Văn hóa - Giáo dục
Lượng hồ sơ giảm, nhiều thí sinh "chấm điểm" trường địa phương
14:48, 13/05/2014 (GMT+7)
Ngày 12/5, Sở GD&ĐT các tỉnh phía Nam thực hiện bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) cho các trường. Lượng hồ sơ ĐKDT giảm mạnh là nhận xét chung của các sở, ngoài ra, việc tư vấn tuyển sinh cho thấy đã có tác dụng bởi thí sinh đã biết lượng sức mình, các ngành như Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Sư phạm có số lượng giảm hẳn. Điều đáng chú ý, thí sinh phía Nam năm nay đã nộp hồ sơ nhiều vào các trường ĐH của địa phương, ngoài yếu tố được gần nhà, còn một lý do nữa là họ hy vọng ra trường có việc làm ngay.
Lượng hồ sơ giảm mạnh
Theo Sở GD&ĐT TP HCM, đơn vị này nhận được 129.636 hồ sơ (HS), giảm gần 20.000 HS so với năm trước. Trong đó HS nộp tập trung chủ yếu ở các ngành khối như A: 44.112 hồ sơ; D1: 31.962 HS; A1: 24.973, lượng HS nộp vào các ngành khối C chỉ 2.856 HS. Và tại TP HCM, 3 trường ĐH nhận được nhiều HS ĐKDT nhất bao gồm: ĐH Tôn Đức Thắng: 12.793 bộ, ĐH Sài Gòn 11.278 bộ, và ĐH Sư Phạm: 4.793 bộ.
Trong khi đó ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ĐH Cần Thơ và ĐH Y Dược Cần Thơ (Cần Thơ) nhận được HS tương đối lớn từ tỉnh nhà và các địa phương khác.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng số HS là 42.198, giảm 6.000 HS so với năm 2013.Trong đó khối A là 17.371 HS. Đặc biệt số HS đăng ký thi riêng rất ít: 117 HS gồm: 99 HS vào Trường CĐ Mỹ thuật; 15 HS vào ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Trong đó, các trường có số lượng ĐKDT cao nhất là ĐH Đồng Nai với 6.171 HS (năm 2013 chỉ có 4.894 HS). Trong đó thí sinh tập trung chọn thi vào các ngành như Giáo dục Tiểu học, Quản trị kinh doanh, Giáo dục Mầm non, Sư phạm tiếng Anh. Ngoài ra số lượng thí sinh Đồng Nai ĐKDT nhiều vào Trường ĐH Nông lâm TP HCM; ĐH Công nghiệp TP HCM; ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM; ĐH Tôn Đức Thắng với số lượng tăng gấp đôi năm 2013 là 2003 HS (ngành Quản trị kinh doanh) và ĐH Tài chính Marketing, ĐH Y dược TP HCM.
Buổi bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi của các tỉnh phía Nam ngày 12/5 tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng |
Thầy Triệu Tất Tứ (chuyên viên Phòng GDTX-TCCN và giáo dục ĐH) tỉnh Long An cho biết, Long An có tổng số 25.000 HS. Trong đó, HS nộp cao nhất vào ĐH Nông lâm (1.932 HS), tiếp theo là CĐ Cao Thắng với 1.994 HS; ĐH Sài Gòn với 1.762 HS, và ĐH Công nghiệp là 1.531 HS. Trong đó so với 2013, số lượng HS giảm 3.000 bộ. Toàn tỉnh chỉ có 70 HS đăng ký hình thức thi riêng (xét tuyển) vào các trường.
Theo thầy Tứ, lượng HS giảm mạnh do các thí sinh năm nay đã lượng được sức mình, không nộp HS vào những trường tốp đầu vì lo ngại năng lực không với tới, mặt khác vì năm nay lệ phí thi tăng do thí sinh phải đóng luôn 1 lần là 105.000đ (năm 2013 chỉ đóng 80.000đ, khi nào đi thi, nộp thêm 25.000đ).
Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang cho biết, có 6.117 HS nộp trên toàn tỉnh. Số HS cũng giảm 700 HS so với năm 2013.
Nhiều trường địa phương đã “có giá”
Thầy Trần Ngọc Anh, Trưởng phòng GD-TX-TCCN tỉnh Khánh Hòa, cho biết có 26.083 HS trên toàn tỉnh. Khối thi nộp nhiều nhất vẫn là khối A và A1, khối B; khối C rất ít. Đáng chú ý là năm nay có tình trạng thí sinh nộp HS vào các trường ĐH địa phương. Thậm chí có một số HS là của thí sinh đã thi đậu năm 2013 và đang theo học tại một số trường ĐH-CĐ ở TP HCM nhưng bỏ dở chương trình, nộp HS đăng ký thi lại vào trường ĐH Nha Trang - Khánh Hòa. Lý do là năm 2013 đã trót thi vào ngành không yêu thích, năm nay ĐH Nha Trang được Bộ GD&ĐT cho đào tạo đa ngành nên được được thí sinh “chấm điểm”. Cũng theo thầy Ngọc Anh, lượng HS thuộc diện học sinh lớp 12 của Khánh Hòa giảm mạnh (1.500 HS so với 2013).
Theo cô Đặng Thị Thu Kinh, chuyên viên Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh, tổng số HS giao nhận là 13.489 bộ. Giảm 1.296 HS so với 2013. Một loạt các trường có HS đăng ký giảm mạnh trên 50% như: ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM, ĐH Tài nguyên môi trường TP HCM từ 793 (2013) giảm chỉ còn 168 hồ sơ (2014);… Trong đó đăng ký cao nhất là vào CĐ Tây Ninh với 1.382 HS. Có lẽ bởi tâm lý cho rằng, học gần nhà cho đỡ tốn kém. Tuy nhiên, theo cô Kinh, dựa trên chỉ tiêu lấy vào của CĐ Tây Ninh năm nay chỉ có 200, và tập trung vào 3 ngành: Mầm non, Thư viện và giáo dục Tiểu học. Như vậy việc thí sinh cho rằng thi vào trường ĐH địa phương dễ hơn lại có nguy cơ rớt vì tỉ lệ chọi vào trường này sẽ rất cao. Điều đáng chú ý nữa, theo dự báo về nguồn nhân lực tỉnh, các ngành Ngân hàng, Quản trị kinh doanh hiện xin được việc rất ít, nhưng số lượng ĐKDT của thí sinh vào ngành Ngân hàng năm nay vẫn cao: từ 46 HS (2013) lên 267 HS (2014) hay ĐH Nguyễn Tất Thành TP HCM: từ 636 HS (2013) lên 821 HS (2014); ĐH Thủ Dầu Một: 172 HS (2013) lên 218 HS (2014)…
Tại tỉnh Bình Thuận có tổng số 24.098 HS, giảm 5.000 HS. Theo Tiến sĩ Trần Lương Công Khanh, Phó trưởng Phòng GD chuyên nghiệp của sở, Bình Thuận vốn là một nơi có thế mạnh và nhu cầu về nhân lực cho các ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản nên năm nay lượng thí sinh đăng ký tăng vọt vào Trường ĐH Nông lâm TP HCM và trường địa phương là ĐH Phan thiết. Như vậy thí sinh đã thực tế hơn, chọn ngành và trường để ra trường có việc ngay. Nhưng qua HS năm nay cũng cảnh báo một điều là nhiều thí sinh vẫn chưa nắm được về nhu cầu nhân lực xã hội. Cụ thể là ngành Sư phạm đã trong tình trạng bão hòa, 2 năm nay tỉnh Bình Thuận có một số lượng sinh viên sư phạm ra trường, tỉnh không biết phân đi đâu vì không có chỉ tiêu, nhưng năm nay vẫn có hơn 200 HS đăng ký vào ĐH Sư phạm TP HCM và trường có chuyên ngành đào tạo sư phạm. “Điều nay trước hết là mừng cho các trường sư phạm, nhưng lại lo cho tỉnh nhà”, TS Khanh nhận định.
Nguồn: cand.com.vn