Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình giáo dục là xu thế tất yếu. Hiệu quả của việc sử dụng công nghệ, các trang thiết bị dạy học hiện đại trong quá trình giáo dục đã được khẳng định trong thực tế, nhất là khả năng làm cho bài giảng trở nên sinh động, giáo viên có thể định hướng học sinh tiếp cận với một nguồn tri thức phong phú.
Mặc dù vậy, qua thực tiễn giảng dạy cho thấy, nếu lạm dụng quá mức, sử dụng không linh hoạt, phù hợp, các phương tiện dạy học hiện đại có thể gây ra những “tác dụng phụ” không mong muốn, làm giảm đi quá trình tương tác cần thiết giữa thầy và trò.
Do đó, cần sử dụng công nghệ, các phương tiện dạy học hiện đại sao cho phù hợp là vấn đề cần được quan tâm. Trong những năm qua, các phương tiện dạy học hiện đại được sử dụng và dần trở nên quen thuộc trong các tiết dạy của giáo viên, nhất là ở những đơn vị trường học đóng trên các địa bàn có điều kiện kinh tế thuận lợi.
Từ việc lên lớp bằng giáo án điện tử, dạy học bằng trình chiếu trên màn hình (power point), thời gian gần đây còn xuất hiện thêm những thiết bị công nghệ dạy học hiện đại mới như: Bảng điện tử thông minh, sách giáo khoa điện tử…
Không thể phủ nhận những tiện ích mang lại từ việc ứng dụng các phương tiện dạy học hiện đại vào quá trình dạy học. Khi sử dụng giáo án điện tử với những môn học, tiết dạy phù hợp, bài giảng của giáo viên có tính trực quan hơn.
Cần ứng dụng thiết bị khoa học công nghệ hiện đại vào việc giảng dạy sao cho phù hợp - Ảnh minh họa
Những hình ảnh, đoạn video clips, đoạn nhạc xen ngang làm cho giờ học trở nên sinh động, có khả năng cuốn hút, tạo hứng thú cho người học.
Chẳng hạn ở môn Sinh học, khi biểu thị quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể người, mô hình minh họa trên máy chiếu sẽ khiến học sinh dễ hình dung hơn; hoặc ở môn Địa lý, giáo viên giới thiệu về hiện tượng núi lửa, sóng thần qua những hình ảnh sinh động trên màn hình có thể giúp học sinh dễ hiểu bài hơn so với việc chỉ mô tả bằng ngôn ngữ nói.
Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, trong một tiết dạy, khối lượng kiến thức có thể được truyền đạt tới học sinh nhiều hơn. Với những bài giảng điện tử, giáo viên giảm được đáng kể thời gian ghi bảng hoặc đọc cho học sinh chép.
Thay cho thời gian đọc chép hay ghi bảng, giáo viên có thể lấy thêm nhiều ví dụ minh họa, dẫn dắt học sinh tiếp cận với các kiến thức phong phú hơn. Mặt khác, việc ứng dụng các thiết bị dạy học hiện đại vào quá trình giáo dục cũng là cơ hội giúp giáo viên và học sinh có điều kiện tiếp cận được với các phương tiện giảng dạy và học tập tiên tiến trên thế giới.
Đây cũng là động lực để cả giáo viên và học sinh đều phải học tập, nâng cao trình độ công nghệ thông tin của bản thân nhằm bắt kịp xu hướng của thời đại.
Trong quá trình dạy học, sử dụng công nghệ hiện đại đúng cách mang lại nhiều hiệu quả tích cực là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, nếu sử dụng không phù hợp, lạm dụng quá mức sẽ dẫn tới phản tác dụng.
Trong quá trình giáo dục, học sinh là nhân tố trung tâm, người giáo viên phải đóng vai trò khơi gợi, dẫn dắt học sinh tiếp cận với tri thức. Muốn làm được điều này, quá trình tiếp xúc, tương tác giữa thầy và trò là không thể thiếu.
Quá trình này không chỉ giúp học sinh dễ dàng tiếp cận với kiến thức mà còn giúp học sinh cảm nhận được tình cảm, sự khích lệ, động viên của thầy cô. Cũng thông qua quá trình tương tác này, sự uốn nắn của giáo viên đối với học sinh từ những hành động nhỏ nhất như: Tư thế ngồi, cách viết, cách đọc…
sẽ được thực hiện. Với vai trò quan trọng này của người giáo viên, máy móc, thiết bị dù hiện đại tới đâu cũng không thể thay thế được. Việc đưa giáo án điện tử và công nghệ thông tin vào giảng dạy đã góp phần “làm mới” tiết học lên nhiều.
Nhưng thực tế, có những tiết dạy, giáo viên trình chiếu cho học sinh quá nhiều thông tin, hình ảnh, số liệu khiến cho học sinh bị “quá tải” với những gì nghe và nhìn thấy.
Thời gian lẽ ra phải giành để học sinh suy nghĩ, tư duy, thảo luận nhóm thì chủ yếu chỉ để sử dụng cho việc nghe và quan sát. Kết quả là, chuyển từ hình thức đọc - chép trước đây sang nhìn - chép, chiếu - chép, hiệu quả của tiết dạy vì thế không được cải thiện nhiều.
Nhằm hướng tới mục tiêu hiện đại hóa giáo dục, bắt kịp với xu thế của thời đại, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các trang thiết bị dạy học tiên tiến vào quá trình giảng dạy và học tập là một chủ trương đúng đắn.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, cần có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp, căn cứ trên điều kiện thực tế của từng đơn vị trường học như: Năng lực tiếp thu của học sinh, khả năng sử dụng phương tiện dạy học hiện đại của giáo viên, đặc thù từng môn học…
Nên tránh việc lạm dụng quá mức, ỷ lại vào sự tiện dụng của các phương tiện dạy học hiện đại mà xem nhẹ vai trò của người thầy. Công nghệ hiện đại chỉ nên xem là phương tiện hỗ trợ, giúp giáo viên đứng lớp chuyển tải tới học sinh những lượng thông tin mà phấn trắng, bảng đen và các phương tiện dạy học truyền thống khác không làm được.
Một vấn đề khác cần được quan tâm là giá thành của các thiết bị dạy học hiện đại không hề rẻ, nhất là đối với những trường học đóng trên các địa bàn kinh tế còn khó khăn. Các đơn vị trường học cần dựa trên điều kiện thực tế để tính toán, mua sắm những trang thiết bị dạy học hiện đại thực sự cần thiết, tránh chạy theo phong trào, gây lãng phí.
Bùi Minh Tuấn
.