Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm một trường mầm non tại tỉnh Hòa Bình tháng 3/2012. |
Trong 5 chỉ tiêu mà Đề án đã xác định thì đã có 4 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch, chỉ duy nhất chỉ tiêu kiên cố và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia chưa hoàn thành.
Đây là những kết quả khả quan, vượt yêu cầu mà Đề án đặt ra. Theo đó, 92% số trẻ 5 tuổi được đến trường và học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non mới. Đã nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mầm non 5 tuổi; 99% trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được học Chương trình giáo dục mầm non mới, chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1; đáp ứng đủ giáo viên mầm non đạt chuẩn và chương trình học mới cho trẻ mầm non 5 tuổi.
Tổng nhu cầu kinh phí để thực hiện Đề án phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi là 14.660 tỷ đồng. Cụ thể, kinh phí xây dựng phòng học, phòng chức năng: 9.299 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị, đồ chơi: 2.200 tỷ đồng; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và hỗ trợ tiền ăn trẻ 5 tuổi: 2.900 tỷ đồng và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cho 86 huyện khó khăn.
Sau 3 năm triển khai Đề án, tính đến 10/2013 tổng kinh phí đã thực hiện ước đạt: 6.820 tỷ đồng (đạt 46,5% kế hoạch). Trong đó ngân sách Nhà nước là 5.800 tỷ đồng (chiếm 48,6% kế hoạch).
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, bên cạnh những kết quả đã đạt được, bất cập lớn nhất hiện nay là việc cân đối nguồn vốn đã không được thực hiện đúng kế hoạch đề ra theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, chỉ còn 2 năm để thực hiện những công việc còn lại.
Về tình hình cân đối vốn tại các địa phương: kinh phí được bố trí qua nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung của các địa phương, kế hoạch của Đề án là 4.740 tỷ đồng, nhưng qua hơn 3 năm thực hiện, theo báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương mới đầu tư được khoảng 1.000 tỷ đồng (đạt 21,1% kế hoạch).
Việc xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cho 86 huyện khó khăn (theo yêu cầu của Đề án) không được bố trí nguồn lực để thực hiện. Nguồn vốn ODA theo tính toán của Đề án là 2.037 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa có vốn.
Nguồn vốn cần đảm bảo (theo dự toán giá xây dựng hiện nay) là 12.660 tỷ đồng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất: Ngân sách Nhà nước đảm bảo 10.250 tỷ đồng, còn lại 2.410 tỷ đồng huy động từ nguồn xã hội (học phí, xã hội hóa).
Căn cứ từ tình hình thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa kiến nghị Chính phủ cho lùi tiến độ hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi đến năm 2018 (kế hoạch Đề án sẽ hoàn thành là 2015).
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã cho ý kiến về nguồn vốn để thực hiện Đề án đến năm 2015; cho ý kiến về một số nguồn vốn do địa phương quản lý để đối ứng với ngân sách của Trung ương.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị báo cáo chi tiết 3 năm triển khai Quyết định 239 của Thủ tướng. Báo cáo cần đánh giá mức độ quan tâm của từng địa phương đối với Đề án.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải thực sự quan tâm tới phổ cập mầm non 5 tuổi. Thực tế cho thấy ở một số địa phương phía Nam tiến độ triển khai Đề án vẫn dậm chân tại chỗ, chưa có tiến độ hoàn thành cụ thể, trong khi một số địa phương còn nghèo ở phía Bắc đã hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi.