Văn hóa - Giáo dục
"Chuyện tình Khâu Vai": Nối dài những giấc mơ dang dở
(Congannghean.vn)-Những ngày qua, tại một số địa phương trong tỉnh, khán giả đã được theo dõi, thưởng thức vở cải lương "Chuyện tình Khâu Vai" của tác giả kịch bản PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; đạo diễn và chuyển thể cải lương NSƯT Triệu Trung Kiên; âm nhạc nhạc sĩ, NSƯT Trọng Đài...” Chuyện tình Khâu Vai” không chỉ dừng lại là một bài ca ca ngợi tình yêu đôi lứa diễn ra ở phiên chợ tình Khâu Vai, mà còn là tác phẩm sân khấu đầy chất nhân văn, chứa đựng nhiều yếu tố nhân sinh, tư tưởng đương đại, hướng con người tới các giá trị của chân, thiện, mỹ.
Đau đáu tình yêu nơi miền cực bắc
Trong những ngày đầu tháng 5 này, hàng nghìn du khách lại đổ về Khâu Vai, nơi có phiên chợ tình "độc nhất vô nhị" trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang. Chợ tình Khâu Vai thường được bà con dân tộc thiểu số trên vùng rừng đá Mèo Vạc, Hà Giang gọi là “Chợ tình phong lưu”. Phiên chợ chỉ diễn ra duy nhất vào ngày 27/3 (âm lịch) hàng năm, kéo dài trong một đêm, một ngày với đúng nghĩa của nó.
Từ niềm cảm hứng đó, tác giả kịch bản PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, hiện là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, một người con quê hương xứ Nghệ, cách đây hơn 15 năm, trong chuyến công tác đến với cao nguyên đã cho ra đời kịch thơ. Đến năm 2012, NSƯT Triệu Trung Kiên đã chuyển thể thành vở kịch cải lương.
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ |
Cái hay của “Chuyện tình Khâu Vai” trước hết nằm ở cốt truyện. Từ bối cảnh diễn ra tại vùng núi đá Hà Giang có 2 dân tộc Giáy và Nùng sinh sống. Chuyện nàng Út, chàng Ba - một cô gái con tộc trưởng người Nùng, đem lòng yêu một thanh niên người Giáy nghèo khổ. Vì tình yêu nhưng tục lệ tổ tiên ngăn cấm, họ đã trốn lên đỉnh Khâu Vai để chung sống nhưng rồi lại phải trở về để ngăn chặn cuộc tương tàn đổ máu giữa hai sắc tộc.
Đoạn kết của vở diễn là bi kịch của cuộc hôn nhân không tình yêu, khi cô gái buộc phải cưới người khác, cho dù họ vẫn không quên được nhau. Màn kịch được vén lên, khi nàng Út biết rằng người chồng hiện tại chính là kẻ giết chết cha mình và biết rằng không thể đến với chàng Ba, nàng Út đã tìm về đỉnh Khâu Vai để gieo cái chết, nơi mà chính nàng đã từng hạnh phúc nhất trong quãng thời gian cùng chàng Ba.
Trong suốt gần 2 giờ đồng hồ của vở diễn, một câu chuyện đơn giản nhưng có sức thu hút và mang lại nhiều cung bậc cảm xúc của người xem, bởi sức mạnh của tình yêu và lối kể chuyện, cách hóa giải tâm trạng và cách hành xử hợp lý của các nhân vật. Với giọng hát truyền cảm, quyến rũ và ngoại hình đẹp đồng đều đã diễn xuất có chiều sâu tâm lý, thể hiện tốt vai diễn của mình với những tính cách đặc trưng của nhân vật, đưa hình tượng nhân vật đến gần hơn với khán giả.
Thành công của vở diễn còn chính là sự diễn xuất của 2 nhân vật chính. Nàng Út, chàng Ba - cả hai đã lột tả thành công sự thủy chung, trách nhiệm, làm lay động bao trái tim bằng những giọt nước mắt.
“Chuyện tình Khâu Vai” có nhiều phân cảnh, phân đoạn, tạo hình hợp lý và đẹp. Xuyên suốt tác phẩm là câu chuyện buồn về tình yêu đôi lứa nhưng lại là thông điệp của tình yêu về sự đẹp đẽ, thủy chung và cả khát vọng của mối tình đầu. “...Đến tìm em cầu mong em hạnh phúc/ Để đưa em về bản xưa rồi đây sẽ khác/ Lũ tham quan độc ác rồi sẽ bị diệt trừ/ Rừng Đồng Văn rồi sẽ bớt âm u/ Dòng Nho Quế lại xanh như áo mẹ...”.
Cảm hứng Tây Bắc và day dứt của một tâm hồn xứ Nghệ
Chia sẻ về cơ duyên để cho ra đời tác phẩm, trong một trang cá nhân của mình, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ trải lòng: Năm 1997 là một năm đáng nhớ với đầy kỷ niệm. Số là năm đó ông lên huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, lúc đó ông còn đảm nhận công việc Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An. Sau khi được tổ chức cử ra Hà Nội để theo học lớp Chính trị đại học chính quy tập trung thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, với cảm hứng ở vùng cao nguyên của núi rừng ở cực bắc, ông đã "xuất khẩu" nên một bài thơ. "... Tháng ba, Khâu Vai hò hẹn/ Chợ tình chẳng mua, chẳng bán/ Vẹn nguyên lối cũ, gót xưa/ Vẹn nguyên chín đợi mười chờ/ Vẹn nguyên tình đầu giang dở...".
Cảnh trong vở cải lương "Chuyện tình Khâu Vai" công diễn tại TP Vinh |
Về sau, ý thơ, câu chữ và cả sự day dứt của chính tác giả đã đeo đuổi ở ông. Từ đó, ý tưởng một tác phẩm truyền hình được phác thảo qua kịch bản này. Sau một thời gian nung nấu, gọt dũa "đứa con tinh thần", từ tháng 4/2012, khi đã là Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trong một chuyến công tác cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương với nhiệm vụ là Trưởng đoàn ra thăm quân và dân Trường Sa, ghé Nhà giàn DK1, nhiều bài thơ đã được sáng tác, ra mắt. Về sau, được sự "tiếp sức" của một số anh em văn nghệ sĩ, các nhà chuyên môn như Nhạc sĩ Lê Đức Hùng (TP Hồ Chí Minh), Nghệ sĩ Quang Khải, Nghệ sĩ Ưu tú Triệu Trung Kiên... đã giúp anh hoàn thành tác phẩm "Chuyện tình Khâu Vai".
Sau khi vở diễn cải lương "Chuyện tình Khâu Vai" được bà Thái Hương - Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á và Tập đoàn TH bảo trợ tổ chức công diễn ở huyện Yên Thành (quê hương của tác giả kịch bản), Nghĩa Đàn (quê nghệ sĩ cải lương Quang Khải thủ vai), thành phố Vinh và Đô Lương. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết: Ý tưởng về một tác phẩm sân khấu khắc họa nét văn hóa đặc sắc "Chợ tình" của các dân tộc vùng cao tại Hà Giang đã được ông ấp ủ trong nhiều năm.
Mỗi lần lên công tác tại Hà Giang, ông đều cố gắng sắp xếp thời gian, tìm gặp bạn bè, đồng nghiệp và các nhà nghiên cứu am hiểu về nét văn hóa này nhằm tìm kiếm, sưu tầm tư liệu chuẩn bị cho tác phẩm. Có lẽ chính câu chuyện tình yêu nhuốm màu bi kịch nhưng đầy chất thơ đã tạo nên nguồn cảm hứng để ông hoàn thành tác phẩm dưới hình thức một câu chuyện thơ. Khi chuyển thể sang cải lương, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên đã chuyển tải được vẻ đẹp đó với hơi thở mới, tiết tấu mới, quan niệm mới.
Xuân Thống