Ảnh: internet |
Năm 2000, Hội nghị Liên hợp quốc đã chọn ngày 22/5 hàng năm là Ngày quốc tế Đa dạng sinh học để góp phần tăng cường hiểu biết và nhận thức về các vấn đề liên quan đến đa dạng sinh học trên thế giới.
Năm 2014, chủ đề quốc tế của Ngày quốc tế Đa dạng sinh học là “Đa dạng sinh học biển đảo” và Chủ đề quốc gia mà Việt Nam lựa chọn là “Giảm tiêu thụ trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp” nhằm tăng cường nhận thức cộng đồng về bảo vệ đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Năm 2014 cũng được Liên hợp quốc chọn là Năm Quốc tế về các tiểu quốc đảo đang phát triển. Chủ đề ngày Môi trường thế giới 5/6/2014 là “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng” nhằm nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đối với các khu vực dễ bị tổn thương như hải đảo và các khu vực ven biển.
Để hưởng ứng các ngày trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Đa dạng sinh học (22/5) và Ngày Môi trường thế giới(5/6).
Theo đó, các địa phương trên cả nước sẽ phát động và tổ chức nhiều phong trào vệ sinh môi trường như: tổ chức tổng vệ sinh, thu gom, chôn lấp và xử lý rác thải ở các nơi công cộng; trồng và chăm sóc cây xanh; vận động cộng đồng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên…
Các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2014 cũng diễn ra sôi nổi như: Tổ chức ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh; ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn dân cư; khơi thông dòng chảy, nạo vét ao hồ, kênh mương, hệ thống thoát nước; diễu hành, cổ động về bảo vệ môi trường và các hoạt động thiết thực khác phù hợp với đặc điểm từng ngành, từng địa phương.
Để hưởng ứng ngày này, các cơ quan báo chí, truyền thông trung ương và địa phương cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến tới đông đảo nhân dân về nguyên nhân và tác hại của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu, hướng mọi người tự giác hạn chế sử dụng nguồn nguyên liệu, nhiên liệu có phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây biến đổi khí hậu, tạo thói quen tự giác tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo như than đá, khí đốt; làm cho toàn dân tích cực tham gia các hoạt động trồng cây gây rừng, phòng chống cháy rừng, bảo tồn các loại động vật hoang dã