Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201310/31547-lam-sao-de-sinh-vien-theo-hoc-nghe-thuat-truyen-thong-414871/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201310/31547-lam-sao-de-sinh-vien-theo-hoc-nghe-thuat-truyen-thong-414871/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Làm sao để sinh viên theo học nghệ thuật truyền thống? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 23/10/2013, 09:02 [GMT+7]
31547

Làm sao để sinh viên theo học nghệ thuật truyền thống?

Điều này thể hiện rất rõ ở các trường văn hóa nghệ thuật hiện nay, các ngành nghệ thuật truyền thống không thu hút được sinh viên. Và vấn đề đặt ra đó là, cần nhiều hơn nữa các chế độ, chính sách trong môi trường học tập và làm việc cho những người theo học các chuyên ngành này.
 
Thí sinh “làm ngơ” với ngành nghệ thuật truyền thống.
 
Có một điều rất dễ nhận thấy, đó là hiện nay, giới trẻ đang chạy theo các ngành nghề “hot” như kinh tế, ngân hàng, công nghệ thông tin… chứ không mấy mặn mà với các ngành nghệ thuật truyền thống.
 
Yêu cầu cao về năng khiếu nghệ thuật, thời gian học lâu trong khi ra trường cơ hội tìm kiếm việc làm lại không hề đơn giản là những lý do được các bạn trẻ đưa ra để giải thích cho vấn đề này. Và chúng ta cũng không thể phủ nhận được điều đó khi đây chính là thực trạng chung của xã hội.
 
Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Đức - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An cho biết: Hiện nay, Trường có 13 ngành, nghề trung cấp chính quy và 15 ngành, nghề cao đẳng chính quy nhưng hàng năm số lượng sinh viên theo học là rất ít.
 
Cụ thể như ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống (bao gồm đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn tam thập lục, sáo trúc) là 3 - 6 em; dân ca: 7 - 9 em, múa: 8 - 9 em… Và với muôn vàn khó khăn mà các ngành nghề truyền thống đang phải đối mặt thì đây cũng không phải là những con số quá khó hiểu.
 
Lớp học ngành nghệ thuật truyền thống rất ít sinh viên
 
Thực tế cho thấy, cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp chính là vấn đề mà giới trẻ quan tâm nhất hiện nay. Sinh viên theo học các ngành nghệ thuật truyền thống đòi hỏi phải có năng khiếu thực sự nổi bật. Bên cạnh đó, để trở thành một diễn viên, nghệ sỹ, nhạc công… có tài phải cần đến một quá trình học tập lâu dài, bền bỉ.
 
Nhưng trên thực tế, sau khi tốt nghiệp ra trường, những người theo học các ngành nghề truyền thống cũng chỉ được hưởng mức lương lao động như những người bình thường theo học 4 - 5 năm. Đó là còn chưa nói đến các khoản chi phí mà người học phải bỏ ra để thuê các dụng cụ hỗ trợ cho quá trình học tập, đặc biệt là việc thực hiện sản phẩm tốt nghiệp theo đúng chuyên ngành học.
 
Cần nhiều hơn nữa những chính sách thu hút.
 
Để góp phần giải quyết những khó khăn cho các bạn trẻ theo học các bộ môn nghệ thuật truyền thống, 3 năm trở lại đây, các trường nghệ thuật đã thực hiện Quyết định 82 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn giảm 70% học phí cho học sinh, sinh viên các chuyên ngành nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, chèo, cải lương, nhã nhạc cung đình, múa…
 
Bên cạnh đó, có những trường còn đưa ra những giải pháp tích cực như Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An, do nhận thức được những khó khăn của học sinh, sinh viên khi học tập tại trường và thực tế công việc sau khi các em tốt nghiệp nên trong quá trình đào tạo, ngoài chương trình cứng của Bộ, nhà trường còn có sự điều chỉnh chương trình một cách linh động nhằm phù hợp với điều kiện thực tế của trường và những yêu cầu đặt ra hiện nay của xã hội đối với các ngành nghệ thuật truyền thống.
 
Tất nhiên, sự điều chỉnh này phải được Hội đồng Khoa học thẩm định, đồng thời có ý kiến tham khảo của các đơn vị trường bạn và đặc biệt là ý kiến của các đơn vị sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, hàng năm nhà trường còn trích từ quỹ thi đua khen thưởng để nâng mức học bổng và các chế độ cho sinh viên.
 
Ngoài ra, từ năm 1985 trở lại đây, trường còn có sự phối hợp với Trung tâm Bảo tồn dân ca Nghệ An để liên kết đào tạo diễn viên kịch hát dân ca nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường sẽ có việc làm ổn định, phù hợp với năng lực của bản thân.
 
Tuy nhiên, nhìn vào số lượng thực tế hàng năm giới trẻ theo học ngành nghệ thuật truyền thống ở các trường nghệ thuật thì chúng ta dễ nhận thấy, những chế độ, chính sách đã đưa ra vẫn chưa đủ để kích cầu.
 
Theo ý kiến của nhiều người hoạt động trong lĩnh vực này và chính những sinh viên đã từng theo học thì, chính những khó khăn, bất cập trong đời sống nghệ thuật như cơ hội tìm kiếm việc làm hạn chế, cùng với mức lương thu nhập quá ít ỏi chính là những lý do mà ngày nay giới trẻ không mấy mặn mà với con đường này.
 
Trong khi giai đoạn hiện nay, sự phát triển của kinh tế - xã hội kéo theo sự ra đời của nhiều ngành nghề được giới trẻ ưa chuộng, thích thú và tìm đến để tạo cho mình những cơ hội thăng tiến trong cuộc sống thì dường như họ cũng sẽ dần lãng quên những bộ môn nghệ thuật truyền thống, cho dù bản thân vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê.
 
Do đó, với quá nhiều khó khăn như hiện tại thì việc miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên theo học các ngành nghệ thuật truyền thống hay việc phối hợp với các trung tâm, cơ sở để liên kết đào tạo cũng chỉ là những giải pháp khắc phục mang tính tạm thời.
 
Nghệ thuật truyền thống là những giá trị mà các thế hệ cha ông đã sáng tạo và gìn giữ cho thế hệ mai sau. Do đó, cần phải được bảo tồn, phát huy và phát triển. Và hơn ai hết, giới trẻ chính là những người có thể đảm nhận được sứ mệnh quan trọng, cao cả của mình.
 
Và để thu hút được những người trẻ đến với nghệ thuật truyền thống thì chắc hẳn phải cần đến sự quan tâm và tác động của các cấp, ban, ngành có liên quan, nhằm tạo ra cho sinh viên, học sinh những cơ hội tìm kiếm việc làm, đồng thời khắc phục được những khó khăn trong công tác tuyển sinh và đào tạo các ngành nghệ thuật truyền thống ở các trường nghệ thuật hiện nay.

Ngọc Anh - Phan Tuyết
.