PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ từng dạy và làm chủ nhiệm Khoa Lịch sử (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Chuyên gia của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ông đang là Chủ tịch hội đồng bộ môn lịch sử của Bộ GD-ĐT, đơn vị chịu trách nhiệm viết chương trình đổi mới SGK phổ thông sau 2015.
Một bài trong SGK Lịch sử lớp 9 có nhắc đến vài trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Thưa ông, nhân vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thể hiện trong sách giáo khoa ra sao?
Hình ảnh Đại tướng trong SGK phổ thông hiện nay không phải không có, chỉ chưa đậm nét.
Cụ thể, trong SGK Lịch sử lớp 9 do GS Đinh Xuân Lâm chủ biên, hình ảnh Đại tướng đã xuất hiện ở một số hình ảnh, thông tin ngắn gọn.
Ngày 22/12/1944, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có nhắc đến vai trò lãnh đạo của Đại tướng. Đại tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập đội này (có hình ảnh).
Vai trò của Đại tướng giai đoạn 1939-1945 cũng được nhắc đến trong Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Hình ảnh của Đại tướng cũng có trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ 1950-1953.
SGK Lịch sử lớp 12 cũng có ảnh Đại tướng ở Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và ảnh thường vụ họp. Thêm nữa, sách còn dẫn đoạn trích 6 dòng của Đại tướng phát biểu trong chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa đậm nét như ông vừa nói?
Việc viết sách giáo khoa có những quy định về phương pháp nên khó tải mọi thứ vào được.
Tuy nhiên, trong sách giáo khoa hay sách cho giáo viên có đưa hình ảnh liên quan đến các cuộc kháng chiến, dù còn ít. Giáo viên khi giảng bài có thể giơ lên để giảng giải cho học sinh hoặc để các em đặt câu hỏi rồi trả lời.
Các cuộc kháng chiến đều gắn liền với những nhân vật lịch sử. Dù chưa đưa đậm nét nhưng giáo viên có trách nhiệm giảng giải cho học trò để hiểu thực chất vấn đề
Chuyển "thông sử" thành "câu chuyện lịch sử"
Lâu nay SGK Lịch sử vẫn theo lối thông sử nên phải trình bày vấn đề theo mạch tiến trình, diễn biến chứ không theo vấn đề. Hình ảnh, chiến công của các anh hùng dân tộc như Đại tướng vì thế có phần mờ nhạt, chỉ tập trung vai trò của quần chúng. Chương trình, SGK phổ thông sau 2015 sẽ có thay đổi gì so với trước đây?
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ (Ảnh: Báo điện tử Đảng cộng sản). |
Định hướng đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015 sẽ có nhiều cải tiến, tăng cường kiến thức và hiểu biết cho học sinh về lịch sử.
Môn lịch sử ở bậc tiểu học (lớp 4, lớp 5) sắp tới không viết theo kiểu thông sử mà chuyển thành những câu chuyện lịch sử. Kết hợp với các kiến thức về địa lí, môi trường sẽ khiến môn học nhẹ nhàng, gần gũi học sinh hơn. Học sinh sẽ được biết từ những điều đơn giản như lịch sử về quốc kỳ, cờ đỏ sao vàng hay tại sao tên nước qua từng thời kỳ lại thay đổi rồi chuyện về các danh nhân văn hóa….
Đến bậc THCS, sách sẽ viết thông sử một cách đầy đủ từ lớp 6 đến lớp 9 nhưng tăng thời lượng vấn đề về văn hóa lên. Sách vừa phải bảo đảm những bài lịch sử, chính trị để giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho học sinh vừa có phần bổ sung về lịch sử kinh tế, văn hóa của dân tộc.
Cách viết sách sẽ không hàn lâm, khô cứng mà tăng cường dạy bằng hình ảnh, thông qua hình ảnh, câu chuyện để phát triển năng lực tư duy của học sinh.
Bậc THPT sách sẽ viết theo các chủ đề như các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, các nhân vật lịch sử,…Như vậy, hình ảnh những anh hùng dân tộc như Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được nhắc đến đậm nét hơn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhắc đến trong một bài học khác trong SGK Lịch sử lớp 9. Tuy nhiên nhiều ý kiến vẫn cho rằng chưa đủ. |
Ngoài thay đổi về chương trình, SGK, theo ông cần có thay đổi gì để môn lịch sử phát huy được vai trò quan trọng trong giáo dục phổ thông hiện nay?
Việc bộ môn lịch sử chưa hấp dẫn học sinh có phần từ những nguyên nhân về chương trình, SGK, phim ảnh, tư liệu…chưa phong phú, sinh động.
Tuy nhiên, nhận thức về môn lịch sử trong xã hội hiện nay chưa đúng tầm. Dân ta phải biết sử ta. Bạn ra nước ngoài, vào một công ty làm việc ngoài năng lực, yêu cầu trước hết là phải hiểu lịch sử, văn hóa của nơi ấy thì mới hòa nhập và phát triển được.
Chúng tôi cũng từng đề nghị với Bộ GD-ĐT phải đưa Lịch sử là môn học bắt buộc giống như Văn, Toán, Ngoại ngữ dạy trong trường phổ thông. Thi ĐH cũng cần có môn Lịch sử, kiến thức về thế giới có thể giảm bớt nhưng lịch sử VN mỗi học sinh cần phải nắm được.
Thực tế nếu không thi học sinh sẽ không học. Cần có những yêu cầu bắt buộc như vậy mới mong nâng cao vai trò môn Lịch sử trong trường học được.
Xin cảm ơn ông!