưng thật cảm động”.
Về nước, bằng nhiều thủ pháp kỹ thuật điện ảnh, Đạo diễn Phạm Kỳ Nam và Đạo diễn dựng phim Lê Mạnh Thích đã tạo dựng, gia cố thêm cho các hình ảnh ít ỏi đó sống động, chặt chẽ hơn. Vì đoạn phim trên là tư liệu do một người quay phim nghiệp dư, thích gì quay nấy, nhưng đã ghi được những hình ảnh lịch sử vô giá, có một không hai này. Chỉ cần bổ sung vài cảnh quay đơn giản, rồi thêm nền nhạc bài “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, cùng lời bình và lời quốc dân tuyên thệ là có được bộ phim “Ngày Độc lập 2/9/1945” hoàn chỉnh, với độ dài 6 phút chiếu. Hai đạo diễn đã tái tạo lại không khí náo nức, sôi động của ngày 2/9 với lời đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” của Bác Hồ trước hàng triệu đồng bào ta và thế giới: “Nước Việt Nam kể từ nay có quyền và xứng đáng được hưởng quyền tự do và độc lập!”. Cả 2 bộ phim “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” và “Ngày Độc lập 2/9/1945” hoàn thành vào tháng 5/1975, trong không khí hân hoan mừng đất nước ta hoàn toàn giải phóng và cũng là dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Bác, thực hiện ước mơ của Người là đất nước Việt Nam được thống nhất, dân tộc Việt Nam được sum họp một nhà.
Từ đó, vào ngày Quốc khánh hàng năm, những thước phim tư liệu “Ngày Độc lập 2/9/1945” thường được xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông làm xúc động người xem. Chỉ còn một băn khoăn, ai là tác giả của đoạn phim ấy? Đạo diễn Phạm Kỳ Nam có dịp hỏi lại chủ nhà, ông ôn tồn trả lời là không thể nói gì hơn vì ông không phải là người quay: “Chỉ biết đoạn phim đó có ích cho các ông và đã gửi đúng địa chỉ, thế là yên tâm rồi!”. Sau này, vấn đề này vẫn luôn được đề cập: Tại sao sau gần 30 năm, những thước phim tư liệu ấy lại ở Pháp và được gửi tới đoàn làm phim Việt Nam? Ông Nguyễn Hữu Đang, nguyên Trưởng Ban tổ chức ngày lễ Độc lập năm 1945 - có nêu giả thuyết: “Một là có nhân viên trong phái đoàn Mỹ được phép vào Quảng trường Ba Đình, họ có máy quay tinh xảo để quay phim. Hai là ông chủ hiệu ảnh Hương Ký lớn nhất Hà Nội thời ấy, có máy quay phim nên ông được phép tới ghi hình, nhưng sau ông bỏ ra nước ngoài nên câu chuyện cũng bẵng đi!”. Vậy là tác giả của những tư liệu quý hiếm, vô giá trong phim “Ngày Độc lập 2/9/1945” đến nay vẫn còn chưa được xác định.
2. Về bộ phim “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”
Hai mươi năm sau kể từ ngày Bác Hồ đi xa (2/9/1969), bộ phim “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ” được Điện ảnh Quân đội phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh ra mắt khán giả đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1990). Những thước phim “độc nhất, vô nhị” ấy ghi được vào thời khắc trọng đại, thiêng liêng, những hình ảnh cuối cùng về Bác của hai nhà quay phim quân đội Nguyễn Thanh Xuân, Trần Anh Trà; biên kịch và đạo diễn Phạm Quốc Vinh lần đầu tiên được công bố đã làm người xem nghẹn ngào, xúc động, trở thành tư liệu vô giá của điện ảnh Việt Nam.
Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước túc trực bên gường bệnh Hồ Chủ tịch |
Những năm tháng cuối cùng khi biết mình sắp phải từ giã cuộc đời, Bác Hồ vẫn bình tĩnh, thư thái trong từng việc làm, từng cử chỉ. Tuy đã phải rời ngôi nhà sàn thân yêu nhưng Bác vẫn làm việc và trong từng cơn đau, Bác vẫn quên mình để chăm lo đến cuộc sống của nhân dân, săn sóc đến từng con người. Bài viết về “Người tốt việc tốt” mà Bác để lại, cây đa cuối cùng Bác trồng ở Vật Lại, cuộc đối thoại về “trồng cây, trồng người” với bà con ở Ba Vì. Buổi cuối cùng Bác vui với các cháu thiếu nhi, cuộc gặp thân mật như cha con giữa Bác với các chiến sĩ xuất sắc Quân khu 4 và các đồng chí cán bộ cao cấp, cùng những người luôn gần gũi Bác... không ngờ đây là lần gặp mặt cuối cùng. Bác dấu tình trạng sức khỏe của mình trong từng ánh mắt và cử chỉ chan hòa, để hướng mọi người đến một chăm lo sâu xa khác: Chăm lo cho sự nghiệp đất nước, của nhân dân, chăm lo cho phẩm chất mỗi cán bộ làm sao để luôn xứng đáng với lòng dân tin cậy.
Đối với tổ quay phim cho đến hết ngày 31/8/1969 rồi sáng 1/9/1969, anh em vẫn ôm máy quay ngồi túc trực ở vị trí hàng ngày, chấp hành nghiêm kỷ luật, không tự động đi lại quay theo ý của mình, xác định chỉ có nhiệm vụ: Đợi chờ!
Từ sáng 1/9/1969, Bác có phần mệt hơn. Đến 16 giờ, lần đầu tiên hai đồng chí quay phim được phép vào hẳn trong phòng bệnh ghi hình ảnh. Thế là điều mọi người không muốn vẫn cứ đến! Thanh Xuân và Anh Trà hiểu rằng, những tư liệu này thật quan trọng và mỗi thước phim của họ là thể hiện trách nhiệm với lịch sử, với dân tộc. Bấm mỗi giây mỗi cảnh lúc này, anh em cảm thấy có một điều gì hết sức thiêng liêng! Qua ống kính đã thấy rất đầy đủ, rất rõ rệt các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quân ủy TW đã tề tựu, lặng yên, xúc động lắng nghe từng nhịp sống của Người. Bác đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969. Bàn tay của những học trò, những đồng chí của Người sờ lên ngực, lên trán Bác. Tất cả đều nức nở bật khóc. Bác đã ra đi thật rồi!
Thanh Xuân giơ máy lên mà nước mắt cứ dàn dụa làm ướt cả thước ngắm máy quay. Giây phút ấy anh chỉ còn biết để ống kính góc rộng và cứ thế giơ lên bấm máy... Và phải chờ đợi đến 20 năm sau khi xem lại những thước phim mình quay trong bộ phim “Những giây phút cuối đời của Bác Hồ” anh mới thấy yên tâm.
Đúng 10 giờ ngày 2/9/1969, chiếc xe “cứu thương” mang biển số FA 1460 có sẵn cờ chữ thập đỏ đưa thi hài Bác đặt trên cáng đến nơi làm thuốc bước đầu tiên để giữ gìn lâu dài thi hài của Người. Cũng từ đây, chỉ còn một mình Thanh Xuân tiếp tục làm nhiệm vụ ghi chép tư liệu với những người thầy thuốc Liên Xô (những người đã từng làm công việc giữ gìn thi hài Lê nin nay lại đến bên Bác ngay từ phút đầu tiên sau khi Bác Hồ qua đời).
Ngôi nhà sàn đã buông rèm. Căn phòng với giường chiếu đơn sơ của Bác đã trở nên trống lạnh. Bác chẳng có gì riêng nhưng giàu có đến muôn vàn. Đó là tình thân yêu Bác để lại cho toàn dân, toàn Đảng, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng:
Bác nằm đó chỗ Ba Đình khai sáng
Người nghỉ yên nơi Người đã bắt đầu
Vĩnh biệt chúng ta, Bác để lại Di chúc không viết lên đá, khắc lên vàng chói lọi mà trên mỗi bản tin hàng ngày. Sau bản tin Người ký thác chuyện muôn đời... Bộ phim kết thúc bằng hình ảnh về cuộc sống của Bác quanh ngôi nhà sàn thân yêu với bài ca Người là tình yêu bao la.
Lê Lân