Văn hóa - Giáo dục

Đổi mới giáo dục trên tinh thần hội nhập

08:45, 31/12/2013 (GMT+7)

Hệ thống giáo dục đại học đang có rất nhiều loại “ổ điện, phích cắm” khác nhau. Do vậy, để đảm bảo sự “tương thích”, giáo dục cần phải được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, với tinh thần quyết liệt nhất.
 

 Giáo dục Việt Nam đang tồn tại nhiều loại
Giáo dục Việt Nam đang tồn tại nhiều loại "ổ điện, phích cắm" khác nhau. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Dự hội nghị Quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI và tổng kết năm học 2012-2013 các trường đại học, cao đẳng (ĐHCĐ), ngày 28/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Ngành Giáo dục phải đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trên tinh thần hội nhập.

Những năm qua, ngành Giáo dục, đặc biệt khối đại học, đã vượt qua nhiều khó khăn, sáng tạo và đạt được những kết quả quan trọng, song cũng đứng trước yêu cầu phải đổi mới toàn diện, căn bản để đáp ứng được điều kiện phát triển mới của đất nước như Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI, đề ra.

Theo Phó Thủ tướng, đất nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, phát triển tốt, giữ được mức tăng trưởng, ổn định chính trị… Vị thế của đất nước được nâng lên, không đơn thuần từ một bài phát biểu hay, một cử chỉ ngoại giao đúng lúc, đúng chỗ mà quan trọng đằng sau là thế và lực của đất nước đang lên. Nhưng khoảng cách giữa chúng ta với một số nước ngay trong ASEAN cũng chưa được thu hẹp, chưa vượt qua được. Điều đó đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới sâu rộng, lên một tầng nấc mới.

Chuẩn hóa lại hệ thống giáo dục ĐH

Cạnh tranh toàn cầu đang diễn ra gay gắt, nếu mỗi một quốc gia không tìm được lợi thế của mình, không chủ động thì nhất định sẽ tụt hậu so với các nước khác. Ngày xưa chậm mất 10 năm thì bây giờ chỉ chậm mất 1 năm hậu quả cũng bằng 10 năm trước đây. Do vậy, giáo dục phải đi trước một bước, trong đó đại học là khâu cần phải quyết liệt nhất và cũng mang lại kỳ vọng nhiều nhất. Vì những người làm công tác quản lý, giảng dạy, sinh viên đều có nhận thức cao hơn so với các bậc học bên dưới. Các trường ĐH-CĐ đã quen với tự chủ, sát đầu ra, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội, Phó Thủ tướng nói.


Giáo dục liên quan đến mọi người dân; đổi mới, thay đổi nếu không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến tương lai cả đời người, cộng lại là nhiều năm đối với tương lai dân tộc. Vì vậy, đổi mới giáo dục phải quyết liệt nhưng phải hết sức cẩn trọng, trí tuệ, khoa học…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam



Để thực hiện được điều này, cần xem xét lại tình trạng hệ thống giáo dục đại học hiện nay đang ở đâu, mạnh, yếu ở những điểm nào khi mà sản phẩm đào tạo bậc ĐH-CĐ là các kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công việc trong doanh nghiệp, và vẫn có khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp không xin được việc.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chưa đến 50% trong đó tỷ lệ lao động có trình độ ĐH-CĐ chưa đến 10% dân số; tỷ lệ này của các nước đều gấp 2-3 lần; số người học ĐH-CĐ/vạn dân cũng chỉ bằng 2/3 các nước khác. Trong khi hệ thống cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên đại học vừa thiếu về số lượng, vừa còn hạn chế về trình độ chuyên môn.

Nếu không nhìn nhận, đánh giá đúng những vấn đề này thì những giải pháp chúng ta vừa nói sẽ vẫn có tác dụng nhưng không triệt để, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Lấy ví dụ về ổ chuyển đổi các loại phích cắm điện để tương thích với các loại ổ cắm khác nhau, Phó Thủ tướng nhận xét hệ thống giáo dục đại học trong nước đang có rất nhiều loại “ổ điện, phích cắm” khác nhau, từ hình thức thô sơ nhất là dây điện không có phích cắm như ngày xưa đến những loại hiện đại nhất.

"Đơn cử từ việc nhỏ là đặt tên các trường đại học hiện nay ở Việt Nam cũng không theo chuẩn quốc tế chung, thì làm sao hội nhập, làm sao những sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam được chấp nhận sang học tiếp ở những trường khác trên thế giới", Phó Thủ tướng nhận xét.

Do đó, với mục tiêu đào tạo những thế hệ tương lai thành công dân toàn cầu, thì phải đổi mới, thay đổi thực sự căn bản, từ nhận thức đến vấn đề có tính hệ thống, cơ cấu, chương trình, phương pháp, kiểm định chất lượng… chuẩn hóa theo quốc tế, với một tinh thần quyết liệt, nhanh nhất có thể.

Đột phá từ thi cử và quản lý giáo dục

Phó Thủ tướng lưu ý: Bộ GDĐT coi công tác đánh giá, thi cử là khâu đột phá, nhưng không có nghĩa chỉ làm ở khâu đột phá, mà cần phải triển khai đồng thời ở tất cả các lĩnh vực. Điểm đột phá của ngành Giáo dục không chỉ là thi cử mà còn phải là đổi mới quản lý giáo dục, trước hết từ Bộ GDĐT đúng vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước.

Chúng ta phải làm sao để tạo ra một đội ngũ lao động có năng lực cả về kiến thức, chuyên môn, kỹ năng sống để trước hết là một công dân tốt, là công dân toàn cầu. Bây giờ cả nước hội nhập thì ngành giáo dục cũng phải đổi mới trên tinh thần hội nhập, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Những thuận lợi cơ bản của đổi mới giáo dục hiện nay là đã có hệ thống văn bản pháp lý, dư luận chung và các trường sẵn sàng ủng hộ và trông chờ vào điều này… Đồng thời, nhiều cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cũng sẵn sàng chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, liên kết đào tạo với các trường đại học của Việt Nam theo chuẩn quốc tế. Song những chính sách về đổi mới giáo dục cần được bàn bạc dân chủ, cởi mở, kể cả báo chí tham gia góp ý, thấy đúng, thuyết phục, đủ cơ sở thì công khai ra những hạn mức nhất định để thực hiện, tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng và biện pháp xử lý thật nghiêm túc.

Dành thời gian nói về công tác tuyển sinh đang rất được quan tâm hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thi đầu vào sẽ không còn quan trọng khi nền giáo dục, kinh tế phát triểnđến một mức nào đó tất cả mọi người đều có quyền tự chọn loại trường, loại hình giáo dục; trong trường học nếu thầy đúng là thầy, trò đúng là trò, nếu không học được thì bị loại; và xã hội trọng dụng năng lực, trình độ thật chứ không phải bằng cấp.

Còn với dự thảo quy chế tuyển sinh mới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT cần sẵn sàng lắng nghe, tuyên truyền rộng rãi vì đây là việc rất quan trọng với các em sinh viên và gia đình. Chúng ta đổi mới để các cháu học sinh, sinh viên không chịu thiệt thòi. Những người xứng đáng có cơ hội hơn thì phải được lựa chọn vào những cơ sở giáo dục tốt hơn.

 Ảnh: VGP/ Quang Hiếu
Ảnh: VGP/ Quang Hiếu

Hai mục tiêu của ngành Giáo dục

Báo cáo của Bộ GDĐT tại hội nghị cho biết trong năm học 2012-2013, tổng số thí sinh trúng tuyển nhập học năm 2013 là 489.732, tăng 5,4% so với năm 2012. Trong đó, các trường đại học tuyển được 324.059 thí sinh (năm 2012 là 264.784 thí sinh); cao đẳng tuyển được 165.673 (năm 2012 là 198.897 thí sinh).

Những cảnh báo về dư thừa nguồn nhân lực trong các ngành học tài chính, kế toán, kinh tế... cùng thay đổi trong nhận thức về giáo dục đại học của người dân đã dẫn đến sự điều chỉnh tích cực về cơ cấu đào tạo, lựa chọn ngành, trường phù hợp với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo còn chậm, thiếu quy hoạch chung về ngành và trình độ đào tạo.

Bên cạnh đó, kết quả 2 năm thực hiện chính sách ưu tiên đào tạo theo địa chỉ đã giúp một số lượng đáng kể con em vùng dân tộc, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo có điều kiện tiếp cận giáo dục đại học. Chương trình đào tạo nhân lực theo địa chỉ sử dụng cho Khu kinh tế Vũng Áng, với sự hỗ trợ tài chính hấp dẫn và cam kết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đã thu hút hàng trăm sinh viên theo học, là mô hình tốt về đào tạo nhân lực, cần nhân rộng cho các khu công nghiệp khác trong cả nước.

Lãnh đạo Bộ GDĐT cũng nhìn nhận nhiều hạn chế của giáo dục đại học: Điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được quy mô đào tạo; số lượng giảng viên tăng chậm, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ, chức danh GS, PGS còn thấp; phương pháp giảng dạy còn thụ động; chưa có sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng nhân lực; việc thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn. Nhiều cơ sở giáo dục đại học vi phạm các quy định hiện hành như: Tuyển sinh vượt năng lực theo quy định; vượt chỉ tiêu so với đăng ký, liên kết đào tạo không được phép của các cấp có thẩm quyền…

Mục tiêu tổng quát trong năm học 2013-2014 của ngành Giáo dục là: Chuyển mục tiêu giảng dạy từ cung cấp kiến thức là chủ yếu sang phát triển năng lực, phẩm chất của sinh viên; chuyển đổi mô hình phát triển giáo dục đại học dựa trên quy mô, số lượng sang mô hình phát triển dựa trên chất lượng, hiệu quả; triển khai hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Chinhphu

Các tin khác