“Chuyện của Pao” tưng bừng với các giải thưởng nhưng nhà văn Đỗ Bích Thủy chưa từng nhận được lời cảm ơn từ đạo diễn.
|
Chuyện bản quyền tác phẩm trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nhiều năm nay chưa khi nào "nguội" trên các phương tiện truyền thông. Mới đây nhất, chúng ta chứng kiến chuyện nhà văn Phan Đức Nam, tác giả tiểu thuyết "Nơi trái tim ở lại" "đụng" với nhà biên kịch Lê Điệp và Đài Truyền hình Tp HCM. Nhà văn Phan Đức Nam không hài lòng với việc nhà sản xuất và biên kịch sử dụng tới 80% nội dung tác phẩm của ông mà chỉ ghi là "Theo ý tưởng Phan Đức Nam" và trả tiền tác quyền cho ông 6 triệu đồng để "mua ý tưởng".
Nhà biên kịch Lê Điệp "phản pháo" tác giả tiểu thuyết với lý lẽ như sau: "Phan Đức Nam đừng có làm căng thẳng thêm, nên chịu khó đọc hộ tôi tí đi, thân tình tôi mới chuyển thành kịch bản, còn nếu không thân tình thì không ai chuyển cho. TFS có xin lỗi và làm thêm chuyện chỉnh sửa và họ có chỉnh sửa hay không thì cũng không sao. Tiểu thuyết được phá đi và làm lại bao nhiêu. Thật ra tiểu thuyết với ý tưởng cũng như nhau thôi, không có cái gì quan trọng lắm, chỉ có một tí sự kiện và một số nhân vật mà tôi tận dụng thôi, không có giá trị bao nhiêu"... Kết quả của cuộc đụng độ này đang phải chờ đến một phiên xử của tòa án.
Cuối năm ngoái, sau Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 2, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân lên tiếng về việc phim "Cát nóng" (Hãng phim Giải Phóng, được trình chiếu trong khai mạc Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội) của đạo diễn Lê Hoàng có kịch bản đề tên Phạm Thùy Nhân, nhưng thực chất đã bị "tráo" bởi một kịch bản hoàn toàn khác của Lê Hoàng... Những vụ việc trên, và một số vụ việc khác nữa trước đó cho thấy có nhiều câu chuyện lình xình liên quan đến chuyện bản quyền lại không phải chỉ đơn thuần là chuyện tiền.
Ví dụ nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, mặc dù đã nhận đủ tiền tác quyền cho kịch bản phim "Cát nóng", ông vẫn bức xúc vì thái độ của nhà sản xuất, của đạo diễn, khi kịch bản của ông bị sửa, bị thay đổi mà không được xin phép. Hay nhà văn Phan Đức Nam khởi kiện TFS và biên kịch Lê Điệp không phải nội dung chính là tiền bản quyền, mà là yêu cầu để tên ông và tên tác phẩm tiểu thuyết của ông ở phần đầu bộ phim...
Nhân câu chuyện này, nhìn lại văn hóa ứng xử của các nghệ sĩ ta thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong việc sử dụng "chất xám" của người khác, là rất có vấn đề. Việt Nam tham gia vào công ước quốc tế về quyền tác giả đã hàng chục năm, nhưng phải nói ngay rằng việc thực thi công ước này rất ì ạch.
Cỗ xe bản quyền tác giả mới chỉ khởi động và có hiệu quả chút ít ở một vài lĩnh vực hẹp. Nhiều nơi, nhiều chỗ, tâm lý xài của chùa, ban phát vẫn là chính. Người sử dụng tác phẩm và người có tác phẩm được sử dụng vẫn chưa thể làm quen với một cung cách làm việc tôn trọng pháp luật, và ứng xử với nhau một cách văn hóa. Dù đó chỉ là một lời cảm ơn.
Còn nhớ, năm 2005, bộ phim "Chuyện của Pao", chuyển thế từ truyện của nhà văn Đỗ Bích Thúy được trao 5 giải Cánh Diều vàng, trong đó có một Cánh Diều vàng cho phim truyện nhựa xuất sắc nhất. Đạo diễn Ngô Quang Hải tưng bừng trên sân khấu, hạnh phúc với vinh quang mình vừa gặt hái được từ bộ phim. Anh nói lời cảm ơn khán giả. Nhưng chờ mãi một lời cảm ơn với người đã viết "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá", khởi nguồn cho ý tưởng làm phim "Chuyện của Pao", là nhà văn Đỗ Bích Thúy thì anh quên luôn. Khi tôi gọi điện cho nữ nhà văn đề cập tới chuyện trên, chị chỉ cười, như thể đã quen với việc bị ứng xử như vậy. Đành rằng có thể ngay lúc đó vì xúc động, người đạo diễn đã quên không cảm ơn nhà văn, nhưng những ngày sau đó, một cuộc điện thoại để cảm ơn nhà văn, Ngô Quang Hải cũng không nhớ. Sự "nhạt lòng" của người đã sử dụng ý tưởng của người khác để làm nên vinh quang cho mình sau đó đã được nhà văn Chu Lai viết một bài rất hay đăng báo. Ông thấy bất bình về việc nghệ sĩ ta ứng xử thiếu văn hóa trong việc sử dụng tác phẩm của người khác.
Một chuyện khác nghe được từ nhà thơ Bình Nguyên Trang. Chị kể, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng khi làm phim "Tuyết nhiệt đới" đã gọi điện cho chị ngỏ ý muốn sử dụng một số bài thơ của chị trong phim. Chị đồng ý và mất cả buổi chiều ngồi chọn thơ gửi email cho Vũ Ngọc Đãng. Rồi phim làm xong từ bao giờ. Rồi đến một ngày vô tình, nhà thơ thấy phim "Tuyết nhiệt đới" đang được phát trên sóng truyền hình. Chị háo hức xem. Và nhân vật nữ nhà thơ trong đó thỉnh thoảng lại đọc thơ Bình Nguyên Trang.
Nhiều người gặp Bình Nguyên Trang, hỏi, phim tư nhân làm, tiền nhiều, thù lao tác quyền dành cho những bài thơ đạo diễn sử dụng trong phim chắc khá nhỉ? Bình Nguyên Trang mới cười bảo, một lời cảm ơn từ đạo diễn còn chưa từng nhận được, sao lại nói chuyện tiền chứ. Chị chia sẻ luôn, cũng may vô tình xem truyền hình thấy phim chiếu, chứ không thì vĩnh viễn chả được nghe thơ mình trên phim nó thế nào. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến biết chuyện, mắng: "Ai bảo nó không chịu đòi. Quyền lợi của mình, cứ gọi thẳng đạo diễn mà nhắc nhở".
Nhưng chuyện đi đòi quyền lợi, với phần lớn các văn nghệ sĩ của ta thì vẫn là không thể. Phần vì ngại, phần vì không có thời gian. Nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ: "Nếu người sử dụng tác phẩm của mình "văn minh" đến mức họ biết nói lời cảm ơn với mình, thì tức là họ cũng đủ văn minh để hiểu chuyện sử dụng tác phẩm ai đó thì phải xin phép và trả tác quyền là đương nhiên. Thôi thì chúng ta cứ hy vọng ở một lời cảm ơn đã".
Từ rất lâu, tâm lý xài của chùa, tâm lý ban ơn ăn sâu trong đầu óc không ít người làm nghệ thuật. Một nhà biên kịch chuyển thể tác phẩm của nhà văn nào đó, họ nghĩ, không có mình sao truyện lên phim có hàng ngàn khán giả xem? Một nhạc sĩ phổ thơ ai đó, họ nghĩ, không có mình, còn lâu bài thơ mới đến được với công chúng rộng rãi. Một phóng viên truyền hình "cho" ai đó lên tivi, họ nghĩ, không có mình, làm sao "kẻ" kia được nói những điều mình nghĩ trước hàng triệu người. Một nhà thơ đã rất bức xúc khi phóng viên truyền hình (cũng là nhà thơ) mời anh đến trường quay đọc thơ, phát biểu. Nhưng rồi vĩnh viễn nhà thơ không được xem mình xuất hiện trên tivi thế nào. Đơn giản vì nhà thơ kiêm phóng viên kia không báo cho nhân vật của mình giờ phát sóng chương trình để xem...