Theo quy định của điều lệ thì học sinh miền núi đi học không quá 2 km, học sinh vùng nông thôn không quá 1 km, vùng đô thị, vùng công nghiệp không quá 500 m, để tạo điều kiện phổ cập đúng độ tuổi.
Trong quy hoạch mạng lưới ở Nghệ An, điều kiện giao thông cũng phát triển nên cố gắng vận động các em học sinh ở điểm trường lẻ về điểm trường chính, đặc biệt lớp 3, 4, 5 để triển khai dạy học ngoại ngữ đại trà và môn Tin học, vì điểm trường lẻ không có cơ sở vật chất để dạy.
Với các em lớp 1, 2, nơi nào quá xa vẫn để học tại điểm trường lẻ. Trong điều lệ cũ, quy định không quá 3 điểm trường lẻ ở mỗi trường, nhưng ở điều lệ mới không quy định tối đa nữa. Như vậy, có thể chấp nhận nhiều điểm trường lẻ.
Ở miền núi, hàng năm vẫn có sáp nhập điểm trường chính. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, các em ở miền núi do các bản nằm cách xa nhau, phải trèo đèo lội suối vượt hàng chục km mới đến được trường. Từ mờ sáng đã cơm đùm, cơm vắt để kịp đến trường, cho nên nhà trường buộc phải mở lớp cắm bản để kéo học sinh phổ cập.
Những ánh mắt khao khát được đến trường
Hiện nay, ở miền núi vẫn tồn tại hơn 400 điểm trường lẻ. Như ở Trường Tiểu học Nga My, huyện Tương Dương vẫn tồn tại 9 điểm trường lẻ. Với vùng nông thôn, khoảng cách đi lại thuận lợi cùng với sự đồng thuận của phụ huynh nên cần sáp nhập trường học để nâng cao chất lượng dạy và học.
Vẫn biết, chủ trương là đúng đắn và con em mình có nhiều thuận lợi khi đến điểm trường chính như được học trong một môi trường có đầy đủ cơ sở vật chất, được trang bị những kiến thức, cùng tham gia các hoạt động của trường, hơn nữa, đội ngũ quản lý siết chặt hơn.
Tuy nhiên, nếu không được sự đồng thuận từ phía nhân dân, hậu quả để lại chính các em là những người chịu thiệt thòi nhất. Sự cương quyết từ phía gia đình vô tình đẩy con em mình vào tình trạng bỏ học. Trường Tiểu học Quang Sơn, huyện Đô Lương là một ví dụ điển hình. Năm học mới đã được gần 2 tháng, thế nhưng tại đây, 53 em lớp 1, lớp 2, lớp 3 thuộc 3 xóm 8, 9, 10 của khối Toàn Thắng vẫn chưa được đến trường.
Mỗi ngày, các em cắp sách đến trường trong khi vắng bóng cô giáo. Để mặc sự khao khát cháy bỏng được đi học của con mình, các bậc phụ huynh nhất quyết không cho đến điểm trường chính để học với lý do, đường sá đi lại khó khăn, kinh tế gia đình eo hẹp, trường do cha ông để lại muốn lưu giữ giá trị văn hóa... Muôn vàn lý do không chính đáng đã đẩy con em mình rơi vào tình cảnh bỏ học. Một hệ quả đáng buồn!
Trên thực tế, để tác động và thay đổi nhận thức của người dân, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Chủ trương đúng nhưng liệu cách làm đã hợp lý hay chưa? Trường THCS Lạng Sơn, huyện Anh Sơn sáp nhập vào Trường THCS Khai Sơn. Theo chủ trương của xã, sáp nhập hệ thống trường học là một chủ trương đúng đắn, kịp thời nhằm tạo điều kiện đầu tư sâu hơn cho công tác dạy và học, tuy nhiên không được sự đồng tình của phụ huynh.
Theo họ thì, chưa được bàn bạc dân chủ cấp trên đã ra thông báo bất ngờ khiến dân hoang mang, xáo trộn tư tưởng của con em đang theo học... Và một thực tế, Lạng Sơn là xã nằm biệt lập bên tả ngạn sông Lam, dân chủ yếu là hộ nghèo, người dân đi làm ăn xa, gửi con cái cho ông bà và người thân nuôi dưỡng nên theo họ, con em đến Trường THCS Khai Sơn rất vất vả, tình trạng bỏ học sẽ xảy ra...
Chính vì vậy, việc tuyên truyền, vận động từ phía chính quyền với nhân dân cần có sự đồng bộ và triệt để. Việc chưa chú trọng đẩy mạnh vào công tác tuyên truyền những lợi ích của việc sáp nhập để tác động và thay đổi quan điểm của các bậc phụ huynh vô hình chung làm cho tình hình thêm phức tạp, đẩy các em học sinh rơi vào tình trạng bỏ học. Chính sự thiếu đồng thuận giữa chính quyền địa phương và phụ huynh đã để lại hậu quả nặng nề, học sinh phải gánh chịu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT cho biết: Việc sáp nhập trường ở bậc tiểu học không bắt buộc. Tuy nhiên, quan điểm là ủng hộ chủ trương sáp nhập trường để tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục, trên cơ sở sự đồng thuận của gia đình và khoảng cách đi lại dễ dàng.
Để việc sáp nhập có hiệu quả cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của huyện, của xã, tập trung giải thích cho nhân dân hiểu rõ mục đích sáp nhập trường là để nâng cao chất lượng học tập. Đồng thời, Phòng Giáo dục huyện và các trường nên có sự trao đổi, làm việc với các xã có liên quan. Bàn bạc, trao đổi và đi đến thống nhất quan điểm, thống nhất trách nhiệm, thống nhất nguyên tắc, cách thức để nhà trường tham mưu khi có việc cần thiết.
Phan Tuyết - Ngọc Anh
.