Văn hóa - Giáo dục
Có nên tổ chức kỳ thi nghề phổ thông cho học sinh lớp 9?
09:11, 08/05/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Với 70 tiết học, 120.000 đồng tiền lệ phí và học phí, kỳ thi diễn ra “suôn sẻ”, còn kết quả thì “trên cả tuyệt vời”: Tất cả đều đỗ 100% và hơn 97% đạt loại giỏi. Đó là kỳ thi nghề phổ thông dành cho lớp 9 diễn ra hàng năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Ngày 1 và 2/4/2014, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tổ chức thi nghề phổ thông cho học sinh khối 9 trên toàn tỉnh. Có thể khẳng định rằng, trong tất cả các kỳ thi ở cấp THCS chẳng có một kỳ thi nào mà “bi hài” như thi nghề phổ thông. Bởi, chưa thi nhưng đã biết đỗ 100% và đạt loại giỏi trên 95%.
Kết quả thi nghề phổ thông dành cho khối lớp 9 có tỉ lệ loại giỏi trên 95% không làm giáo viên và học sinh bất ngờ, bởi kết quả đó đã diễn ra nhiều năm nay. Dù được tổ chức khá chặt chẽ, đúng quy trình, đầy đủ các bộ phận như một kỳ thi cấp Quốc gia hẳn hoi: Trước kỳ thi, các trường tổ chức đoàn kiểm tra hồ sơ chéo lần thứ nhất, lần thứ hai, thành lập đoàn thanh tra của cụm, thanh tra phòng, giám thị 1, 2, 3... nhưng tất cả đều là hình thức, đó chỉ là một kỳ thi “nộp tiền để cộng điểm”. Một giám thị bộc bạch: Biết rằng “tạo điều kiện” cho các em thoải mái làm bài là không đúng với chủ trương, nhưng nếu làm nghiêm túc, chặt chẽ thì những em đó sẽ bị thiệt vì ở đâu cũng thế, huyện nào cũng thế cả, một mình không thay đổi được. Hơn nữa, môn học này chẳng có ích lợi gì nhiều ngoài được cộng điểm khi tuyển sinh vào lớp 10.
Việc tổ chức kỳ thi nghề cho học sinh lớp 9 hiện nay đang được xem là không cần thiết vì thiếu tính hiệu quả - Ảnh minh họa |
Kỳ thi được tổ chức 2 ngày cho 2 phần thi, phần lí thuyết nghề và phần thực hành. Để các giám thị “nhẹ tay” và “tạo điều kiện” hết sức cho các em, ngoài 105.000 đồng/ngày theo quy định hiện hành, các trường còn phải góp thêm một khoản để hỗ trợ tiền xăng xe, chè nước. Đối với giáo viên chấm thực hành vì số lượng ít nên các thầy, cô được đón tiếp nồng nhiệt, phục vụ chu đáo, chăm sóc tận tình. Đó là chưa kể trong quá trình diễn ra kỳ thi, lãnh đạo Phòng Giáo dục đi kiểm tra nên các nhà trường lại phải bồi dưỡng chè nước, xăng xe? Đó là lí do vì sao kỳ thi nghề năm nào cũng thế, chẳng có học sinh nào trượt, trừ… bỏ thi. “Mục đích cuối cùng của kỳ thi nghề phổ thông là các em được cộng điểm khi thi tuyển sinh vào lớp 10, chứ 70 tiết học với cách dạy, cách học qua loa như thế thì sao thành “nghề” được - một giám khảo cho biết. Còn đây là nhận xét của một em học sinh lớp 9: 70 tiết nhưng em chỉ học được khoảng vài chục tiết thôi, vì biết thế nào cũng đỗ loại giỏi mà. Cơ bản là phải biết chép tài liệu cho nhanh, cho đúng (sắp đến kỳ thi các em được hợp thức hóa hồ sơ). Trường em thi hơn 100 bạn nhưng có ai được loại khá đâu, toàn giỏi hết. Thậm chí học sinh khác vào thi thay cũng chẳng thể phát hiện được vì không có thẻ học sinh.
Ở Nghệ An, nhiều huyện đã không đăng kí học nghề phổ thông từ mấy năm nay như Tân Kỳ, Quế Phong… Riêng huyện Yên Thành năm học 2014 -2015 dự báo nhiều trường THPT sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu thì việc cộng một vài điểm không còn ý nghĩa nữa. Như vậy, bỏ thi nghề phổ thông để giảm bớt gánh nặng tài chính và áp lực thời gian là hoàn toàn hợp lí - một thầy giáo cho biết.
Trong khi một số tỉnh khác như Hà Tĩnh đã bỏ kỳ thi nghề phổ thông lớp 9 từ lâu thì Nghệ An vẫn tiếp tục tổ chức một kỳ thi không có chất lượng, hiệu quả nếu như không nói là thừa. Bỏ thi nghề phổ thông đối với lớp 9 nhằm giảm bớt thời gian, áp lực và kinh phí để các em đầu tư cho những môn học khác thiết thực hơn. Bởi lẽ, 70 tiết học nhưng các em chẳng được học là bao, nhiều giáo viên dạy qua loa, sơ sài, đến ngày thi thì hướng dẫn các em phôtô tài liệu phóng to, thu nhỏ để sử dụng.
Mong rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cần nghiên cứu và xem xét lại có nên bỏ môn học này để phù hợp với tình hình thực tế hơn. Dù còn 4 tháng nữa mới bắt đầu năm học mới, nhưng nhiều trường đã yêu cầu học sinh đăng ký học nghề phổ thông cho năm học 2014 - 2015.
Thành Yên